Chiến tranh thương mại chỉ là màn khởi đầu cho khủng hoảng tài chính. Một cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn thế giới đang dần hiện lên ở phía chân trời…
Cuộc khủng hoảng lẽ ra có thể tránh được
Một thập kỷ sau khủng hoảng năm 2008, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn được đánh giá chưa hoàn toàn hồi phục. Báo cáo vừa công bố của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhận định, một thập kỷ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, GDP Mỹ vẫn thấp hơn rất nhiều và Mỹ sẽ không bao giờ có thể bù đắp lại sức tăng trưởng đã mất này. “Nếu không có những cú sốc tài chính lớn năm 2007 và 2008, diễn biến GDP giờ đã rất khác rồi”, báo cáo cho biết.
|
10 năm sau khủng hoảng tài chính, thế giới tiếp tục đứng trước nguy cơ về cơn bão khủng hoảng mới. Ảnh: bankometar.mk |
10 năm nhìn lại, các chuyên gia kinh tế Mỹ nhận định: Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tại Mỹ lan rộng ra toàn cầu là một thảm họa “có thể tránh được nếu không có sự thất bại sâu rộng trong công tác điều hành của chính phủ, sự quản lý sai lầm của doanh nghiệp và hành vi mạo hiểm hết sức bất cẩn của giới kinh doanh tài chính. Khủng hoảng là kết quả của hành động của con người, không do tự nhiên hay mạng máy tính gây ra. Những người cầm cân nảy mực về tiền tệ và hệ thống tài chính của đất nước đã phớt lờ những lời cảnh báo, đã không đặt vấn đề, không hiểu và không quản lý được rủi ro trong một hệ thống có tính chất hết sức thiết yếu đối với đời sống người dân Mỹ. Đây là một sai lầm, không phải là một tai họa.
Ba chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ là cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Henry Paulson, Timothy Geithner và cựu Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke kết luận: Chúng ta đã để hệ thống tài chính phát triển nhanh hơn các biện pháp bảo vệ mà chúng ta đưa ra trong các cuộc Đại suy thoái và khiến cho hệ thống trở nên rất dễ vỡ và dễ bị tổn thương.
Nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính mới
10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế vẫn còn ảm đạm. Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hiện tại cũng như trong tương lai là Mỹ Latinh và nhiều khu vực khác ở châu Á, châu Phi… cùng với việc tài chính hóa kinh tế rơi vào cái bẫy rời xa nền kinh tế thực bước vào nền kinh tế ảo. Xu hướng này cũng có thể được gọi là “tài chính hóa kinh tế” hay “cạm bẫy tài chính hóa kinh tế”. Một hệ quả trực tiếp của cái bẫy này là nền kinh tế Mỹ ngày càng trở nên trống rỗng và ảo hóa… Đây là một trong những nguyên nhân mầm mống của sự bất ổn.
Dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng tài chính mới lại xuất hiện và không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra, như lời các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới nhận định: Những điều tốt đẹp, dấu hiệu phục hồi được khoảng vài năm nay ở nhiều nền kinh tế lớn vừa mới xuất hiện có vẻ như đã chấm dứt kể từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế Mark Mobius cho rằng, chiến tranh thương mại chỉ là màn khởi đầu cho khủng hoảng tài chính. Một cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn thế giới đang dần hiện lên ở phía chân trời. Không sớm thì muộn khủng hoảng tài chính cũng sẽ xảy ra. Phải nhớ rằng, chúng ta sắp chấm dứt thời kỳ tiền giá rẻ tràn ngập, ông Mobius dự báo khi trả lời phỏng vấn báo chí tại Singapore.
Hãng tin CNBC, Korea Investment Corporation - một tổ chức uy tín của Hàn Quốc mới đây đã cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cùng với sự bất ổn ở thị trường mới nổi, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới. Về nhận định không mấy tốt đẹp trên, tỷ phú Bill Gates cũng có cùng quan điểm: Khủng hoảng tài chính 2008 chắc chắn sẽ quay trở lại.
Giải thích kỹ hơn, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Henry Paulson nhận định rằng, hệ thống ngân hàng giờ đã vững vàng hơn nhiều so với trước, nhưng thâm hụt ngân sách lớn ở Mỹ và đống nợ đang phình to ra, dự kiến sẽ đạt 33 nghìn tỷ USD vào năm 2028, cùng với những quyết định “bất thường” của Mỹ Tổng thống Mỹ Donald Trump đang từng bước thực hiện các cam kết của mình là rút Mỹ khỏi các hiệp định toàn cầu mà nước này từng thúc đẩy như: Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA); Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); cũng như đặt câu hỏi về vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)… có thể sẽ là nguyên nhân gây rắc rối và trở thành “kíp nổ” cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Ngoài nguyên nhân Mỹ, các chuyên gia cũng dự báo một số nguyên nhân có thể là quả bom kích nổ cuộc khủng hoảng mới. Nợ công và nợ thương mại đang ở mức báo động. Theo các chuyên gia, chúng ta có thể sẽ không thấy sự tái xuất hiện các trường hợp phá sản các ngân hàng như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008, nhưng chúng ta đang chứng kiến nợ công tăng khủng khiếp kể cả ở Mỹ, Anh, Nhật Bản và Italia và giờ là Mỹ Latinh... Quá trình tích lũy nợ công này không thể dừng lại rồi sẽ tới lúc “phát nổ”. Thứ hai là tình trạng mất lòng tin của các nhà đầu tư. Và cuối cùng là việc các công ty trong lĩnh vực công nghệ mới và các tổ chức tài chính phi ngân hàng phớt lờ các quy tắc của thị trường. Cuộc khủng hoảng tiếp theo có thể sẽ khác và có thể là do các công ty trong lĩnh vực công nghệ mới và các tổ chức tài chính phi ngân hàng đang hoạt động bất chấp các quy tắc của thị trường.
10 năm nhìn lại những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Cả thế giới nếu không cảnh giác, “vết xe đổ” vẫn còn đó. Như nhận định của hãng Smith's Research & Gradings, thế giới đang đứng trước nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm. "Chúng ta có thể đang tiến gần một cuộc khủng hoảng tài chính lớn khác", như ông trùm đầu cơ George Soros cảnh báo.
NGUYỄN HÒA