" Có nên nghĩ rộng ra" - Cảm nhận và quan điểm về cuộc sống Xã hội mỗi ngày. Bài của Phạm Quốc Khánh - Nam Định

Ngày đăng: 08:38 10/09/2018 Lượt xem: 508
CẢM NHẬN VÀ QUAN ĐIỂM
VỀ CUỘC SỐNG - XÃ HỘI MỖI NGÀY

 
CÓ NÊN NGHĨ RỘNG RA


         Một quốc gia có nền văn hóa sâu sắc, đậm đà, lâu đời, có lịch sử anh dũng, kiên cường, bất khuất như Việt Nam thì tinh thần độc lập dân tộc luôn luôn được đặt ở vị trí tối thượng, đúng như lời dạy, lời kêu gọi, lời tổng kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO!”. Thậm chí, cho dù có lúc thăng trầm, có thời kỳ bị xâm lược và bị đô hộ của phong kiến phương Bắc cả nghìn năm hay 80 năm nô lệ dưới ách đế quốc phương Tây thì dân tộc ta vẫn luôn vùng lên đấu tranh không ngừng không nghỉ cho đến khi toàn thắng, đòi lại đầy đủ tự do, chủ quyền, độc lập mới chịu thôi.
         Vì thế, những kẻ thù rắp tâm âm mưu đánh bại để thôn tính Việt Nam buộc phải tìm những kế sách và thủ đoạn thâm độc mới. Đối với ngoại bang, điều chúng run sợ nhất, đó là Lịch sử Việt Nam, truyền thống đấu tranh vì chủ quyền độc lập của chúng ta. Chúng luôn mong mỏi phá hỏng, làm lệch lạc và phai nhạt lịch sử Việt Nam mà quan trọng nhất, hiệu quả nhất và không gì dễ dàng hơn là đánh vào thế hệ trẻ.
         Và không hiểu rằng vô tình hay hữu ý, thực tê xấu nhất ấy đã xảy ra nhiều năm qua, khi mà đa số học sinh phổ thông Việt Nam học rất kém môn học Lịch Sử, chưa nói đến là ghét môn lịch sử. Đó là một thực tế không thể xem nhẹ. Và càng nguy hiểm, mối nguy hiểm không thể không truy xét, khi những người có trách nhiệm nào đó đã định xóa môn lịch sử, hay tích hợp lịch sử với những môn học khác (thực chất là muốn từng bước bỏ hẳn môn lịch sử). Rõ ràng điều này dường như có một “bàn tay vô hình“ nào đang bẻ lái chúng ta(!?)
         Đảng ta đang chủ trương “chống diễn biến hòa bình, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Đó là một chủ trương lớn, Nhưng lớn quá hóa trừu tượng, nhiều khi ngay như tôi, một đảng viên lâu năm, lắm lúc cũng thấy nó xa xăm quá. Nhưng nếu bình tĩnh lại, cứ nhìn vào thực tế diễn biến của chất lượng giáo dục và một số thái độ, quan điểm đề xuất đối với môn lịch sử tôi lại giật mình. Chính sự phai nhạt, sa sút về giáo dục lịch sử phổ thông của chúng ta là sự tự diễn biến, tự chuyển hóa chứ chẳng ở đâu xa. Có chăng, nguy hiểm lại ở chỗ: nó không cần đánh thẳng vào Đảng mà đánh vào thế hệ trẻ, vào học sinh sinh viên, vào thanh thiếu niên nhưng sức tàn phá và nguy hiểm còn hơn cả đánh vào những đội ngũ khác, những tầng lớp và lực lượng khác.
         Tiếp nữa, đó là các công trình cải cách chữ viết. Cứ tạm thừa nhận rằng chữ viết của ta ít nhiều cũng còn có vài nhược điểm, nhưng nếu chỉ vì thế mà ta thay đổi chữ viết thì đương nhiên chữ viết hiện tại sẽ thành “đồ cổ” và thế hệ mai sau coi những trang lịch sử viết hôm nay là “đồ cổ”, vì viết bằng chữ viết cũ, phải có người dịch ra mới hiểu được. Và thế là tự nhiên người Việt Nam lại bị cách trở với chính lịch sử Việt Nam, sự am hiểu về tổ tiên, về truyền thống, về quá trình đấu tranh và phát triển của dân tộc ta lại xa cách với chính người Việt Nam ta (!).
         Tôi dám mạnh dạn nói rằng: tiếng Việt Nam và chữ viết Việt Nam hiện đang là một tinh hoa, nó rất đẹp đẽ và quý giá. Hiện đại và phổ cập như tiếng Anh đâu phải không có nhược điểm, chỉ đơn cử sự không biểu âm cũng là một thứ rất phiền hà và thiếu sự chính xác nghiêm ngặt giữa nói và viết, nhưng nó vẫn đang tồn tại và ngày càng phổ biến, họ chưa đặt thành vấn đề cải cách rắc rối gì cả. Đặc biệt so với khối dùng chữ tượng hình ở Đông Bắc Á thì chữ Việt Nam quá tuyệt vời, thế mà các nước này họ vẫn còn đang giữ, thậm chí họ rất khó thay đổi! Những khiếm khuyết của chữ Việt khi soi quá kỹ bằng “kính hiển vi” của các nhà nghiên cứu thì cũng có một số nhược điểm, nhưng nhỏ thôi, cái đó hoàn toàn chấp nhận được và không có cản trở gì đáng kể đối với sự phát triển ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội của chúng ta. Vì thế yên tâm gìn giữ nó, đỡ làm náo loạn xã hội, làm lu mờ lịch sử và gây tốn kém không cần thiết.
         Liệu có nên nhìn rộng, nhìn xa hơn không, khi soi xét dấu chân của môn lịch sử và sự cải cách chữ viết trong việc chống các âm mưu thù địch để CÔNG CUỘC “CHỐNG DIỄN BIẾN HÒA BÌNH, CHỐNG TỰ DIỄN BIẾN, TỰ CHUYỂN HÓA” CỦA ĐẢNG TA thực sự nhằm đúng đích, chặn đúng nguy cơ và đối phó có hiệu quả nhất!
 
Phạm Quốc Khánh - Nam Định

tin tức liên quan