Luật chưa sửa vẫn chưa thực hiện được
Phát biểu tại Hội thảo Giáo dục 2018: “Giáo dục đại học – Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế” sáng ngày 17/8, Phó Thủ tướng hoan nghênh các cơ quan tổ chức hội thảo, trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó có giáo dục đại học.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã ban hành khung hệ thống trình độ giáo dục quốc gia Việt Nam hoàn toàn tương thích với quốc tế nhưng khi luật chưa sửa thì có những điều vẫn chưa thể thực hiện được. Ví dụ, theo chuẩn quốc tế, nhiều trường đại học có thể chỉ đào tạo trong 3-3,5 năm nhưng luật của mình phải đào tạo 4 năm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tổng kết phiên làm việc buổi sáng của hội thảo.
“Chúng ta đều biết, kinh tế xã hội Việt Nam nói chung và giáo dục nói riêng, đặc biệt là giáo dục đại học không thể đứng ngoài thế giới. Chúng ta là một phần của thế giới. Bởi vậy, chúng ta phải hội nhập, có nhiều thứ phải làm nhưng tư tưởng định hướng đầu tiên là phải theo xu thế hội nhập chung của quốc tế.
Đương nhiên, các giải pháp phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam và có lộ trình nhưng không vì những thứ mình coi là đặc trưng riêng của mình mà đi ngược với xu thế của thế giới. Xu thế được đo bằng gì? Chính bằng chuẩn hóa. Chúng ta ban hành khung hệ thống, khung trình độ cũng là một thứ chuẩn. Chúng ta đang xây dựng chuẩn kiểm định với 61 tiêu chí hay chuẩn đầu ra, chuẩn trường... Cuối cùng phải dựa trên một chuẩn quốc tế.
Xu thế giáo dục của thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) báo cáo là 4 nội dung đúc kết nhưng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, tự chủ đại học và giải trình là quan trọng nhất”, ông nhấn mạnh.
Ba lí do khiến tự chủ đại học mới chỉ đạt một phần
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ khi thành lập hai trường đại học Quốc gia, Thủ tướng đã không chỉ nói đến mục đích thành lập một trường đại học lớn. Lúc đó, tất cả đại học của chúng ta không có quyền gì nhiều mà tập trung hết vào Bộ Giáo dục - Đào tạo (lúc đó là Bộ Đại học). Sau đó, Hội nghị TƯ lần thứ 7 cũng đã nói về tự chủ. Năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn 4 trường để thí điểm tự chủ (Ngoại thương, Kinh tế, Ngoại ngữ, Kinh tế TP.HCM) nhưng đều dừng tại chỗ. Mãi đến năm 2014, qua những cọ xát mạnh mẽ, chúng ta mới có được ra 4 trường rồi 6 trường và bây giờ là 23 trường. Tự chủ đó mới là một phần, chưa đúng hết với nghĩa quốc tế.
Ông nhấn mạnh, lí do từ 3 phía. Thứ nhất, từ cơ quan quản lý nhà nước (gồm Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ/ Ủy ban nhân dân các tỉnh là cơ quan chủ quản của các trường đại học). Về cơ bản, chúng ta nói lí thuyết nhưng vẫn không muốn buông quyền của mình. Sự cọ xát này giống y những năm 90 đất nước thực hiện đổi mới, lúc ấy chúng ta nói phải xóa cơ chế chủ quản với khoảng 10.000 doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng không có bộ ngành nào muốn làm vậy.
Lí do thứ hai từ chính các trường đại học. Cũng tương tự như nhiều ban giám đốc các doanh nghiệp đầu những năm 90, cũng vẫn muốn tiếp tục cơ chế bao cấp, bình bình như ngày xưa.
Lí do thứ ba, một phần từ người học trong xã hội - là hệ quả của hai lý do trên. Nhiều học sinh học phổ thông rất vất vả, cố thi vào đại học, vào đại học coi như xong vì vào đại học là "nhàn" hơn. Ba lí do đó cộng hưởng lại cho nên vô cùng khó khăn.
Hội thảo có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo, các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước, nhà khoa học, nhà giáo, doanh nhân...
Khi đặt ra tự chủ đại học, chúng ta phải cọ xát rất nhiều và phải giải đáp nhu cầu của xã hội. Trong đó có hai băn khoăn quan trọng nhất. Thứ nhất, cho tự chủ phải chăng các trường cứ thế tự do nâng học phí, làm mất cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao, chất lượng tốt của con nhà nghèo, đối tượng chính sách. Thứ hai, với tài sản đất đai và cả tri thức của trường đại học như thế thì nhà nước, các Bộ chủ quản, các UBND tỉnh buông lỏng thì liệu có bị thao túng, bị lãng phí, bị mất.
Tuy nhiên hai băn khoăn này, không phải không có hướng giải quyết vì thế giới người ta đã giải quyết rồi.
