Tổng bí thư làm Chủ tịch nước: Góc nhìn quyền lực

Ngày đăng: 08:29 09/10/2018 Lượt xem: 456

Tổng bí thư làm Chủ tịch nước:

                                   Góc nhìn quyền lực

                                                                           Nguồn:Báo Điện tử  


Khi đề cao sự thống nhất và tập trung quyền lực nhà nước thì “Đức trị” là chiến lược kiểm soát quyền lực luôn được ưu tiên. Bản chất của triết lý “Đức trị” là đề cao sự gương mẫu, đức độ của các nhà lãnh đạo – quản lý khu vực công, tức là khả năng tự kiểm soát hành vi của cá nhân.


Tổng bí thư làm chủ tịch nước

Hội nghị TW8 khóa 12 đồng thuận giới thiệu Tổng bí thư làm ứng viên cho vị trí Chủ tịch nước đang trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Từ góc nhìn quyền lực, đảm nhiệm cùng lúc hai vị trí lãnh đạo Đảng cầm quyền và lãnh đạo Nhà nước sẽ giúp một cá nhân trở thành nhà lãnh đạo tối cao của quốc gia, với mức độ ảnh hưởng rất lớn do hội tụ được cả quyền lực chính trị và quyền lực công (nhà nước). Chính điều này khiến “kiểm soát quyền lực” lại trở thành một chủ đề được thảo luận rộng rãi kể từ sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ban hành nghị quyết TW4 khóa 12 về vấn đề kiểm soát quyền lực.

Nhìn rộng ra cả về không gian và thời gian, sự thống nhất của quyền lực nhà nước không đơn giản là ý muốn chủ quan của một cá nhân hay tổ chức nào đó mà là một truyền thống chính trị đã tồn tại lâu đời ở nhiều quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Indonesia, Triều Tiên, hay Trung Quốc và Việt Nam. Chính đặc trưng này khiến cho thực tế thể chế chính trị khu vực Đông Á rất khác so với mô hình thể chế tản quyền (điển hình là Mỹ) hay cấu trúc liên hợp (điển hình là nước Anh). Vì thế, chiến lược về kiểm soát quyền lực cũng cần được đặt trong logic thể chế đặc thù.

Góc nhìn quyền lực
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 8 khóa XII. Ảnh: VOV

Sự thống nhất của quyền lực nhà nước

Đến nay, đặc trưng thể chế phổ biến của 160 quốc gia Đông Á vẫn là mô hình nhà nước thống nhất, với quyền lực tối thượng tập trung ở chính quyền trung ương. Không có sự tách bạch rạch ròi giữa cơ quan Lập pháp và Hành pháp; chính quyền TW kiểm soát chặt chẽ chính quyền địa phương cũng như các hoạt động đối nội và đối ngoại.

Nhà nước là một thực thể phức tạp, bao gồm nhiều thành tố bộ phận cấu thành. Để bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước, sự gắn kết giữa các thành tố bộ phận tạo nên cấu trúc nhà nước được đề cao. Các cơ quan nhà nước vận hành theo chức năng và nhiệm vụ được giao; không một chủ thể nào có thể tuyên bố tư cách độc lập đại diện cho quyền lực nhà nước như ở các quốc gia theo mô hình liên bang.

Sự tồn tại của một chủ thể hạt nhân nắm giữ và điều phối quyền lực nhà nước là đặc trưng thứ hai của các quốc gia Đông Á.

Đó có thể là Vua hoặc nhánh Hành pháp trong cấu trúc chính quyền thời phong kiến, cá nhân Sukarno và ê kíp chính trị của ông ở Indonesia, liên minh giữa Đảng LDP và tầng lớp hành chính kỹ trị ở Nhật, Đảng PAP ở Singapore, hay Đảng Cộng Sản ở Trung Quốc và Việt Nam thời hiện đại. Nằm ở đỉnh chóp trong cấu trúc quyền lực theo trật tự thứ bậc, chủ thể hạt nhân quyền lực có được sự chính danh tự nhiên do luôn gắn liền với nhà nước. Bởi thế, sứ mệnh của chủ thể đó là bảo đảm sự thống nhất về quyền lực nhằm hướng đến tính hiệu lực và hiệu quả của quản trị nhà nước.

