Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Không nêu gương thì làm cán bộ làm gì?"

Ngày đăng: 08:02 10/10/2018 Lượt xem: 313


   Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Không nêu gương thì làm cán bộ làm gì?"

 

                                                               Nguồn:Báo Điện tử
 

"Các Ủy viên Trung ương trước hết phải nêu gương. Không gương mẫu thì làm cán bộ để làm gì? cho nên nhấn mạnh vào trách nhiệm của gần 200 Ủy viên Trung ương là phải gương mẫu, làm trước" – Tổng Bí thư nói.



 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình

Hôm nay (8/10), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị bầu cử số 1, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận: Hoàn Kiếm; Ba Đình trước kỳ họp thứ 6.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, vấn đề được nhiều cử tri quan tâm phản ánh với người đứng đầu Đảng chính là thành công của Hội nghị trung ương 8.

Cử tri Ngô Văn Thành (phường Điện Biên) cho rằng, dư luận nhân dân, cử tri rất tâm đắc khi trung ương lần này có bàn về quy định nêu gương của các Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, và Ủy viên trung ương.

Theo cử tri Thành, đây là quy định để cán bộ, đảng viên luôn rèn luyện, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, và giúp cho nhân dân tham gia giám sát bộ máy trong sạch. Do đó quy định cần sớm được ban hành để các đồng chí luôn là tấm gương sáng để nhân dân học tập và noi gương.

Trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư cho rằng, vấn đề nêu gương không phải của chỉ riêng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên trung ương mà tất cả các đảng viên đều phải làm.

“Phải hiểu rộng ra như vậy, có điều các cán bộ cao nhất phải làm gương từ việc thực hiện 19 điều đảng viên không được làm, 27 biểu hiện suy thoái mọi người phải chống. Trách nhiệm chung là cán bộ phải làm, đảng viên đi trước làng nước theo sau, như lời Bác Hồ nói: Một tấm gương sống bằng trăm bài diễn thuyết. Lần này quy định là do Trung ương ban hành chứ không phải Bộ Chính trị ban hành cho nên vị trí của nó lớn hơn rất nhiều” – Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư, các Ủy viên Trung ương trước hết phải nêu gương. “Không gương mẫu thì làm cán bộ để làm gì? cho nên nhấn mạnh vào trách nhiệm của gần 200 Ủy viên Trung ương là phải gương mẫu, làm trước và thống nhất cao" – Tổng Bí thư nói.

Quyết tâm thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng

Tại buổi tiếp xúc cử tri, vấn đề phòng chống tham nhũng (PCTN) vẫn tiếp tục được các cử tri quan tâm. Cử tri Trần Viết Hoàn, phường Vĩnh Phúc cho rằng, từ sau kỳ họp thứ 5, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra xử lý, nhiều vụ án gây bất bình trong đời sống nhân dân đang phơi bày như vụ đánh bạc được tướng công an bảo kê, với số tiền sòng bạc thu giữ được đến 10 ngàn tỷ đồng; hay 1 cuộc chiêu đãi tiêu hết 10 tỷ đồng; vụ Vũ nhôm chỉ là một thượng tá công an nhưng chiếm đất công từ Đà Nẵng  TP. Hồ Chí Minh; Dự án Sào Khê tại Ninh Bình được đội giá lên hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại được lãnh đạo tỉnh giải thích là do cơ chế…..

“Nhân dân mong Đảng phải vào cuộc, nếu vi phạm thì nhân dân mong xử thật nghiêm vì tiền là mạch máu trong công việc, không phải vì tiền mà dùng thủ đoạn không chính đáng để vơ vét lấy tiền, đè đầu cưỡi cổ người ta”- ông Hoàn kiến nghị.

Cử tri này cũng nhấn mạnh, trong các sai phạm, đa phần là cán bộ cấp cao phạm tội, quyền to, lộc nhiều, lương cao mà vẫn tham, cậy có quyền hành mà mặc sức vơ vét.

“Nếu tình trạng quan tham vẫn diễn ra thì biết đến khi nào các cháu mới thoát khỏi cảnh chui vào túi ni lông để đi học; 4-5 người bệnh không phải nằm chung giường bệnh; trẻ em nhịn đi vệ sinh 7-8 tiếng vì nhà vệ sinh quá bẩn? Vì thế nhân dân mong Đảng, Nhà nước có chế tài nghiêm minh, kiểm tra chặt chẽ, và có sự tham gia của người dân khi đưa người vào cấp lãnh đạo”- cử tri Trần Viết Hoàn nhấn mạnh.