Câu chuyện thứ nhất liên quan đến khái niệm tự chủ đại học, đặc biệt là tự chủ tại chính. Nhà trường có quyền thu nhiều hơn từ những nguồn lực xã hội có khả năng và mong muốn đóng góp nhiều hơn; đồng thời lập quỹ học bổng giúp đối tượng học sinh giỏi con nhà nghèo. Thứ hai, về phần chi ngân sách nhà nước cho đại học, tự chủ đại học không có nghĩa là nhà nước không cấp ngân sách nữa mà chính là dùng ngân sách nhà nước để tập trung đào tạo ngành nghề nào theo mô hình đặt hàng. Ví dụ, ngành Pháp y không ai muốn học, ngành Văn học nghệ thuật truyền thống hay phê bình lí luận văn học, Nhà nước phải đặt hàng cấp tiền cho các trường đào tạo.
Còn cơ chế quản lý tài sản, chúng ta đã có hội đồng trường gắn với trách nhiệm công khai, minh bạch khi giải trình. Lúc ấy cọ xát rất dữ dội, bây giờ kết quả đưa đến chuyển biến có tính chất lịch sử. Hầu như các trường đều mong muốn Luật Đại học ban hành thật sớm để chính thức hóa tự chủ đại học.
Tự chủ học thuật là bản chất
Phó Thủ tướng Vũ Đức cho hay, tự chủ đại học vì dịch ra ngôn ngữ nên dẫn đến hiểu sai. Về bản chất, xuất phát ban đầu từ một trong những sứ mệnh quan trọng của trường đại học là sáng tạo tri thức mới - đó không phải cấp phổ thông kéo dài. Vì thế, nó phải có quyền tự do về học thuật - nói như phương Tây.
Tự chủ về chuyên môn khơi dậy sức sáng tạo của từng thành viên trong nhà trường. Đó mới là tự chủ căn bản nhất. Để có và đảm bảo quyền tự chủ ấy thì trường phải được tự quản về hoạt động tổ chức và tự chủ tài chính (gắn với trách nhiệm giải trình). Trường đại học tự chủ về nguồn thu - nguồn chi. Nguồn thu học phí chỉ là một phần, ngoài ra còn thu từ hoạt động khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh kết hợp với doanh nghiệp, thu từ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, cộng đồng.
Phó Thủ tướng so sánh, giáo dục đại học như đoàn tàu đã qua nhiều nỗ lực gian khó đồng lòng để vào ray, nổ máy…
Đầu tư cho đại học của Việt Nam rất lớn nhưng so với quốc tế rất ít. Hiện nay các trường đại học có tiền rồi nhưng không được chi ra, muốn làm cái gì đều phải xin phép. Ngay cả các trường đang tự chủ hiện nay vẫn chưa được tự chủ hoàn toàn.
Chúng ta phải hiểu đúng nghĩa tự chủ, không phải giao tất cả cho trường mà phải gắn với giải trình. Đây là xu thế tất yếu. Cái này chúng ta phải luật hóa nó trong Luật Giáo dục đại học tới đây cũng như các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Tới đây, Luật đầu tư công chỉ quản lý phần ngân sách nhà nước, các đơn vị sự nghiệp được tự chủ. Hay câu chuyện viên chức, công chức, Luật Giáo dục đại học tới đây không thể một lúc đáp ứng những yêu cầu đổi mới ấy nhưng sẽ tạo nên bước nền vững chắc.
“Tôi tin rằng, giáo dục đai học của chúng ta trước đây như một đoàn tàu – qua một số năm rất gian khổ chúng ta đã hò nhau xúm vào đẩy được máy đã nổ rồi, bây giờ đến cái quan trọng là thông qua luật”, Phó Thủ tướng ví.
Phó Thủ tướng hi vọng, hội thảo với sự tham gia đông đủ của các nhà lãnh đạo, chuyên gia trong nước và quốc tế, các thầy cô giáo và doanh nghiệp sẽ có tiếng nói để Luật Giáo dục hiện nay được sửa một cách căn bản nhất có thể. Từ đó, thúc đẩy hệ thống giáo dục Việt Nam phát triển.
“Như tôi thường nói là giáo dục đại học phải đuổi theo hệ thống cấp dưới – giáo dục phổ thông. Bởi giáo dục phổ thông, chúng ta vẫn còn nhiều cái không hài lòng nhưng quốc tế vẫn xếp giáo dục phổ thông của Việt Nam ngang với những quốc gia tiên tiến. Còn giáo dục đại học, mặc dù chưa có đánh giá chính thức nhưng hai đánh giá quốc tế 50 nước hàng đầu thì không có Việt Nam. Ngoài ra, theo một số đánh giá có tính chất tổng hợp và suy luận, Việt Nam đứng khoảng 80 trên thế giới. Trong khi đó, giáo dục phổ thông thì nói khiêm tốn Việt Nam xếp khoảng 50 của thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lệ Thu (ghi)
PS st Theo Dân trí