Bộ Công an: Bỏ sổ hộ khẩu tiết kiệm 1.600 tỷ đồng mỗi năm

Ngày đăng: 08:14 18/10/2018 Lượt xem: 349


     Bộ Công an: Bỏ sổ hộ khẩu tiết kiệm 1.600 tỷ đồng mỗi năm

 
                                                     Nguồn:Báo Điện tử Zing.vn


Bộ Công an tính toán việc quản lý dân cư bằng số định danh thay cho hộ khẩu và sổ tạm trú như hiện nay có thể giúp tiết kiệm 1.600 tỷ đồng mỗi năm.


Ngày 17/10, Bộ Công an công bố dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp.

Theo đó, việc bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong 4 nhóm chính sách được đánh giá tác động lần này.

Vì sao nên thay thế sổ hộ khẩu?

Về chính sách quản lý dân cư, Bộ Công an đưa ra 2 giải pháp là giữ nguyên các quy định hiện hành về hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; hoặc quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế quản lý bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Với phương án một, Bộ Công an không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và bảo đảm kinh phí để làm việc này. Tuy nhiên, người dân sẽ tốn kém thời gian, công sức, chi phí khi làm thủ tục còn Nhà nước phải duy trì bộ máy hành chính cồng kềnh, lưu trữ khối lượng hồ sơ giấy tờ lớn, gây tốn kém.

bo cong an bo so ho khau tiet kiem 1600 ty dong moi nam
Bộ Công an chọn lương án quản lý dân cư bằng số định danh thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Với phương án quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân, Bộ Công an cho rằng đây là xu thế tất yếu để hướng tới Chính phủ điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cư trú sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả.

Ngoài ra, sử dụng mã số định danh cá nhân kết nối từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm giảm giấy tờ. Khi làm thủ tục, người dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân.

Theo tính toán của Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản, không phải sao, chụp hoặc chứng thực bản sao từ bản chính. Giải pháp này cũng góp phần kết nối, chia sẻ thông tin dân cư giữa các ngành, lĩnh vực đời sống; là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử.

Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp từ trung ương tới địa phương có vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, vấn đề vốn cho dự án được xem là một trong những tác động tiêu cực.

Năm 2020 có thể quản lý bằng số định danh

Bộ Công an cho rằng giải pháp quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân (giải pháp 2) để thay thế sổ hộ khẩu và sổ tạm trú là phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Yêu cầu về chuẩn hóa một mã số để cấp cho mỗi công dân và điện tử hóa các thông tin về công dân là nhu cầu tất yếu trong công tác quản lý nhà nước về dân cư.

Hiện, việc xây dựng dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt được những kết quả bước đầu như hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.HCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 địa phương thông qua cấp căn cước công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh...

Bên cạnh đó, ngành công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng hệ thống tàng thư chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu. Những thông tin, tài liệu sẵn có này cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí, rút ngắn thời gian xây dựng.

“Như vậy, việc triển khai đồng bộ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi”, dự thảo báo cáo nêu.

 
tin tức liên quan