Trong buổi trao đổi với báo chí cuối tuần qua, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, đưa ra so sánh: “Tổng số tiền cho chương trình đổi mới sách giáo khoa (SGK) tính ra là 144 tỉ đồng, chỉ bằng 180m đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa và 600m đường cao tốc Bắc Nam mà thôi…".
GS Nguyễn Minh Thuyết ủng hộ việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa.
Tất nhiên, số tiền này GS Thuyết chưa tính tiền viết sách giáo khoa, tiền thực nghiệm, tiền tập huấn, tiền đào tạo lại giáo viên… Để dễ hình dung tổng chi phí, nhìn lại chương trình SGK năm 2000 tốn tổng cộng 3 tỷ USD.
Nhưng dù sao, so sánh trên của GS Thuyết khá thú vị. Hóa ra, việc thay đổi chương trình SGK - việc cực kỳ quan trọng cho sự thành bại của mỗi quốc gia - lại “rất rẻ” so với việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, dư luận cũng có thể đưa ra phép so sánh khác: Nếu làm những con đường (có thể đắt nhất hành tinh) nhưng người dân vẫn cảm nhận rõ những lợi ích cho mình, thì những lần cải cách giáo dục, thay đổi SGK đã đem lại những lợi ích gì cho nền giáo dục nước nhà?
Từ ngày thống nhất đất nước đến nay, đây đã là lần thay đổi SGK thứ 3. Lần thay sách thứ nhất 1981-1992 vừa xong, tháng 10.1993 đã có phương án vay ODA làm sách giáo khoa mới (cấp tiểu học). Lần 2 từ 1996-2008 thay sách vừa xong lại có đề án thay sách và nếu đúng dự kiến, năm 2018 đã có SGK mới. Nhưng đến nay, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, có khả năng năm 2019 mới hoàn thành.
Vậy, kết quả của hai lần thay đổi trước đạt được những gì và đã có cơ quan chức năng nào tổng kết lại chưa? Với dư luận, câu trả lời là chưa.
Và vì sự thiếu minh bạch đó, trên công luận và mạng xã hội đã xuất hiện nhiều hơn những tiêu cực: Thay đổi SGK quá nhanh, hệ quả là mỗi bộ SGK chỉ được sử dụng một lần, quá lãng phí; Càng kêu gọi giảm tải thì chương trình SGK ngày càng nặng hơn; Chương trình phân ban chết yểu; Học sinh hầu như không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cần thiết đúng với lứa tuổi của mình …
Đấy là những cảm nhận tiêu cực hữu hình. Nhưng nguy hiểm hơn là những tác hại không thể đong đếm cho thế hệ trẻ và tương lai của đất nước.
Do đó, không có gì khó hiểu khi dư luận có vẻ khắt khe, nhiều câu hỏi nghi hoặc hơn với thay đổi SGK lần này. Dù rằng, Tổng chủ biên là GS Nguyễn Minh Thuyết - người không chỉ có kinh nghiệm trong việc biên soạn SGK, mà còn là nhân vật được coi là có những phản biện sắc sảo và những chất vấn thẳng thắn ngay trên diễn đàn Quốc hội.
GS Thuyết từng đưa ra những nhận xét về giáo dục được dư luận rất đồng tình. Trả lời báo chí năm 2012, GS Thuyết cho rằng, chúng ta xây dựng chương trình học còn thiếu nhiều kiến thức, kể cả thiếu một số môn cốt lõi về khoa học tư duy, về kỹ năng sống, khả năng sáng tạo. Ông cũng cho rằng, “SGK hiện tại định vị không đúng vai trò của các môn học trong cấu trúc kiến thức. Tôi ví dụ như ngoại ngữ được gọi là môn tự chọn, và từ lớp 3 trở lên mới dạy, trong khi ngoại ngữ hiện nay rất quan trọng”.
Tôi tin, dư luận cũng hoàn toàn đồng tình với nhận xét của GS Nguyễn Minh Thuyết: “Tôi muốn nhấn mạnh, khi ngành giáo dục có những nhược điểm phổ biến và kéo dài thì chúng ta không nên chăm chú tìm nguyên nhân chỉ ở quá trình thực hiện. Tôi cho rằng phải tìm giải pháp ở tầm cao hơn, tức là chủ trương, quyết sách, mục tiêu giáo dục”.
Câu chuyện sách giáo khoa luôn được dư luận quan tâm và gây tranh cãi.
Đồng quan điểm trên, trong phạm vi bài này, chúng tôi cũng chỉ muốn đề cập đến những nội dung mà GS Thuyết cho rằng cần mổ xẻ, góp ý.
Thứ nhất, có hay không việc quả trứng có trước, con gà có sau. Đó là việc viết SGK trước khi có chương trình môn học được thông qua?
Trong buổi trao đổi với báo chí vừa qua, GS Thuyết cho biết, hiện nay 20/25 hội đồng thẩm định các môn học thông qua, hiện tổ chức khâu cuối cùng là biên tập kỹ thuật, sau đó chuyển sang bộ phận pháp chế của Bộ GDĐT xem xét. Khoảng tháng 9-10 sẽ ban hành được chương trình môn học.
Nhưng khi Bộ GDĐT mới công bố dự thảo môn học trên cổng thông tin của Bộ, các nhà xuất bản đã viết sách rồi. Khi Bộ trưởng ký ban hành chương trình chính thức, người viết sẽ đối chiếu và sửa theo chương trình chuẩn,bởi họ phải gối lên nhau chứ không thể chờ xong mới làm được.
Tuy nhiên, theo Sổ tay hướng dẫn của dự án Hỗ trợ phát triển chương trình giáo dục phổ thông (RGEP) mà Bộ GDĐT thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới, người biên soạn chương trình được phép viết SGK, nhưng phải thực hiện xong việc biên soạn chương trình, khi Bộ trưởng GDĐT ký, duyệt mới được viết SGK, không được làm cùng lúc hai việc.
Thứ hai, việc có đến 46/56 (80%) tác giả chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GDĐT đang là tác giả biên soạn SGK của Cty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) thì liệu có khách quan khi sổ tay này đã quy định rõ: Để tránh xung đột lợi ích, không một thành viên nào của Hội đồng kỹ thuật chính (ban phát triển chương trình tổng thể, 18 thành viên) được vừa tham gia xây dựng chương trình vừa biên soạn sách giáo khoa. 38 thành viên các Hội đồng kỹ thuật môn học (ban phát triển chương trình môn học) có thể tham gia viết sách giáo khoa sau khi đã hoàn thành công việc do Hội đồng kỹ thuật chính giao.
Điều này khiến chúng ta nhớ đến chất vấn (năm 2003) của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng (Đoàn Kon Tum) với Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Minh Hiển: “Việc chuyên gia trong các dự án giáo dục được trả 12.000 - 15.000 USD/tháng/người (tương đương 200 triệu đồng) trong khi lương tháng của một công chức bình thường chỉ khoảng 1 triệu đồng, Bộ trưởng có biết không? Bây giờ ngành giáo dục đi làm dự án là chủ yếu, quản lý dự án chứ không quản lý giáo dục đúng không?”. Hôm đó, câu chất vấn này không được Bộ trưởng trả lời.
Đến nay, câu hỏi này vẫn giữ nguyên tính thời sự và khiến nỗi nghi ngờ của người dân không giảm đi mà ngày càng tăng lên. Bởi, điều quan trọng hơn cả là cải cách gì thì cải cách, nhưng đừng để người dân không an tâm, đến mức phải tìm cách cho con em mình đi “tị nạn giáo dục”.