NÓI THẲNG: 3 cán bộ + 11 ngày đi Mỹ = 1,73 tỉ

Ngày đăng: 07:16 07/09/2018 Lượt xem: 477


          NÓI THẲNG: 3 cán bộ + 11 ngày đi Mỹ = 1,73 tỉ

 
                                               Nguồn:Báo Điện tử Người Lao Động


Năm tỉnh, thành chuẩn bị cử đoàn cán bộ đi Mỹ làm nhiệm vụ quảng bá địa phương, trong đó có Thanh Hóa với 3 cán bộ, dự kiến chi hơn 1,73 tỉ đồng.



Nước Mỹ đắt đỏ thật nhưng hơn 1,73 tỉ đồng là khoản chi quá lớn cho 3 người đi, gồm bà phó chủ tịch tỉnh, bà giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh và ông giám đốc sở Ngoại vụ.

Ba cán bộ này dự kiến ăn ở, làm việc, tham quan tại hai nơi trên đất Mỹ là Los Angeles và Hawaii, trong 11 ngày.

Nhiều người rành tour Mỹ hoặc thường xuyên đi dự hội chợ, triển lãm bên Mỹ gửi comment cho chúng tôi, nói rằng chi phí nói trên quá tốn kém, nếu biết tiết kiệm thì chỉ tốn chừng 90 triệu đồng/người, nhiều lắm là 120 triệu đồng/người trong chừng ấy thời gian. Tức là, tổng chi phí cao nhất cho đoàn 3 người trong 11 ngày ở Mỹ cùng lắm là 360 triệu đồng. Đó là chưa nói đi ghép đoàn thì chi phí ít hơn.

Không hiểu sao đoàn Thanh Hóa dự chi quá hớp, dự kiến tới hơn 1,73 tỉ đồng, nguồn từ ngân sách tỉnh dành cho hoạt động đối ngoại? Đừng nghĩ người dân không biết gì nên các vị muốn vẽ sao thì vẽ!

Xuất ngoại với danh nghĩa làm việc công, hẳn nhiên từ tiền nhà nước, nhưng nên nhớ đó là tiền mồ hôi nước mắt của người dân và doanh nghiệp đóng góp qua thuế. Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần dặn dò: "Phải có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân!". Chẳng biết là chính quyền Thanh Hóa tiếp thu, lĩnh hội tinh thần chỉ đạo này như thế nào mà vung tay quá trán đến vậy!

Trước đó, hồi tháng 6 năm nay, tỉnh này cũng "gây bão" dư luận với kế hoạch lễ kỷ niệm 990 năm Danh xưng Thanh Hóa tiêu tốn khoảng 105 tỉ đồng. Kế hoạch này được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh lập, bị dư luận chỉ trích nhiều, sau đó UBND tỉnh đã phải xem xét lại, sở lên tiếng "xin rút kinh nghiệm".

Cần biết thêm rằng trong những ngày này, nhiều địa phương xứ Thanh - nhất là các huyện miền núi, mà nặng nhất là Mường Lát - còn đang oằn mình sau đợt thiên tai vừa qua, chưa gượng dậy nổi. Thanh Hóa cũng là địa phương nhiều năm liên tiếp bị bão lũ tàn phá, Trung ương phải hỗ trợ nhiều, kể cả việc cấp phát gạo cứu đói cho dân.

Hôm 5-9, nhiều báo - đài đưa tin hơn 700 học sinh vùng tâm lũ ở Thanh Hóa lỡ ngày khai giảng vì không thể đến trường do đường sá bị cô lập. VTV phát tin 10 tấn gạo được đưa lên Mường Lát bằng đường sông để tiếp tế cho dân vùng thiên tai...

Tỉnh nhà đang ngổn ngang bao chuyện cần giải quyết cho dân, nhất là tiền nong cần phải rất dè sẻn, còn bụng dạ nào mà có thể xuất ngoại bằng khoản chi phí xênh xang đến thế?!

Xúc tiến thương mại - du lịch là hoạt động quan trọng nhưng được tổ chức thế nào, phải tùy nguồn lực của địa phương, và tùy thời điểm. Không riêng Thanh Hóa, còn có 2 tỉnh nghèo miền núi phía Bắc cũng cử đoàn cán bộ đi Mỹ quảng bá địa phương cùng đợt này. Chi phí tính theo đầu người nếu không bằng Thanh Hóa thì có lẽ cũng thấp hơn một ít thôi, song vẫn quá hao so với điều kiện của địa phương.

Nhìn rộng ra, trong những ngày đầu năm học mới, có nhiều hoàn cảnh quá tương phản giữa các địa phương. Nơi có điều kiện thì khai giảng rình rang, nơi khốn khó thì rất tội nghiệp. Như ở bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà) thuộc tỉnh nghèo Điện Biên, VOV phát phóng sự nhiều em học sinh phải chui túi ni-lông vượt suối để đến trường, ròng rã trong 5 giờ mới tới nơi. Còn thầy trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS và Trường Tiểu học Nậm Ngà ở xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu thì làm lễ khai giảng tạm bợ bên bờ suối!

Thương lắm cảnh nghèo, đang còn nhiều. Tiền dân đâu phải "tiền chùa"! Cán bộ địa phương nếu biết thương dân, thương đất nước thì hãy làm theo thông điệp của lãnh đạo Chính phủ (nhắc lại): Phải có trách nhiệm với từng đồng thuế của dân!

Chỉ cần vậy thôi, có được không?

 
tin tức liên quan