Mong chuyên gia trở về, làm kiến trúc sư trưởng xây dựng đất nước
Nguồn:Báo Điện tử
Phát triển nền kinh tế số, tăng tốc bằng trí tuệ nhân tạo là chiến lược lớn, nhưng Việt Nam đang thiếu một kiến trúc sư trưởng giải bài toán tổng thể. Liệu các chuyên gia Việt Nam đang ở nước ngoài, làm cho Google... có thể trở về?
Những trăn trở về việc tạo ra một Việt Nam hùng cường
Tại buổi Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và đầu từ phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức sáng qua, 21/8, các nhà khoa học, tri thức trẻ Việt Nam tiếp tục thảo luận sâu, gỡ khó các nút thắt cho CMCN 4.0. Đây là 1 trong 4 hội thảo đã diễn ra đồng loạt trong chuỗi sự kiện Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học & công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, theo báo cáo mới nhất của Data 61 Csiro (Úc), có 4 kịch bản về phát triển kinh tế số và CMCN 4.0 ở Việt Nam.
Tạm bỏ qua kịch bản về việc dậm chân tại chỗ, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, nếu chúng ta tập trung vào outsourcing, tức là phát triển ứng dụng cho nước ngoài, Việt Nam sẽ trở thành nước chuyên cung cấp giải pháp.
Ở một kịch bản khác, nếu không tự lực mà tìm cách nhập khẩu các công nghệ mới, chúng ta sẽ trở thành người tiêu dùng 4.0 (Customer 4.0). Chính vì vậy, kịch bản đẹp nhất cho Việt Nam là thúc đẩy việc phát triển một nền kinh tế số.
|
Ông Phan Thanh Sơn - CTO FPT IS. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo ông Phan Thanh Sơn, người có hơn 10 năm nắm giữ vị trí Giám đốc Công nghệ tại Cisco Việt Nam, chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội.
Ông kể về cuốn sách Làn sóng thứ 3 của Alvin Toffler với những dự báo về cuộc CMCN lần thứ 3. Cuốn sách này ra đời năm 1980. Đến năm 1982, lãnh tụ Trung Quốc thời đó là Đặng Tiểu Bình đã mời Toffler, tác giả cuốn sách đến Học viện Chính trị Bắc Kinh để nói trước 1.000 người tinh tuý nhất Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc bắt nhịp được với làn sóng của cuộc CMCN lần thứ 3 và trở thành một cường quốc về công nghệ.
“Làn sóng thứ 3” từng xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1992. Tuy nhiên ở thời điểm đó, chúng ta không nhìn nhận nó như là một câu chuyện có thật. Chính vì vậy, vị chuyên gia với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc tại các công ty quốc tế cho rằng, Chính phủ nên sớm có chiến lược để xác định xem cần làm gì nhằm thích ứng với cuộc CMCN lần thứ 4.
|
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Việt Nam cần tìm ra một hướng đi đúng đắn để có thể theo đuổi cuộc CMCN 4.0. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì chiến lược 4.0. Nhìn trên tổng thể câu chuyện đất nước, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, còn nhiều điều mà Việt Nam muốn làm giống Mỹ, Trung Quốc hay Canada. Tuy nhiên, chúng ta phải quay lại một thực tiễn rằng Việt Nam là quốc gia có thu nhập thuộc loại trung bình thấp, với mức GDP đầu người chỉ khoảng 2.000 USD.
Vị lãnh đạo Bộ KH&CN cho rằng, chúng ta giống như một gia đình nghèo ở nông thôn, muốn phát triển, phải tập trung đầu tư cho con cái theo một hướng duy nhất để thoát nghèo. Do vậy, Việt Nam đang cần sự hiến kế của các nhà khoa học để có thể tìm được một hướng đi cho đúng, đặc biệt là với sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, trái tim của cuộc CMCN lần thứ 4.
Sẵn sàng đón các chuyên gia trở về xây dựng đất nước
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, thành viên trung tâm nghiên cứu của tập đoàn Hitachi, để có thể tăng tốc, chúng ta phải tìm ra được thế mạnh của Việt Nam để tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào đúng mũi nhọn đó.
Minh họa cho điều này, vị chuyên gia của Hitachi đem tới một ví dụ đến từ Nhật Bản. Theo ông Phong, người Nhật Bản rất mạnh về sản xuất. Do không cạnh tranh được với Google về AI, Nhật Bản đã quyết định lựa chọn theo đuổi thế mạnh sản xuất của họ.
Các công nhân trong nhà máy tại Nhật đeo trên người những cảm biến. Thông qua kính VR và hệ thống cảm biến, công nhân được chỉ dẫn giống như lái xe với Google. Nhờ vậy, người chỉ mới vào nghề cũng có thể làm việc nhanh chóng nhờ sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo.
|
Ông Nguyễn Xuân Phong, thành viên trung tâm nghiên cứu của tập đoàn Hitachi. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo ông Albert Antonie, chuyên gia với kinh nghiệm 16 năm trong lĩnh vực data và IoT, để phát triển trí tuệ nhân tạo, việc đầu tiên là phải có dữ liệu (data).
Trong quá trình làm việc ở Việt Nam và tại nhiều nước khác, các nhà quản lý thường xuyên than phiền rằng họ chưa sẵn sàng ứng dụng AI với lý do không có dữ liệu. Vấn đề của những người này không phải là không có dữ liệu mà không dám bắt tay vào làm, ông cho biết.
Theo Albert, nếu không có data, chúng ta có thể tự tạo ra dữ liệu bằng việc đi mua của người khác. Chúng ta cũng có thể bắt chước loài nhện khi tìm cách giăng mạng lưới để lấy data.
Cụ thể hơn, Việt Nam có thể cung cấp miễn phí dịch vụ WiFi để đổi lại là data của người truy cập. Chúng ta cũng có thể xin xử lý dữ liệu hộ người khác để tạo ra được những modul của riêng mình.
Vị chuyên gia này cho rằng, kể cả không có kho dữ liệu, chúng ta vẫn phải mạnh dạn triển khai AI. Lúc đầu kết quả sẽ chưa được khả quan vì thiếu kho dữ liệu, tuy nhiên điều đó sẽ được cải thiện hàng ngày, quan trọng là chúng ta phải bắt tay vào làm ngay lập tức.
Trước những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, chúng ta đã xác định được những vấn đề cần phải trả lời. Tuy nhiên, Việt Nam thiếu một kiến trúc sư trưởng để đưa ra được bài toán tổng thể và kêu gọi mọi người cùng tham gia giải quyết.
"Khi Việt Nam xác định được bài toán của mình, sẽ có những nhà khoa học ở trong và ngoài nước như anh Lê Tiến Quốc, anh Bùi Hải Hưng, khi có điều kiện tốt rồi, cảm thấy có thể cống hiến được rồi, sẵn sàng từ bỏ Google để về xây dựng đất nước", thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 (AI4VN 2018) là một trong chuỗi hội thảo diễn ra đồng loạt ngày hôm qua (21/8). Đây là một phần trong chuỗi sự kiện Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018. Chương trình được tổ chức nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản đã và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển.