'Trung ương vừa tính sắp xếp huyện xã, ở địa phương đã có chạy chọt'
'Trung ương vừa tính sắp xếp huyện xã, ở địa phương đã có chạy chọt'
Nguồn:Báo Điện tử VnExpress
Nhiều lãnh đạo cho hay việc sắp xếp lại các huyện, xã khiến cán bộ dôi dư nên vừa qua "mới làm đề án đã có hiện tượng chạy chọt".
Ngày 9/8, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021.
Theo Đề án, trong 3 năm tới sẽ có khoảng 18 quận, huyện và 637 xã, phường, thị trấn chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số được sắp xếp lại theo hướng sáp nhập, thu gọn để đáp ứng được các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, một số đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn sẽ không sáp nhập nếu có yếu tố đặc thù: địa lý biệt lập (hải đảo, cù lao, vùng sâu, vùng xa); truyền thống lịch sử hình thành và ổn định từ trước năm 1945 đến nay; đặc trưng về tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán, văn hóa...
Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng thách thức lớn nhất khi sáp nhập các huyện, xã là cán bộ sẽ dôi dư rất nhiều. "Ba xã, huyện nhập làm một thì ba bí thư, chủ tịch sẽ chỉ còn một. Sau khi có thông tin này, nhiều người tâm tư nếu sáp nhập thì họ có được làm nữa hay không?”, ông Sơn nói.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cũng chia sẻ, Trung ương đang làm đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng ở địa phương “đã có hiện tượng chạy chọt, gọi điện trao đổi đủ các thứ”.
Trước thực tế khi sắp xếp bộ máy thì trong nội bộ sẽ có vấn đề này kia, nhưng ông Vinh nhấn mạnh Nghệ An "đã xong đề án của tỉnh và chỉ chờ Bộ Nội vụ ban hành đề án chung là có thể thực hiện được ngay".
Bí thư Nghệ An đề nghị Trung ương tính thời gian giải quyết sắp xếp huyện, xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn, sao cho hoàn thành trước khi diễn ra đại hội Đảng bộ cấp xã, huyện vào năm 2020.
|
Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh. Ảnh: NTV |
Cùng mạch ý kiến trên, ông Trần Văn Tư - Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị Trung ương ban hành quy định chung trên cả nước về chính sách với những cán bộ nghỉ do dôi dư sau khi sáp nhập huyện, xã. “Phải thống nhất những người nghỉ hưu sớm được hưởng chế độ ra sao. Làm tiếp mấy tháng hoặc mấy năm thì chế độ thế nào. Đừng để xảy ra mất công bằng”, ông Tư nói.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, số lượng cấp phó, biên chế công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị mới sáp nhập có thể cao hơn bình thường; nhưng có lộ trình đến 2025 phải đảm bảo trở lại đúng quy định.
"Những cán bộ dôi dư do sáp nhập sẽ được quan tâm, hỗ trợ, giải quyết chế độ chính sách thỏa đáng", ông Tân khẳng định.
Tuổi thọ Đề án có được 30-50 năm?
Đối chiếu với quy định về diện tích và dân số, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM lo ngại khi có 11 trong tổng số 24 quận, huyện và 226/332 phường (xã) của thành phố sẽ bị sắp xếp lại.
Vì vậy, ông Lắm đặt vấn đề mục tiêu sáp nhập huyện, xã không thể chỉ vì tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế mà phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội thời gian tới.
“Không chỉ TP HCM mà hầu hết các đô thị lớn và thành phố trực thuộc Trung ương đều có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn. Một quận tại thành phố có gần 800.000 dân, có phường hơn 110.000 dân. Sáp nhập các đơn vị này liệu có giúp phát triển tốt hơn không?”, ông Lắm nêu vấn đề.
Cũng cho rằng các đơn vị hành chính cần được ổn định để phát triển lâu dài, ông Lê Hữu Khang - Giám đốc Sở Nội vụ Điện Biên nói Việt Nam đã qua nhiều lần chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính, do vậy cần có sự tổng kết, đánh giá quá trình này ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển.
“Đây là chính sách vĩ mô tầm quốc gia nên không thể vội vàng. Phải tính toán xem đề án này có tuổi thọ được 30-50 năm hay không?”, ông Khang nói.
Giải đáp một phần lo lắng của các đại biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lấy dẫn chứng cụ thể quận Hoàn Kiếm ở Hà Nội. “So với quy định, diện tích quận này không bằng tiêu chuẩn một phường. Nhưng Hoàn Kiếm có truyền thống lịch sử thì không thể sáp nhập với quận khác thành đơn vị mới”, ông Lưu nói.
Cũng theo Phó chủ tịch Quốc hội, địa phương nào nhân dân đồng thuận thì mới sáp nhập chứ không thể "áp đặt ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước".
Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định quan điểm chỉ đạo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã là để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế nhưng phải đảm bảo kế thừa, ổn định, tạo thuận lợi quản lý nhà nước.
Huyện, xã không đạt tiêu chuẩn nhưng có yếu tố đặc thù, nếu sáp nhập vào đơn vị khác sẽ bị xáo trộn. Do đó, Bộ Nội vụ cần xem xét bổ sung thêm tiêu chí cho phù hợp, việc sáp nhập huyện, xã phải tùy điều kiện cụ thể từng địa phương, không thể cơ học, máy móc.
Lãnh đạo Chính phủ cũng thống nhất với đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về sắp xếp huyện, xã và có chế độ, chính sách trân trọng đóng góp của cán bộ, công chức trong diện sắp xếp chứ không "vắt chanh bỏ vỏ".
Theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận là từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người.
Còn quy mô dân số của xã là 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.
Đối chiếu theo quy định trên, hiện có hơn 200 huyện và trên 6.000 xã có một trong hai tiêu chí diện tích hoặc dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khoảng 18 quận, huyện và 637 xã, phường, thị trấn có cả hai yếu tố diện tích và dân số chưa đạt 50% so với tiêu chuẩn. Các huyện, xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn sẽ được sắp xếp trước.