Cảm hứng từ một bản "Tuyên ngôn độc lập"

Ngày đăng: 07:36 02/09/2018 Lượt xem: 377


              Cảm hứng từ một bản "Tuyên ngôn độc lập"


                                               Nguồn:Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân


Ngày 4-7-1776, bản "Tuyên ngôn độc lập" của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ ghi rõ: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng, mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc".

 

Lý lẽ không thể chối cãi được ấy trở thành động lực vĩ đại trong công cuộc đấu tranh chống áp bức tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam với cuộc Cách mạng Tháng Tám mùa thu năm 1945.

Nền độc lập của quốc gia Bắc Mỹ là nguồn cảm hứng cho phong trào đấu tranh tại nhiều thuộc địa khu vực châu Mỹ-Latinh vào thế kỷ 19, chẳng hạn như tại Bolivia năm 1809. Nhưng tiêu biểu nhất là cuộc kháng chiến chống thực dân Tây Ban Nha, do “vị thánh tông đồ” của cách mạng Cuba, José Martí lãnh đạo vào năm 1895.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu.

Những lý tưởng về quyền cơ bản của con người, trước đó chỉ là khái niệm được đưa ra bởi các nhà lý luận chính trị, nay đã là phần không thể tách rời của một thể chế. Chứng kiến thành công ấy, vào năm 1789, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, người dân Pháp, khi đó oằn mình dưới ách cai trị của vua Louis XVI, vùng lên nắm lấy vận mệnh của mình. Những người lính Pháp sát cánh bên người Mỹ trong cuộc chiến chống lại đế chế Anh trở về quê hương. Đi cùng với họ là sự thức tỉnh về quyền bình đẳng tối thiểu của con người. Khát khao giành lại những quyền cơ bản của con người là lời hiệu triệu bất hủ, là ước vọng cháy bỏng của mọi dân tộc bị áp bức.

Cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại năm 1917 đã hình thành nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Nhưng cho đến giữa thế kỷ 20, chủ nghĩa thực dân vẫn duy trì ách áp bức trên phần lớn địa cầu.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt với thất bại của phát xít Đức tháng 5-1945, tiếp đó là sự đầu hàng của đội quân phát xít Nhật Bản ngày 15-8-1945, ngọn lửa của phong trào giải phóng dân tộc bùng lên trên khắp thế giới. Nắm chắc thời cơ, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản đã khởi nghĩa, lật đổ ách cai trị của chủ nghĩa thực dân.

Đến ngày 2-9-1945, 169 năm kể từ ngày ra đời bản "Tuyên ngôn độc lập" của nước Mỹ, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa chân lý về quyền cơ bản của con người lên một tầm cao mới, khẳng định những quyền bình đẳng cơ bản cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới. Người nói: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Nhờ chứng kiến tiến trình phát triển của lịch sử, Người hiểu rõ rằng cuộc chiến giành độc lập tại nước Mỹ là cuộc đấu tranh của một bộ phận giai cấp cầm quyền người Mỹ tại 13 bang thuộc địa, nhằm đòi quyền tự quyết về mặt chính trị khỏi chính quốc Anh nhưng vẫn duy trì văn hóa và hệ thống quản lý bất bình đẳng như xưa.

Do đó, bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa xứng đáng trở thành cơ sở lý luận cho phong trào đấu tranh đòi độc lập trên thế giới, sự thực đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều cuộc cách mạng giải phóng dân tộc sau năm 1945.

Không lâu sau khi nước Việt Nam tuyên bố độc lập với toàn thế giới, thực dân Pháp núp bóng quân Đồng minh quay trở lại với tham vọng tiếp tục ách thống trị kéo dài nhiều thập niên trước đó. Phải sau 9 năm chiến đấu trường kỳ gian khổ, kết thúc bằng thắng lợi vĩ đại khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tư lệnh quân đồn trú Pháp tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp mới chịu bỏ cuộc trước sức mạnh của một dân tộc khao khát tự do.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, nhiều người từng phục vụ trong quân đội lê dương Pháp và quân đội Thiên hoàng Nhật Bản đã cùng sát cánh với quân dân Việt Nam vì cảm phục tinh thần dân tộc và có chung lý tưởng giúp quê hương họ thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc.

Những “người Việt Nam mới” sau đó đã trở về quê nhà tại Algeria, Tunisia, Maroc… Họ tiếp tục góp sức trong quá trình đấu tranh giành độc lập tại đất nước mình, mang câu chuyện về Việt Nam, về Hồ Chí Minh, về Võ Nguyên Giáp, truyền cảm hứng từ bản Tuyên ngôn Độc lập tại một đất nước xa xôi cho công cuộc giải phóng dân tộc mình.

tin tức liên quan