Câu trả lời cho hậu chất vấn

Ngày đăng: 09:57 30/10/2018 Lượt xem: 334


              CÂU TRẢ LỜI CHO HẬU CHẤT VẤN

 
                                        Nguồn:Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân


Từ hôm nay (30-10), Quốc hội bắt đầu 3 ngày tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Với những kỳ họp trước đây, thường có 4 “tư lệnh” ngành được chọn “cứng” để đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH); các “tư lệnh” ngành khác tham gia trả lời phần có liên quan tới mình, và Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó thủ tướng sẽ trả lời bao quát, làm rõ các vấn đề được nêu.

 

Lần này thì khác. Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV. Nghĩa là Quốc hội sẽ rà soát lại xem các vấn đề mà ĐBQH đại diện cho cử tri và nhân dân cả nước đặt ra từ các kỳ trước, được các “tư lệnh” ngành hứa hẹn, giải quyết tới đâu. Tất cả thành viên Chính phủ đều sẵn sàng ngồi “ghế nóng” để trả lời nội dung có liên quan tới phạm vi trách nhiệm của mình.

Trong những lần chất vấn trước đây, cử tri rất quan tâm đến việc hậu chất vấn, nghĩa là hiệu quả của hoạt động chất vấn, việc thực hiện các lời hứa của các bộ trưởng trước Quốc hội và cử tri cả nước. Bởi thực tế cho thấy, cũng có những vị bộ trưởng trả lời chất vấn rất nuột nà, thậm chí hùng hồn, hứa hẹn sẽ thay đổi nhiều thứ. Nhưng sau đó thì hiệu quả thực hiện không được bao nhiêu.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội liên tục có những đổi mới, theo hướng hỏi nhanh, đáp gọn, đi thẳng vào vấn đề. Chất vấn không phải là để các bộ trưởng rề rà, báo cáo thành tích, hay trả lời vòng vo nhằm kéo dài thời gian, né trách nhiệm; mà chất vấn là để bộ trưởng và các ĐBQH cùng nhau tìm ra được nguyên nhân và hướng giải quyết đối với những vướng mắc trong các ngành, các lĩnh vực; đặc biệt là tháo gỡ những trở ngại về cơ chế, chính sách; huy động sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, địa phương với những vấn đề khó. Như thế, chất vấn tại Quốc hội không phải là mối nguy mà đó là cơ hội cho các “tư lệnh” ngành.

Rõ ràng, trong thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã thúc đẩy các hành động trên thực tế của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Điều này cử tri và nhân dân đã có thể nhận thấy được. Ví dụ, thực hiện nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, lĩnh vực công thương đã rà soát tổng thể, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ. Đến nay, 2/6 nhà máy trước đây thua lỗ đã bước đầu có lãi, một nhà máy vận hành trở lại trên tổng số 3 nhà máy bị dừng sản xuất kinh doanh. Lĩnh vực y tế đã đạt nhiều thành tựu: Thủ tục hành chính được cải cách mạnh mẽ, thái độ phục vụ của nhân viên y tế tốt hơn, công nghệ thông tin được đẩy mạnh ứng dụng trong khám, chữa bệnh... Sau hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tư, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn của hệ thống tín dụng. Thời gian qua, tín dụng đã tăng trưởng đều, tập trung vào các ngành sản xuất, phục vụ xuất khẩu; mặt bằng lãi suất ổn định đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế... 

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ sáu này, cử tri và nhân dân tiếp tục gửi gắm rất nhiều nguyện vọng, mong muốn tới Quốc hội, tới Chính phủ. Chính vì thế, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội được bắt đầu từ ngày hôm nay sẽ là dịp để các ĐBQH và các thành viên Chính phủ cùng nhau tạo ra hiệu quả giải quyết công việc chung trên tất cả các lĩnh vực. Điều mà cử tri và nhân dân quan tâm không chỉ là những câu hỏi sắc sảo của ĐBQH hay những câu trả lời đầy đặn, nắm chắc vấn đề của thành viên Chính phủ, mà là từ đó, phải được chuyển hóa thành những hành động mang lại hiệu quả trên thực tế.

HỒ QUANG PHƯƠNG

 
tin tức liên quan