Sự thống nhất về quyền lực nhà nước và sự tồn tại của một chủ thể hạt nhân quyền lực là một truyền thống chính trị khá bền vững dựa trên các nền tảng văn hóa và thể chế lâu đời, được củng cố thêm bởi nhu cầu giành lại và bảo vệ nền độc lập quốc gia từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cũng như nhu cầu phát triển quốc gia từ nửa sau thế kỷ 20.

Khác với truyền thống duy lý - pháp lý phương Tây, người dân Đông Á nói chung, vốn chịu ảnh hưởng bởi triết lý Khổng giáo, quen với ý niệm về “nhà nước” (chứ không chỉ “chính quyền”) và hạt nhân nắm giữ quyền lực nhà nước luôn được chấp nhận bởi lẽ người dân luôn đề cao vai trò của nhà nước, luôn tin rằng nhà nước sẽ chỉ làm điều tốt cho dân; các cơ quan nhà nước được lập ra là để lo cho cuộc sống của người dân.

Nói cách khác, sự chính danh của quyền lực nhà nước có liên quan mật thiết đến văn hóa và niềm tin chính trị của người dân chứ không nhất thiết phải dựa trên các quan niệm về quyền công dân hay các cơ sở pháp lý chặt chẽ (Hiến pháp) như ở nhiều quốc gia phương Tây hiện đại.

Thách thức lạm quyền

Một đặc điểm then chốt của quyền lực công (nhà nước) là khi cá nhân/tổ chức nắm giữ nó thì sẽ có cơ sở và khả năng hành động trên tư cách người khác. Chính điều này dẫn đến những lo ngại về nguy cơ lạm quyền của các chủ thể quyền lực công.

Thực tế cho thấy lạm quyền là một nguy cơ luôn hiện hữu trong tất cả các mô hình thế chế, bất kể đó là cấu trúc “tản quyền” hay “tập quyền”. Sự kiện “Sắc lệnh nhập cư” ở Mỹ, chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” ở Trung Quốc, hay các vụ khởi tố và bắt giữ các cựu Tổng thống Hàn Quốc và cựu thủ tướng Malaysia gần đây cho thấy chống lạm quyền là một nhu cầu phổ quát ở mọi quốc gia.

Hiển nhiên, cấu trúc tập trung quyền lực nhà nước theo truyền thống Đông Á tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn cho sự lạm quyền. Bởi lẽ, do quyền lực luôn được kiểm soát bởi một hạt nhân trung tâm nào đó, những cá nhân với tham vọng ích kỷ chỉ cần thao túng được trung tâm quyền lực đó thì sẽ có thể làm được những điều mà họ muốn. Đây cũng chính là nguyên do khiến dư luận nói chung quan tâm đặc biệt đến khả năng kiểm soát quyền lực, nhất là trong dài hạn, khi việc đảm nhiệm hai chức danh có thể trở thành hiện thực chính trị ở Việt Nam.

Kiểm soát quyền lực

Mỗi mô hình thể chế lại có những nguyên tắc kiểm soát quyền lực đặc trưng.

Cấu trúc “tản quyền” đề cao sự phân tán quyền lực và các nguyên tắc cân bằng và kiểm soát lẫn nhau giữa các chủ thể quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, sẽ không phù hợp nếu áp dụng máy móc quan niệm về kiểm soát quyền lực nêu trên vào các mô hình thể chế vốn có truyền thống đề cao sự thống nhất của quyền lực nhà nước, và cho phép sự tồn tại của một chủ thể hạt nhân giữ vai trò trung tâm quyền lực.

Bởi vậy, kiểm soát quyền lực trong một cấu trúc thể chế đề cao ý niệm nhà nước thống nhất cần được hiểu chính xác là “giám sát quyền lực” – theo nghĩa chủ thể trung tâm quyền lực nhà nước thực hiện các phản ứng nhằm bảo đảm sự nhất quán của cả hệ thống quyền lực, từ bên trong ra bên ngoài, từ hạt nhân đến bộ phận, từ TW xuống đến địa phương.

