Chuyện nhặt (Kỳ 3) Tất cả là do con người!

Ngày đăng: 10:26 04/10/2018 Lượt xem: 473
                       Chuyện nhặt
            TẤT CẢ LÀ DO CON NGƯỜI!
                                            ( Kỳ 3)
                                                          CTV: Hoàng Văn Kính

10- Từ Đại hội 12 của Đảng đến nay, một loạt cán bộ cao cấp trong ngành Công an, Quân đội, lãnh đạo các Bộ - Ngành, các đia phương bị sử lí đau quá các ông ạ - Ông Trung tâm tư.
  Ông Hải:
-Phải công nhận, TW ra tay rất quyết liệt. Đặc biệt vai trò chủ công của Ủy ban Phòng chống tham nhũng TW, và UBKT TW. Có một điều rất đáng lưu tâm là: Tất cả các vụ việc từ to đến nhỏ, từ thấp đến cao hầu hết đều liên quan đến sự tha hóa quyền lực.
-Đúng như thế - Ông Trung phân tích- Theo tôi, suy đến cùng tất cả cũng chỉ vì lòng tham. Trước sự cám dỗ của vật chất, của đồng tiền làm ta lóa mắt vứt bỏ hết cả đạo đức, tư cách, lí trí và lương tâm con người. Một khi tay đã nhúng tràm thì cứ thế mà lún sâu vào vũng bùn, tự nguyện dâng linh hồn cho “quỷ dữ tội lỗi”. Mọi lời nhắc nhở, cảnh tỉnh đều để ngoài tai.
Ông Hải xúc động:
-Quyền lực một khi đã bị tha hóa thì tác hại khôn lường. Đây nhé: họ lợi dụng, họ trục lợi, và họ ban phát. Họ ngộ nhận nó là cái của riêng mình, là lộc trời cho, là phương tiện hợp pháp để bòn mót, làm giàu nên cũng có quyền bất chấp tất cả. Coi trời chỉ bằng non nửa cái đinh gỉ. Quyền lực nó mang lại nhiều lợi nhuận như thế, quý hơn cả sâm Ngọc Linh nên người ta tìm mọi cách để giành giật. Khi đã có thì cũng tìm mọi thủ đoạn để giữ. Từ cái ghế bé tí tẹo đến cái loại được dát bằng vàng ròng không ai tự nguyện rời bỏ cả. Trừ có một người duy nhất là ông Đoàn Ngọc Hải ở Quận 1, thành phố HCM.  Khốn nạn quá!
          Ông Trung:
- Thế chẳng lẽ đầu hàng à? Cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ của dân tộc ta với biết bao nhiêu sự hy sinh xương máu chẳng lẽ lại cứ để cho lũ sâu mọt này hủy hoại à?
Ông Hải:
-Đảng cũng đã thấy vấn đề và đang vào cuộc một cách mạnh mẽ. Ông thấy đấy cũng đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, có rất nhiều vụ việc lớn nhỏ được phanh phui khiến bọn này phải chùn tay. Tình hình đang dần sáng sủa hơn.
Ông Trung phân vân:
-Tôi thấy trên TW thì mạnh mẽ, nhưng ở các địa phương thì nghe còn lơ mơ lắm. Có những giải pháp rất hay ở các nước họ cũng làm như: Kê khai tài sản, rồi ban hành các loại quy chế…nhưng xem ra khi đưa vào thực thi thì  không được quyết liệt lắm, thậm chí nó còn bị lợi dụng để vụ lợi…
-Nói chuẩn rồi, Ông Hải cười to – Ta phải quay lại câu chuyện lúc đầu: Tất cả là do con người, nên “phải nhốt quền lực trong lồng cơ chế, pháp luật” như Tổng bí thư Nguyễn Phú  Trọng đã nói chứ cứ để sự tha hóa tung hoành thì giải pháp có hay mấy cũng thành vô dụng.
11-Vừa đến sân cầu lông, chưa kịp ngồi uống chén trà, ông Trung đã túm lấy tôi chất vấn:
- Này tớ hỏi chú mày: Tại sao tiêu cực, tham những nhiều như thế mà lại chủ yếu do báo chí và người dân phanh phui chứ các tổ chức Đảng từ cơ sở, cả một hệ thống chính trị bám rễ vào tận các ngóc ngách lại không phát hiện được nhỉ?
Tôi gãi tai trả lời:
-À về vấn đề này trên các phương tiện truyền thông đây đó cũng có đề cập. Nhưng theo em có mấy vấn đề: Chi bộ là nơi trực tiếp quản lí và phân công nhiệm vụ cho Đảng viên. Hơn ai hết họ là người tường tận nhất về con người do mình quản lí nên họ biết hết thậm chí đến từng chân tơ, kẽ tóc nhưng họ không nói, không dám nói, không được nói.
