Chứng kiến cháu đi học, tôi ngạc nhiên không ngừng
Nguồn:Báo Điện tử
Càng tìm hiểu cái sự học hành ở Đức tôi càng thấy nhiều điều ngạc nhiên đáng nể.
Lễ khai giảng “bình thường”
Tôi may mắn được dự 2 lần khai giảng của 2 cháu nội sinh đôi của tôi ở Đức. Lần đầu vào năm 2014 khi các cháu vào lớp 1 tiểu học và lần hai này là khi các cháu vào lớp 5, lớp mở đầu của trường trung học. Cả hai lần đều là trường công lập và đều để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.
Mỗi học sinh lớp 1 đều có rất nhiều người “ăn theo” từ bố mẹ, ông bà đến cô chú… Đông người nhưng trật tự. Quang cảnh nhà trường bình thường như mọi ngày. Không cờ, không hoa, cũng không có khẩu hiệu, băng rôn. Cái làm nên sự khác biệt ngày khai giảng nhập học lớp 1 chính là bản thân các cháu sắp đi học. Quần áo đẹp, trên tay có túi quà rất đặc trưng theo truyền thống Đức vào lớp 1 được từng gia đình chuẩn bị từ trước cùng đám đông gia đình đi theo.
Và lần này khi các cháu tôi vào lớp 5, tức lớp đầu của trung học, thì cũng vậy. Nhập học đơn giản, cũng không trang trí phông màn, cờ hoa gì. Thậm chí không có cả phát biểu khai giảng long trọng của lãnh đạo nhà trường. Cái để lại trong lòng học sinh nhập học và phụ huynh chính là màn biểu diễn nghệ thuật khá đặc sắc và công phu của các cháu lớp 5 khóa trước chào đón các cháu lớp 5 khóa mới.
Thông điệp đơn giản mà sâu sắc: Cứ học đi sẽ như bọn anh chị và sang năm nhớ đón các em lớp 5 mới cho tốt nhé! Thày cô giáo ăn mặc bình thường như mọi ngày, quần bò, áo phông. Tiếp đó là chia lớp và các cháu theo thày cô phụ trách về lớp. Lễ nhập học kết thúc.
|
Hình ảnh trong một lớp học tại Đức. |
Học trò đa sắc tộc
Bây giờ đến các nước như Đức, Pháp, Italia… dễ dàng nhận ra đó là những quốc gia đa sắc tộc. Cách đây mươi năm tôi được chuyên gia Đức cho biết nếu với mức sinh con của người Đức như hiện tại thì đến năm 2060 nước Đức sẽ giảm từ trên 80 triệu xuống chỉ còn cỡ 60 triệu dân, nên cần có nhiều biện pháp để ứng phó câu chuyện này, mà một trong số đó là đẩy mạnh nhập cư có chọn lọc nhằm gia tăng dân số và lực lượng lao động có chất lượng cao.
Không biết bây giờ dự báo đó còn chính xác không, nhưng nhìn vào các cháu dự lễ nhập học đầu năm thì thấy đúng là học trò đa sắc tộc. Lớp 1 hai cháu tôi vào cách đây 4 năm có lẽ tỷ lệ học sinh gốc Đức khoảng 50%. Lớp 5 năm nay tỷ lệ này may ra được 30%. Đủ các sắc màu ngoài Đức như Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Nga, Việt Nam, Trung Quốc…
Trường sở: từ đơn giản đến ấn tượng
Trường tiểu học các cháu tôi theo học khá đơn giản, chỉ là một khối nhà 3 tầng, kể cả hành chính, sân trường và phòng thể thao. Nhìn bề ngoài thì cũ kỹ, nhưng vào trong thì phòng ốc ngon lành, trang thiết bị phục vụ học hành khá tốt.
Đến trường trung học thì quả là khác biệt. Trường này có tên riêng là Trường Trung học cổ Bremen, có lịch sử lâu đời, được thành lập năm 1528. Cơ sở vật chất của trường thật đáng nể, thậm chí lớn hơn, to hơn một trường đại học tư ở ta về diện tích và các tòa nhà sử dụng.
Tương ứng với quy mô trường sở là quy mô lớp học. Lớp 1 mỗi lớp khoảng 20 – 23 học sinh. Lớp 5 các cháu tôi khoảng 28 – 30 học sinh.
Không thu học phí…
Các cháu tôi đi học không mất tiền vì Đức thực thi chính sách không học phí tại trường công lập từ mẫu giáo đến đại học từ nhiều năm nay. Một chính sách thể hiện rõ sự chăm lo, quan tâm của nhà nước đến sự học hành của con người. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 9% học sinh tiểu học và trung học tại Đức học tại trường tư. Đương nhiên học trường tư thì phải đóng học phí khác hẳn trường công là miễn phí.
Thỉnh thoảng ở Đức lại rộ lên câu chuyện phải thu học phí tại các trường đại học công lập, tuy nhiên Nghị viện Đức không thông qua, mà cuối cùng chỉ ra một nghị quyết theo hướng tùy các Bang trong Liên Bang có thể ra chính sách thu học phí khiêm tốn tại đại học bang mình. Trên thực tế hiện có một khoản sinh viên phải nộp được gọi là “đóng góp học kỳ” tương đương khoảng 3 - 10 triệu đồng tại các trường đại học công lập một số Bang của Đức.
Và sách giáo khoa miễn phí
Càng tìm hiểu cái sự học hành ở Đức tôi càng thấy nhiều điều ngạc nhiên đáng nể. Một trong những cái ngạc nhiên đó là sách giáo khoa. Hôm rồi xem bài vở học tiếng Anh của hai cháu nội, rồi đối chiếu với sách dạy tiếng Anh mới phát hiện ra mình thường tư duy theo kiểu nước ta thế này, nước ta thế kia, nên luôn nghĩ đã là sách giáo khoa thì đầu năm học bố mẹ học sinh phải tự mua cho con mình.
Hóa ra không phải. Các cháu đều được nhà trường cho mượn sách, không mất tiền nong gì cả. Cuốn sách tiếng Anh của một trong hai cháu tôi được cho mượn lần đầu vào năm 2010. Trang đầu tiên có in một bảng biểu đơn giản, theo đó là tên học sinh mượn, lớp năm mấy, ngày tháng mượn, ngày tháng trả lại. Đến cháu tôi là năm thứ 8 cuốn sách được tiếp tục sử dụng. Thật đáng nể.
Nể ở chỗ bố mẹ các cháu học sinh hàng năm không phải bỏ một khoản tiền lớn mua SGK cho con mình. Nể tiếp theo là tính bền vững về chất lượng sách giáo khoa, cụ thể trong ví dụ này là 8 năm không thay đổi sách. Nể cuối cùng là qua đó giáo dục cho học sinh ý thức bảo quản, sử dụng sách để sang năm lại có người khác sử dụng. Trang đầu mỗi cuốn SGK cho học sinh mượn đều có in mấy dòng chữ nói rõ sách là tài sản của trường, học sinh mượn sách có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản và chịu trách nhiệm bồi thường khi làm mất, làm hư hỏng.
Khi thấy tôi khen câu chuyện mượn sách miễn phí thì con dâu tôi kể luôn là con trai của bạn mình vừa rồi quên đến trường làm thủ tục mượn sách giáo khoa đầu năm học, nên sau đó gia đình phải tự bỏ tiền ra mua sách cho con mình quy đổi ra là quãng hơn chục triệu đồng. Đã không thu học phí, giờ sách giáo khoa lại mượn miễn phí nữa thì quả là tốt cho các gia đình có con đi học.