Ý tưởng này đã được triển khai tại Trung Quốc khi gần đây, “Ủy ban giám sát quốc gia”được thành lập và trở thành một thể chế nhà nước với chức năng cốt lõi là theo dõi, giám sát hệ thống công quyền để chống lạm quyền. Dù vậy, nguy cơ lạm quyền của một “Ủy ban quốc gia” như vậy và vấn đề kiểm soát quyền lực của chính Ủy ban đó khiến những người quan tâm nhất cũng phải thận trọng về khả năng học hỏi.

Thách thức kiểm soát quyền lực

Khi đề cao sự thống nhất và tập trung quyền lực nhà nước thì “đức trị” là chiến lược kiểm soát quyền lực luôn được ưu tiên. Bản chất của triết lý “đức trị” là đề cao sự gương mẫu, đức độ của các nhà lãnh đạo – quản lý khu vực công, tức là khả năng tự kiểm soát hành vi của cá nhân. Mỗi khi được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo – quản lý, cá nhân luôn được mong đợi sẽ là những tấm gương về tuân thủ các chuẩn mực để có thể thực hiện nhất quán các chiến lược, mục tiêu do hạt nhân quyền lực đề ra.

Không thể phủ nhận những vai trò nhất định của triết lý “đức trị” nhưng một thực tế hiện hữu là các hạt nhân quyền lực không thể chủ động kiểm soát hoàn toàn ý muốn hay lợi ích của các cá nhân nắm giữ quyền lực. Nói cách khác, khả năng kiểm soát quyền lực luôn bị động do phụ thuộc vào chủ quan cá nhân - vốn luôn bị chi phối bởi muôn vàn yếu tố mà trung tâm quyền lực không thể kiểm soát hết. Đây chính là hạn chế lớn nhất của triết lý “đức trị” với nguyên tắc cốt lõi là đề cao khả năng ‘tự kiểm soát hành vi”.

Những giới hạn của triết lý “đức trị” khiến cho việc hoàn thiện quy trình lựa chọn cán bộ theo hướng xác lập “thể chế trọng người tài - Meritocracy” trở thành một hướng đi khả thi nhất trong chiến lược kiểm soát quyền lực, phù hợp với logic thể chế đề cao sự tập trung và thống nhất của quyền lực nhà nước. Theo đó, chủ thể giữ vai trò hạt nhân quyền lực của hệ thống nhà nước đứng trước thách thức làm sao phải có được quy trình phát hiện, đào tạo, lựa chọn, và sử dụng cán bộ chặt chẽ, hiệu quả để có thể chọn ra được những cá nhân “vừa Đức vừa Tài”, với khả năng tự kiêm soát hành vi tốt nhất.

Thể chế trọng người tài là một phương án trả lời cho câu hỏi nêu trên. Đây là thực tế đã diễn ra và là một tác nhân chính dẫn đến thành công của nhiều quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, hay Trung Quốc. Thể chế trọng người tài sẽ thu hút và cho phép những người có năng lực phát huy tối đa khả năng để đóng góp cho nhà nước, qua đó bồi đắp và củng cố sự chính danh cũng như quyền uy của nhà nước và lực lượng giữ vai trò hạt nhân của quyền lực. Ngược lại, nếu không thiết lập được “thể chế trọng người tài” thì cấu trúc tập trung và nguyên tắc thống nhất quyền lực nhà nước sẽ dẫn đến rất nhiều thách thức.

Cụ thể hơn, bối cảnh Việt Nam hiện nay cho thấy mô hình “quy hoạch cán bộ” và việc giới hạn quyền lựa chọn trong một nhóm chọn lọc các nhà lãnh đạo tinh hoa nên được xem xét lại theo hướng “Mở” và “Tự Do” hơn. Nguyên tắc “Mở và Tự Do”, dù chỉ trong một phạm vi được kiểm soát, cũng sẽ tạo cơ hội cho nhiều ứng viên hơn, giúp gia tăng sự cạnh tranh và tương tác của ứng viên, khiến các ứng viên bộc lộ rõ hơn để từ đó, các quyết định cuối cùng của chủ thể quyền lực sẽ có được cơ sở chính xác và khách quan hơn
tin tức liên quan