  Để em nói rõ nhé:
  Một là: “Dĩ hòa vi quý”. Đều là bạn bè, đồng đội, anh em, cùng làng xóm ra vào ngày nào chả thấy mặt nhau. Anh không chạm đến tôi thì tôi cũng chẳng động đến anh. Đây là một xu hướng khá phổ biến. Một cách sống được cho là “khôn ngoan” nhất hiện nay. Ngay như ở chi bộ ta, cuộc họp nào cũng vậy sau khi đòng chí Bí thư đọc song dự thảo Nghị Quyết, ông Tổ trưởng Dân phố nói mấy câu. Đến phần thảo luận tất cả ào ào như ong vỡ tổ: nhất trí, nhất trí thế là xong. Mọi người đều vui vẻ vì cái Nghị quyết cũng chung chung chẳng động chạm đến ai cả.
  Hai là: Do trình độ, nhận thức khác nhau nên nếu có đấu tranh để làm rõ đúng sai, phải trái thì cũng sẽ có các quan điểm khác nhau, có khi còn to tiếng, gay gắt và chỉ cần thế thôi đã đồng nghĩa với bị đánh giá, soi xét là mất đoàn kết. Một trong những điểm tối kị nhất ở một tổ chức Đảng là bị đánh giá mất đoàn kết nội bộ. Từ to đến bé ai cũng sợ điều này. Thế thì chi bằng đừng có đấu tranh nữa để không bị đánh giá mất đoàn kết. Để giữ vững cái danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”. Ai chả thích thành tích, ai chả muốn được khen. Người ta gọi đấy là bệnh thành tích.
Ba là: Trước mỗi vấn đề được cho là “nổi cộm”, bao giờ cũng phải xin ý kiến chỉ đạo của Cấp ủy cấp trên. Mà cấp trên thông thường cũng muốn “dẹp đi cho êm chuyện”. Trên đã muốn xử đẹp thì hà cớ gì dưới lại cứ “bới móc ra”. Xấu chàng thì hổ ai?. Còn nếu ai “ trót dại” cứ “cố đấm” thì bị coi là kẻ cố chấp, không biết điều, đồ dở hơi…
  Bốn là: Đảng viên dù ở cấp cao mấy cũng phải quy về sinh hoạt tại một Chi bộ cụ thể. Ông là UVTW, là UVBCT, là Bộ trưởng…đạo mạo ngồi trong buổi sinh hoạt chi bộ. Nói thực với bác nhá, có cho kẹo mút cũng chẳng ai dám hé răng. Cũng có thể do các lĩnh vực công tác khác nhau họ chẳng hiểu gì để nói cả. Cũng có thể do sợ vì ông ấy là người quyết định sinh mạng chính trị của mình. Tốt nhất là phải co mình lại để bảo tồn lấy “cái gáo”. Cũng có thể vì nể quá: Dẫu sao ông ấy cũng là “sếp” của mình cơ mà. Nếu có bắt buộc phải nói thì khen là chủ yếu, nịnh mấy câu chỉ được lợi chẳng mất gỉ cả, tội gì. Còn phê bình khuyết đểm thì: “Thủ trưởng bận quá nên ít xuống đơn vị”. “Em thấy dạo này Thủ trường hơi gầy chưa chú ý chăm lo giữ gìn sức khỏe”…
  Em xin bảo đảm với bác 99,99% những bản kiểm điểm cá nhân của các Đảng viên khi đến phần khuyết điểm đều viết: “Trong sinh hoạt còn ít phát biểu. Chưa sắp xếp công việc hợp lí để dự đầy đủ các buổi học tập. Còn e dè chưa mạnh dạn đấu tranh phê bình”.
Còn nói về hệ thống chính trị ở cơ sở ư. Bục bệ đủ cả: Mặt trận, CCB, Phụ nữ, Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên…chẳng thiếu cái gì. Có để tồn tại, nhưng hoạt động thì rất hạn chế. Chỉ có 2 việc các tổ chức này chăm chỉ, cần mẫn, không quên đó là: Thu tiền hội phí và sơ tổng kết theo định kì: 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Cứ mang cái bản cũ ra đọc, thay đổi mấy con số là xong. Ngoài ra thi thoảng cũng có tổ chức cho hội viên tập trung nghe các nhà hảo tâm tư vấn sức khỏe để bán thuốc, bán dụng cụ sinh hoạt gia đình… có trót mua phải mới hay đắt như “cắt cổ”, chất lượng lại quá kém. Để thì chật nhà mà vứt đi thì không đành.
