Khẳng định sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Ngày đăng: 02:43 05/11/2018 Lượt xem: 427


     Khẳng định sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP


                                         Nguồn:Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân

 
Đó là ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, vào sáng 5-11. Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại tổ vào sáng 2-11.

 

Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan; khẳng định việc ký kết, gia nhập, phê chuẩn Hiệp định CPTPP là một quyết định quan trọng, thể hiện cam kết hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; khẳng định vai trò, vị trí của nước ta trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương và sẽ là cơ sở gia tăng sự tin cậy, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do khác, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).  

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần chủ động, có đề án rà soát sửa đổi các luật có liên quan, bảo đảm cho thực thi Hiệp định CPTPP có hiệu quả, phát huy hết các cơ hội kinh doanh, tránh các rủi ro; đồng thời tận dụng tối đa việc liên kết toàn diện về cả kinh tế, môi trường, giáo dục-đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, văn hóa, chính sách xã hội, bảo đảm quyền của công nhân, người lao động và đặc biệt cần chăm lo, tổ chức công đoàn Việt Nam hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn; bảo đảm môi trường kinh doanh, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thêm về xây dựng chương trình hành động thực  thi Hiệp định, nhất là các nội dung liên quan đến việc ứng phó, xử lý các thách thức, việc xử lý những vấn đề phát sinh. Cùng với đó, cần coi trọng công tác tuyên truyền tới toàn xã hội về Hiệp định, đặc biệt là đến các doanh nghiệp về những cam kết mới khi Hiệp định có hiệu lực.

Cần kiểm soát được phòng vệ thương mại 

Nhấn mạnh về tính “toàn diện” và “tiến bộ” của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phân tích, Hiệp định CPTPP quan tâm đến tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội, kể cả các khu vực yếu thế, bảo vệ người lao động, bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, quan tâm để tất cả người dân được hưởng lợi từ việc ký kết hiệp định... Tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam nhận được nhiều cơ hội, bởi thị trường 11 quốc gia là một thị trường lớn, với GDP 11.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu, tổng kim ngạch thương mại 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Từ đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, xuất khẩu của nước ta chắc chắn sẽ tăng song cũng lưu ý, đây là một thị trường khó tính, nên sẽ đặt ra những yêu cầu về công nghệ cũng như về năng suất lao động, an toàn thực phẩm. Đại biểu nhấn mạnh, Hiệp định sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là những nước lớn với công nghệ tốt như Canada, Australia, New Zealand vào nước ta; đồng thời, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo công ăn việc làm; thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế một cách nhanh hơn, mạnh hơn nữa....

Tuy nhiên, đại biểu đặt câu hỏi, tại sao các nước lại mời Việt Nam tham gia vào Hiệp định này từ năm 2010, khi mà thu nhập bình quân đầu người của ta chỉ vào khoảng 2.385 USD, còn bình quân của các nước là 30.000 USD? Đại biểu phân tích, đó là do họ đã nhìn thấy tiềm năng của nước ta trong việc đẩy nhanh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tái cơ cấu, nâng cao cách quản lý của doanh nghiệp nhà nước... "Nhưng điểm quan trọng nhất là thị trường 95 triệu dân của nước ta; trong 500 triệu dân của khu vực này thì tổng dân số của Mexico, Nhật Bản và Việt Nam là 350 triệu dân, chiếm 70% dân số. Do đó, thị trường dân số của nước ta là thị trường tiêu thụ lớn", đại biểu nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo đại biểu, đây cũng là thách thức không nhỏ khi tham gia Hiệp định. Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ cần tăng cường đánh giá kỹ lưỡng thách thức, rủi ro khi tham gia Hiệp định, theo đó, cần kiểm soát được phòng vệ thương mại tránh việc nhập siêu như khi gia nhập WTO... Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, thách thức, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhấn mạnh đến những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam sau khi tham gia Hiệp định CPTPP. Nhấn mạnh CPTPP không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật thuế quan thương mại, mà còn xử lý những lĩnh vực mới phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ...Bên cạnh đó, Hiệp định còn đặt ra yêu cầu cao về minh bạch hóa các quy định về bảo hộ, sở hữu trí tuệ cũng như các nguy cơ tranh chấp... “Điều này là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam”, đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, không chỉ xảy ra ở thị trường các nước tham gia hiệp định, mà còn diễn ra tại thị trường trong nước. Tham gia CPTPP nghĩa là phải mở cửa thị trường với các nước đối tác, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh gay gắt hơn ngay tại sân nhà. Điều này sẽ gây ra không ít áp lực đối với hàng hóa Việt Nam trong việc cạnh tranh đối với các quốc gia khác ngay tại thị trường trong nước....

Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan đánh giá thêm tác động, thách thức khi tham gia CPTPP; đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của các Hiệp định thương mại tự do FTA đã ký và đã có hiệu lực; xây dựng kế hoạch chương trình hành động thực hiện hiệp định; rà soát các văn bản bảo đảm việc thực thi Hiệp định từ ngày 30-12 tới.

Xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Hiệp định CPTPP một cách chủ động

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội. Sau khi Hiệp định được phê chuẩn, Chính phủ sẽ có kế hoạch triển khai thực thi Hiệp định này.

Về việc đánh giá tác động của Hiệp định, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong quá trình đàm phán, Chính phủ đã tổ chức nhiều hình thức để lấy ý kiến rộng rãi của các hiệp hội cũng như các ngành hàng, các doanh nghiệp-những đối tượng chịu tác động trực tiếp của Hiệp định. Sau khi đàm phán xong, Chính phủ đã đưa lên mạng toàn văn Hiệp định để lấy ý kiến tham gia của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của Hiệp định CPTPP. Sau khi đàm phán, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đánh giá định lượng về tác động của Hiệp định này đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và tổng quát, cũng như tác động đến sản xuất trong nước. Ngoài ra, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng có nghiên cứu, đánh giá rất sâu về CPTPP cũng như tác động đối với nền kinh tế Việt Nam...

Nhấn mạnh “Lợi ích cốt lõi của Việt Nam được bảo đảm”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, trong quá trình thực thi hiệp định, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành thường xuyên đánh giá tác động của Hiệp định đến tổng thể nền kinh tế của nước ta để xây dựng các giải pháp điều hành phù hợp. Sau khi phê chuẩn Hiệp định, Chính phủ đã có báo cáo đưa ra những định hướng cơ bản cho việc thực hiện Hiệp định; đồng thời chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Hiệp định một cách chủ động.

Thay mặt Ban soạn thảo, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để chuẩn bị Nghị quyết, trình Quốc hội có thể thông qua được vào ngày 12-11 tới.

Đến thời điểm hiện tại, có 6/11 quốc gia ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã phê chuẩn Hiệp định, bao gồm Mexico, Nhật Bản, Canada, New Zealand, Singapore, Australia.

Đối với Việt Nam, Chính phủ đề xuất Hiệp định CPTPP và các văn kiện kèm theo được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6 này.
tin tức liên quan