Cử tri Trần Công Dân, phường Thành Công cho rằng, để công tác PCTN nâng cao hiệu quả, cử tri và nhân dân mong chờ vào Luật PCTN sửa đổi lần này.

“Việc sửa Luật PCTN lần này là tất yếu nhưng cử tri băn khoăn về 2 vấn đề là kê khai tài sản của cán bộ và xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc. Việc xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc, cán bộ mà không tự giác trong kê khai khi kiểm tra thấy dối trá thì không thể dung nạp những con người dối trá mà phải cho thôi việc. Tài sản không chứng minh được chỉ do nhiều quá nên không nhớ, hay bất minh mà có, cho nên cứ theo quy định các nước là xung công quỹ. Vì vậy mong Đảng, Quốc hội hãy nghe dân nói để nói dân nghe, làm một cách chắc chắn”- cử tri Trần Công Dân bày tỏ.

Còn cử tri Trần Giao, phường Nguyễn Trung Trực nói: “Tham nhũng vẫn nghiêm trọng dù nhiều củi khô, củi tươi được cho vào lò. Nhất là các dự án BOT, BT tại sao có luật rồi những vẫn để xảy ra tình trạng tham nhũng? Nhiều ý kiến cho rằng, Luật PCTN của ta như “hổ không răng” vì không có cơ chế kiểm soát tài sản, hạn chế tiêu tiền mặt. Do đó cần phải có chế tài để làm sao để “hổ có răng”. Như vậy mới ngăn chặn được tham nhũng.” – cử tri Trần Giao nhấn mạnh.

Trao đổi với cử tri về vấn đề PCTN lãng phí, Tổng Bí thư cho rằng, đây là vấn đề lần nào trong các cuộc tiếp xúc người dân cũng quan tâm, qua đó góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân vào công tác PCTN. Một mặt biểu dương, nhưng mặt khác, nhân dân cũng nêu lên những hạn chế khuyết điểm và mong muốn đề xuất những giải pháp trong thời gian sắp tới.

Tổng Bí thư cho biết, Luật PCTN đã được Quốc hội đã thảo luận lần thứ 3 và lần này trình ra Quốc hội thảo luận để các ĐBQH cho thêm ý kiến, quyết tâm thông qua vì đã thảo luận nhiều lần và thống nhất cao.

Về vấn đề kê khai tài sản và công khai kiểm soát tài sản, Tổng Bí thư đánh giá đây là vấn đề khó vì thiên biến vạn hóa, nhiều biến tướng nên khó kiểm soát và liên quan đến quyền công dân, trong đó có quyền bí mật về tài sản. “Ở các nước họ cũng vậy, không phải cái gì cũng công khai cho toàn dân thiên hạn biết. Vì thế lần này làm sao để giải quyết, dung hòa được 2 vấn đề này đó chính là cái khó nhất” – Tổng Bí thư nói.

Về các vụ án tham nhũng, Tổng Bí thư cho rằng, trước đây có vụ bao nhiêu năm “chìm xuồng” nhưng đến nay “làm vụ nào là đến nơi đến chốn” bởi các quy trình xem xét phải theo luật, phải theo chứng cứ với đầy đủ tính thuyết phục qua nhiều khâu từ thanh tra, kiểm tra, rồi đến khi kết luận không thể cãi được vì chứng cứ rõ ràng cho nên cần có thời gian.

“Như vụ Đinh La Thăng, hay Trịnh Xuân Thanh đã đưa ra xử sớm hơn so với dự kiến.  Ngay xét xử không chỉ 1 lần là xong mà có vụ kéo dài 2-3 năm vì tội này lại dính đến tội khác, ông này dính đến ông khác dắt dây nhau. Hay trong xét xử, đưa ra mức án không phải xử 1-2 ngày là xong mà phải có chứng cứ khiến tâm phục khẩu phục, răn đe ngăn ngừa để không để xảy ra, chống để xây, xây tốt thì đỡ phải chống. Như vừa rồi phải chờ Trung ương mới xử được Trần Văn Minh, Nguyễn Bắc Son. Đó mới chỉ là kỷ luật về Đảng, còn hành chính phải tương xứng, chưa kể nếu vi phạm hình sự thì xử lý” – Tổng Bí thư dẫn chứng.

tin tức liên quan