Bài học từ... Tây du ký?
Bài học từ... Tây du ký?
Nguồn:Báo Điện tử Năng Lượng Mới
Tây Du Ký là một tác phẩm văn học cổ điển của Trung Quốc được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích.
1. Tây Du Ký là một tác phẩm văn học cổ điển của Trung Quốc được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích. Hình tượng Đường Tăng cùng các đồ đệ Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng vượt qua ngàn dặm hiểm nguy bởi núi cao, rừng thẳm và các loại yêu ma quỷ quái để đến gặp Phật tổ, xin bộ Kinh Đại Thừa về cứu độ chúng sinh. Có một chi tiết trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân mà có lẽ ít người để ý hoặc suy nghĩ sâu xa của chi tiết ấy, đó là sau khi xin được Bộ Kinh Đại Thừa cũng phải hối lộ một cái bát vàng cho... thủ kho. Trên đường về, qua Thông Thiên hà, Đường Tam Tạng quên không giúp cụ Rùa hỏi Phật Tổ lý do tại sao cụ Rùa tu luyện mãi mà vẫn không được thành chính quả, cụ Rùa nổi giận, lặn xuống sông nên bộ Kinh bị ướt, phải mang lên phơi và bị bay mất một số trang ở bộ Kinh cuối cùng.
|
Ảnh minh họa |
Một chi tiết tưởng như vô thưởng vô phạt ấy Ngô Thừa Ân viết ra để làm gì? Từ xưa đến nay, ai cũng biết rằng, các bộ Kinh Phật, cũng như Kinh Koran của đạo Hồi, Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo là những giáo lý, những quy tắc bất di bất dịch, không được phép và cũng không ai dám sửa chữa, thay đổi. Nhưng với chi tiết mà Ngô Thừa Ân đã viết trong Tây Du Ký về những quyển Kinh Đại Thừa bị mất mấy trang cuối thì phải chăng nhà văn đã gửi cho độc giả một thông điệp rằng: Trên đời này chẳng có gì là hoàn hảo, là không thể sửa chữa, thay đổi. Bộ Kinh Đại Thừa mất đi một số trang cuối thì người đời sau hãy nên căn cứ vào sự biến chuyển của xã hội mà viết thêm vào để cho bộ Kinh được hoàn chỉnh, phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Chuyện về bộ Kinh Đại Thừa trong Tây Du Ký là như vậy. Nếu đem chuyện bộ Kinh đó soi vào cuộc sống ngày hôm nay thì ta thấy sao mà Ngô Thừa Ân thâm thúy và nhìn xa đến thế.
2. Ai cũng biết rằng, tình hình kinh tế xã hội, chính trị của chúng ta đang phát triển rất nhanh theo hướng tích cực. Và có không ít quy định trong quản lý kinh tế, tài chính, quản lý Nhà nước, quản lý con người có từ thuở nảo thuở nào mà trong đó có nhiều điều khoản không còn phù hợp với thực tiễn ngày nay, nhưng không ai dám bỏ đi, hoặc xem xét một cách thấu đáo để sửa đổi cho phù hợp. Tình trạng này giống như một cơ thể thanh niên đang lớn lên từng ngày mà phải khoác lên mình một bộ quần áo quá chật và thế là bộ quần áo ấy rách lung tung. Để che chỗ rách ấy, người ta phải vá víu bằng đủ thứ. Bình thường, khi nhìn người đó ăn mặc chiếc áo vừa được vá thì khen là khéo vá, khéo may. Nhưng đến khi soi ra thì lại “bẻ hành bẻ tỏi” rằng ai cho phép sửa?
Đất nước ta đã có những bài học đau đớn và cũng là “vô tiền khoáng hậu”.
Ấy là chuyện khoán hộ của ông Kim Ngọc. Ngày ấy ông Kim Ngọc phải làm giấu giếm. Khỏi phải nói những người lãnh đạo khi nghĩ ra những cách này đã phải che giấu và chịu áp lực với cấp trên như thế nào…
Nhưng rồi thực tiễn đã chứng minh được những người như ông Kim Ngọc… đã đúng. Những cách làm ấy đã làm thay đổi cả một hướng đi cho việc xây dựng, phát triển kinh tế nước nhà.
3. Gần đây, dư luận xôn xao về kết luận của Thanh tra Chính phủ về một số vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai ở thành phố Đà Nẵng.