Ngoài ra nếu có phải làm cái gì thì nhất nhất phải theo sự chỉ đạo của cấp ủy, đồng chí Bí thư, ngành dọc trên dội xuống theo đúng nghĩa “là cánh tay đắc lực”.
Ông Hải trầm ngâm: - Thực trạng hiện nay đúng như chú mày nói, từ lãnh đạo đến mỗi đảng viên ai cũng biết cả, nhưng chẳng ai dại gì mà bới móc ra, mà có nói cũng chẳng ai nghe.
 Cứ thế này thì nguy mất!
12 - Khề khà xong chén trà, ông Hải mới nói:
-Hôm qua chú nói rất trúng, nhưng chỉ đáng 7 điểm thôi.
Tôi cãi cự:
-Chắc bác vẫn còn quen cái văn hóa lãnh đạo cấp trên áp đặt cho cấp dưới chứ gì?
-Bậy nào. Đây nhá có cái rất quan trọng nhưng cậu chưa thấy đấy là tham nhũng, tiêu cực nó đã thành hệ thống, thành đường dây khép kín. Không phải đơn gian mà có thể sờ ra được, lần ra được. Đấy điển hình như cái vụ ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh dây mơ, rễ má liên quan đến bao nhiêu con người, đến bao nhiêu tổ chức. Từ trong ngành đến ngoài ngành. Từ anh em trong nhà  đến dòng họ, bạn bè cùng cánh hẩu… Người ta tìm mọi cách để gồng gánh, xin xỏ, nâng đỡ nhau và mỗi lần như thế là tiền, tiền và tiền. Lót tay, biếu xén, quà tặng, chia chác…muôn hình vạn trạng. Ai lại xách cả vali tiền đến nhà sếp để đút lót, biếu đối tác cái biệt thự cả chục tỷ. Đúng như ai đó đã nói: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất rất nhiều tiền”.
Tôi phản ứng:
-Ekíp cũng tốt mà bác. Làm lãnh đạo ai chả muốn có một đội ngũ tâm đầu ý hợp làm việc quanh mình. Tây nó cũng thế chứ chả riêng gì ta.
-Nếu việc bổ nhiệm, điều động mà công tâm, trong sáng thì tốt quá, ai dám thắc mắc gì đâu - Ông Hải giãi bầy – Đằng này họ bất chấp tất cả. Không cần điều kiện, chẳng cần tiêu chuẩn. Chỉ cần: “ Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ” là OK. Còn trí tuệ ư phải xếp hàng sau 3 cái “ệ” trên và đường dây cũng bắt đầu hình thành từ đấy. Giỏi giang, thông minh, bằng cấp… chẳng là cái đinh gỉ. Đã bỏ tiền ra mua ghế thì cũng phải tìm mọi cách, mọi thủ đoạn để thu về. Ít nhất thì cũng bằng cái đã bỏ ra, nhưng lòng tham thì chẳng có giới hạn nào cả.
-Em thấy quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức ở ta cũng chặt chẽ lắm cơ mà – Tôi thắc mắc.
Ông Hải:
-Cái gì chả có quy trình, không thì loạn à. Từ khám chữa bệnh, đấu thầu thuốc tây, đấu thầu xây dựng, xét kết nạp Đảng viên mới đến bổ nhiệm cán bộ, công chức…tất tật đều có quy trình. Nhưng chú phải nhớ: Quy trình không phải là chiếc gậy thần, chẳng qua nó cũng chỉ là công cụ để đạt mục đích. Quá trình vận dụng quy trình con người mới là thần thánh. Quy trình mà vào tay quan tham thì có hay mấy, đúng mấy cũng thành lá bùa để họ trục lơi.
 Lấy ví dụ để chú thấy nhá: Muốn được bổ nhiệm là Giám đốc Sở phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ từ chuyên viên chính trở lên (tốt nghiệp đại học song nếu được tuyển dụng vào công chức, hết tập sự sau 9 năm mới đủ điều kiện thi nâng ngạch lên chuyên viên chính). Như vậy nếu thật suôn xẻ cũng phải 33-34 tuổi. Rồi phải tốt nghiệp lí luận chính trị cao cấp. Phải có 5 năm công tác trong ngành, trong đó ít nhất 3 năm về lĩnh vự chuyên môn, chuyên ngành được giao. Nếu chẻ hoe mà soi vào tiêu chuẩn này thì ối kẻ được “nâng đỡ không trong sáng”.
Tôi thực thà:
-Bác nói em mới sáng ra. Đúng là một khi tham nhũng, tiêu cực đã thành dây dợ quấn quýt lại với nhau thành hệ thống  thì là đại họa, khó mà gỡ ra được. Suy cho cùng tất cả là do con người.
Con người mới là nhân tố quan trọng nhất, quyết định nhất, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
 
 
                                                          HVK
 

 
tin tức liên quan