Việt Nam có cần thạc sĩ, tiến sĩ chống tham nhũng?

Ngày đăng: 07:56 10/08/2018 Lượt xem: 501
 

            Việt Nam có cần thạc sĩ, tiến sĩ chống tham nhũng?

 
                                                          Nguồn:Báo Điện tử Vietnanet


Có thật khu vực công muốn chống tham nhũng là được, chẳng cần đến nghiên cứu, chẳng cần đến thạc sĩ, tiến sĩ?


Vừa qua, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Đây là chương trình đào tạo cấp độ thạc sĩ về vấn đề này đầu tiên ở Việt Nam và sẽ bắt đầu từ năm 2018.

Có thể nói đây là một chương trình đào tạo đầy ý nghĩa, thể hiện một sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, cuộc chiến không thể thành công một sớm một chiều. Một cố gắng cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ xã hội trong điều kiện không phải không thiếu ý kiến băn khoăn về một chuyên ngành mới.

Thời gian gần đây, người dân ngày càng tin tưởng hơn vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, khi một loạt các vụ việc lớn nhỏ bị phanh phui, hàng loạt cán bộ cấp cao, tướng tá công an, quân đội bị xử lý nghiêm khắc. Hình ảnh “lò nóng” với củi khô, củi tươi lần lượt theo nhau “vào lò” thể hiện cuộc chiến đang thực sự quyết liệt, không có vùng cấm, bất cứ kẻ nào vi phạm cũng đều không thoát khỏi sự trừng phạt nghiêm khắc nhất.

Mặc dù kết quả đạt được là đáng mừng, nhưng thực ra đó cũng chỉ là việc xử lý phần ngọn, xử lý hệ quả của một nền quản trị yếu kém với một một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hư hỏng biến chất mà thôi. Không bao giờ được tự thỏa mãn với kết quả mới chỉ là bước đầu đó, và lại càng không bao giờ được quên đấu tranh chống tham nhũng, phải luôn cố gắng tạo dựng một nền quản trị tốt để những kẻ tham lam “không thể tham nhũng” và một xã hội tử tế với đội ngũ công chức thanh liêm “không muốn tham nhũng”. Đó mới là điều quan trọng, căn bản lâu dài.

Đây cũng chính là quan điểm cơ bản trong đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước. Việc đào tạo thạc sĩ Quản trị Nhà nước và Phòng, chống tham nhũng cũng không nằm ngoài mục tiêu bền vững đó. Không phải tự nhiên mà ý tưởng mở chuyên ngành này đã được sự ủng hộ nhiệt tình của các chuyên gia quốc tế và hỗ trợ của nhiều nước phát triển, được đánh giá là minh bạch, trong sạch nhất.

viet nam co can thac si tien si chong tham nhung

Phòng chống tham nhũng

Quản trị công hiệu quả, tham nhũng hết “chốn dung thân”

Tham nhũng xét cho cùng là nơi “gặp gỡ” của lòng tham và quyền lực. Vì thế, mọi cố gắng của chúng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng chủ yếu dựa trên hai trụ cột căn bản.

Thứ nhất là giáo dục phẩm chất và liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức trên một nền tảng đạo đức xã hội vững chắc, để họ xa rời những điều xấu xa tội lỗi, giúp họ có thể “tự kiểm soát” chính bản thân. Và thứ 2 là tạo lập một cơ chế kiểm soát có hiệu quả đối với việc thực hiện quyền lực của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức để bảo đảm rằng mọi quyền lực mà nhân dân giao phó phải được sử dụng vì lợi ích của người dân và xã hội, từ đó mà dường như có sự gắn bó hữu cơ giữa quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng.

Thực tiễn khẳng định rằng ở nơi nào quản trị công có hiệu quả thì ở nơi đó không có chỗ dung thân cho hành vi tham nhũng. Nơi nào năng lực quản trị yếu kém, cơ chế chính sách sơ hở thì tham nhũng dường như là điều tất yếu và khi đó hãy nên tự trách mình đã để “mỡ treo miệng mèo” trước khi phê phán những kẻ tội lỗi.

Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh trong bài phát biểu đã khẳng định “Nghiên cứu và đào tạo về PCTN về bản chất là nghiên cứu những mặt yếu, kém của nền quản trị công”. Thực tiễn đã chứng minh nền quản trị công hiện nay của chúng ta, dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều yếu kém, các vụ việc vụ án liên quan đến tham nhũng trong các lĩnh vực khiến chúng ta không khỏi giật mình.

Hàng trăm tỷ thậm chí hàng nghìn tỷ ra đi đã là điều đáng đau xót, nhưng điều đáng lo ngại hơn là cái cách chúng ta mất tiền sao mà dễ dàng đến vậy. Vì sao cứ vào vị trí nào đó thì con người ta dễ dàng kiếm chác, rồi hư hỏng. Thậm chí có người vốn năng động, mạnh mẽ, là anh hùng của thời kỳ đổi mới nhanh chóng trở nên sa ngã, rơi vào vòng xoáy của tội lỗi, những “cây xanh” bỗng chốc trở thành củi rác phải cho vào lò? Chẳng phải nguyên nhân căn bản là nền quản trị của chúng ta, cơ chế kiểm soát quyền lực của chúng ta quá yếu kém đó sao?

Ai đó có ý kiến rằng khu vực công muốn chống tham nhũng là được chẳng cần đến nghiên cứu, chẳng cần đến thạc sĩ, tiến sĩ? Mong muốn chống tham nhũng là một chuyện, còn làm được hay không cần phải có biện pháp, giải pháp trên những cơ sở nhận thức đúng đắn, khoa học.

Và cũng nên nhớ rằng câu chuyện tham nhũng bây giờ không chỉ có trong bộ máy nhà nước, mà khu vực tư cũng không miễn nhiễm với loại “bệnh tật” này, đặc biệt là sự móc nối công tư, điển hình là chuyện “sân trước sân sau”. Không phải tự nhiên mà Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng yêu cầu các nước quan tâm đến đấu tranh chống tham nhũng trong khu vực tư. Các chuyên gia quốc tế hàng đầu về chống tham nhũng khuyến cáo rằng: chống tham nhũng phải đi bằng cả hai chân, nếu chỉ chống tham nhũng trong khu vực công thì không khác gì bạn đi lò cò và còn lâu mới thành công.

Và chẳng lẽ doanh nghiệp của khu vực tư lại không cần phải tạo dựng ra một cơ chế kiểm soát đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý (tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán và cả những người quản lý khác nữa) để không bị chính những người này chiếm đoạt tiền bạc của doanh nghiệp hay sao? Đừng nghĩ rằng “tư nhân” chỉ là một người và như thế chẳng ai tự chiếm đoạt tài sản của mình. Nên nhớ rằng các doanh nghiệp tư nhân hiện nay có thể của rất nhiều người và khi các DNNN đã được cổ phần hóa thì thậm chí khó có thể phân tách đâu là tài sản công, đâu là tài sản tư ngay trong một doanh nghiệp

Những băn khoăn về một chuyên ngành đào tạo thạc sĩ mới liên quan một “căn bệnh” nhức nhối hiện nay là điều dễ hiểu. Và nó lại càng cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức của mọi người về tham nhũng và PCTN, không chỉ với người dân mà ngay cả với đội ngũ cán bộ công chức, thậm chí của cả một số người được gọi là nhà khoa học/.

TS Đinh Văn Minh,

Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra

tin tức liên quan