Giao ngàn tỷ cho giáo sư: Ô tô Lada đến xe Vinfast, ngã rẽ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Giao ngàn tỷ cho giáo sư: Ô tô Lada đến xe Vinfast, ngã rẽ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Nguồn:Báo Điện tử Vietnamnet
Tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng liên tục hút được nhiều tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế để mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động một cách đáng kinh ngạc, nắm bắt kịp những xu hướng kinh tế nóng nhất trên thế giới.
Tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng liên tục hút được nhiều tỷ USD trên thị trường vốn quốc tế để mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động một cách đáng kinh ngạc, nắm bắt kịp những xu hướng kinh tế nóng nhất trên thế giới.
Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng vừa thông qua Credit Suisse (Singapore) phát hành riêng lẻ thành công 84 triệu cổ phần ưu đãi giá 110.976 đồng/cp cho Công ty Quản lý Quỹ Hanwha - công ty liên kết của Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc để thu về hơn 9.300 tỷ đồng (400 triệu USD).
Mặc dù là ưu đãi nhưng giá bán cổ phiếu VIC cho Hanwha thực tế cao hơn thị giá cổ phiếu VIC trên sàn, hiện ở mức khoảng 103.000 đồng/cp.
Công ty Quản lý Quỹ Hanwha (do Hanwha Life nắm giữ 100% vốn) là 1 trong 3 công ty quản lý tài sản lớn nhất tại Hàn Quốc và hiện đang quản lý khối tài sản khoảng 80 tỷ USD.
Hồi giữa tháng 5/2018, Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM), thuộc Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng đã hút được được gần 31 ngàn tỷ đồng (khoảng 1,35 tỷ USD) ngay sau khi chào sàn, một kỷ lục tỷ USD đầu tiên trong 2 thập kỷ phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK).
Trước đó, hồi đầu tháng 11/2017 cũng chính một công ty thuộc Vingroup đã làm nên một cơn địa chấn trên TTCK Việt Nam. CTCP Vincom Retail (VRE) khi đó giao dịch thỏa thuận 415 triệu cổ phiếu, trị giá gần 17 ngàn tỷ đồng (khoảng 600 triệu USD).
Như vậy, trong chưa đầy 1 năm, Tập đoàn Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đã hút khoảng 2,3 tỷ USD, chưa tính những thương vụ trước đó như 300 triệu USD của Warburg Pincus và Credit Suisse,... và những khoản vay quốc tế hàng trăm triệu USD.
Hàng tỷ USD được huy động dồn dập trong thời gian gần đây với mục đích đa dạng hóa và ổn định nguồn vốn, giảm rủi ro do biến động lãi suất trong thời gian dài và đầu tư cho những chiến lược dài hơn.
Chiến lược của Vingroup gần đây thay đổi rất nhanh.
Trước đây, Vingroup được biết đến là một nhà phát triển bất động sản (BĐS) nhà ở và BĐS nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam thì giờ đây Vingroup được biết đến là nhà sản xuất ô tô có tham vọng lớn nhất, nhà bán lẻ có mạng lưới khủng, thương mại điện tử và sắp tới mũi nhọn là công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam và thế giới.
Theo định hướng mới nhất, Vingroup sẽ tập trung vào công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Dịch vụ sẽ không còn là ngành mang tỷ trọng lớn cho Vingroup. Từ điểm đầu hành trình khởi nghiệp trên chiếc ô tô Lada đến miền đất Kharkov - Ukraina, ông Vượng đang chờ đón ngày ra mắt chiếc xe Vinfast đầu tiên. Nhưng có lẽ đó chỉ là điểm khởi đầu cho một chương mới của tỷ phú số 1 Việt Nam
Sau những cú hút vốn tỷ USD, Vingroup giao khối tài sản khổng lồ cho một loạt nhân tài người Việt từ khắp nơi trên thế giới về cho mục tiêu phát triển tập đoàn đa ngành khổng lồ với mũi nhọn là công nghệ.
GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, Viện trưởng Vin Hi-Tech từng được Tổng thống Nga Vladimia Putin trao tặng Giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ của Nga và được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012 là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vingroup.
GS. Vũ Hà Văn, ĐH Yale (Mỹ) được mời làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (Big Data) và tham gia điều hành Quỹ phát triển khoa học trực thuộc viện với khoản đầu tư 1.000 tỷ đồng trong 3 năm.
Ông Võ Quang Huệ, người từng 10 năm lãnh đạo Bosch Việt Nam, được Vingroup chọn mặt gửi vàng cho dự án ô tô VinFast. Trong khi đó, "Chỉ huy trưởng" VinFast là ông James B.Deluca có 37 năm chinh chiến tại GM, điều hành 172 nhà máy rải khắp 4 châu lục.
Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng cũng vừa gặp gỡ với 100 chuyên gia từ nước ngoài về, bàn về hợp tác làm việc, khởi đầu hành động tốt nhất cho những sản phẩm Made in Vietnam, Made by Vietnamese sắp tới.
Vingroup cũng cho biết sẽ ký kết với 50 trường đại học của Việt Nam để xây dựng nguồn nhân lực và mở trung tâm công nghệ cao, đồng thời lập quỹ tài trợ cho các dự án ứng dụng công nghệ cao.
Trên TTCK, cổ phiếu VIC cũng như nhiều cổ phiếu trụ cột khác có xu hướng tăng khá mạnh và có thể kéo VN-Index trở lại ngưỡng 1.000 điểm.
Các cổ phiếu như Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long, Vincom Retail (VRE), FPT của ông Trương Gia Bình,... đều tăng mạnh. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng tăng khá ấn tượng.
Dòng tiền có dấu hiệu tăng lên, trong khi khối ngoại hoạt động khá sôi động và đã trở lại mua ròng.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) tiếp tục dự báo khá tích cực.
VPBS cho rằng tâm lý tích cực trong phiên trước dòng tiền cải thiện và mặt bằng thông tin ổn định. Với sự tích cực của dòng tiền ngoại và lực mua ổn định của dòng tiền nội, khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm trong phiên tới.
BVSC cho rằng xu hướng thị trường vẫn khá ổn định, tuy nhiên thi trường cần thêm những phiên tích lũy trước khi hướng về mốc 1.000 điểm.
BSC cũng nhận định thị trường trong trạng thái tích lũy ngắn hạn trong khi chờ đợi các thông tin hỗ trợ mới để bức phá về mốc 1000 điểm trong phiên sau, nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi các diễn biến về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong tuần này để mở vị thế khi có thông tin tích cực.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/8, VN-index tăng 2,94 điểm lên 982,15 điểm; HNX-Index giảm 0,04 điểm xuống 109,99 điểm. Upcom-Index tăng 0,16 điểm lên 51,55 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 250 triệu đơn vị, trị giá 5,2 ngàn tỷ đồng.