Vâng, kết luận thanh tra không sai. Nhưng cũng có những điều mà hình như những người làm công tác thanh tra không nghĩ đến, hoặc không xem xét một cách thấu đáo về hiệu quả của những cách làm có tính chất “xé rào”. Trong đó có việc UBND thành phố Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất phải nộp cho các hộ được bố trí đất tái định cư và các tổ chức, cá nhân được thành phố giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, cách làm của thành phố Đà Nẵng đơn giản là khi được phân, chia, hay được hưởng quyền mua bán một lô đất, một căn nhà, nếu nộp ngay lập tức số tiền theo hợp đồng phải nộp thì sẽ được giảm 10%, còn nếu cứ nộp theo quy định trong vòng vài năm thì phải nộp đủ. Đối chiếu với các quy định tại Điều 13, Điều 15 của Nghị định 198/2004/NĐ-CP của Chính phủ và theo mục III, phần C, Thông tư số 117/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính thì cách làm này là sai. Nhưng với tất cả những người làm kinh tế thì đây là một cách làm rất hay và tính chẻ ra thì đôi bên cùng có lợi. Nhà đầu tư có tiền ngay, giảm mức phải đi vay lãi ngân hàng, người được quyền sử dụng đất lại bớt được số tiền phải đóng. Những ai đã đầu tư vào bất động sản đều muốn làm như vậy. Và trên thực tế thì người ta đều muốn thực hiện thế này. Và đâu chỉ trong mua bán đất đai, nhà cửa, việc mua ôtô, xe máy và thậm chí cả các vật dụng đắt tiền khác thì khi mua trả tiền ngay tức thì chắc chắn sẽ thấp hơn. Trong trường hợp này, rõ ràng là những quy định về tài chính đối với việc chuyển nhượng, mua bán đất từ năm 2004 không còn phù hợp với tình hình của những năm 2008-2009 và cho tới nay.
Vậy trường hợp này nên xử lý thế nào?
Nếu như bảo “sai” thì đúng là “sai”, nhưng rõ ràng việc làm “sai” này đã mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho Đà Nẵng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để làm nên một Đà Nẵng “đã thu được những kết quả đáng khích lệ, tạo nên diện mạo mới của đô thị loại 1, có cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, an sinh xã hội được cải thiện, quốc phòng an ninh được đảm bảo tốt hơn, từng bước phát huy vai trò trung tâm trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên…” (trích Thông báo kết luận Thanh tra Chính phủ ngày 17-1-2013).
Ai cũng biết rằng, trong những năm qua Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng đã tạo ra được bước phát triển thần kỳ ở Đà Nẵng trong tất cả các lĩnh vực. Không phải bỗng dưng mà thế giới đã công nhận Đà Nẵng là 1 trong 10 thành phố đáng sống nhất. Ở Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố có trật tự đô thị tốt nhất, có quy hoạch phát triển đô thị đồng bộ nhất, có đời sống an sinh xã hội tốt nhất, có trật tự trị an tốt nhất. Thử đặt câu hỏi rằng những người lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cứ chấp hành một cách trung thành, thậm chí đến máy móc các quy định trong quản lý đất đai, tài chính có từ năm 2004 thì Đà Nẵng có phát triển được như hiện nay không? Nếu thực hiện đúng các quy định mà tình hình kinh tế, xã hội không phát triển được thì rõ ràng là những quy định đó đã lỗi thời và không còn phù hợp. Vậy sự “chấp hành nghiêm túc” các quy định của cấp trên ấy phỏng có ích gì?
Nghĩ mà cũng thương cho những người lãnh đạo của Đà Nẵng. Họ đã làm tất cả vì dân, vì thành phố và cũng là vì đất nước này chứ. Nhưng bây giờ thì không khéo họ lại trở thành những “kẻ tội đồ” bởi đã dám vượt qua những quy định cũ ấy.
Tại sao những người làm công tác thanh tra lại không nghĩ đến thay vì tìm ra ở đơn vị cơ sở làm đúng, sai thế nào thì hãy tìm ra những sự bất hợp lý, không phù hợp từ chính những quy định, những điều luật đã được ban hành và tìm cho ra những gì đang cản trở sự phát triển trong xây dựng kinh tế của từng ngành, từng địa phương? Thiết nghĩ, ý nghĩa đó còn to lớn hơn là tìm ra nơi này thất thoát bao nhiêu tiền, nơi kia thất thu bao nhiêu tiền.
Xin những người làm công tác thanh tra hãy đọc lại Tây Du Ký./.