Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ: Mỹ không thể đối phó Trung Quốc theo kiểu thời chiến tranh lạnh
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ:
Mỹ không thể đối phó Trung Quốc theo kiểu thời chiến tranh lạnh
Nguồn:Báo Điện tử
Sự ra đời của Chiến lược Ấn - Thái thực chất là một nước cờ để kiểm soát, đối kháng một Trung Quốc trỗi dậy thiếu hòa khí?
Cách đây một năm, ngày 10/11/2017, tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục đề cập đến cụm từ “khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương” với mong muốn xây dựng một khu vực tự do, rộng mở. Tiếp đó, “Chiến lược An ninh quốc gia” công bố ngày 18/12/2017 của Mỹ cũng đánh giá đây là khu vực địa chiến lược quan trọng nhất, và đưa lên phần đầu trong “Chiến lược An ninh quốc gia Hàng đầu của Mỹ”.
Như vậy, chiến lược Ấn-Thái có tầm quan trọng như thế nào? An ninh châu Á sẽ ra sao nếu tứ giác kim cương hình thành và phát triển? Và sau một năm qua đi, chiến lược này đã có những bước tiến nào?
Mặt khác, Trung Quốc đang hiện thực hóa tham vọng trở thành một cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu với Chiến lược Một vành đai - Một con đường. Sự ra đời của Chiến lược Ấn - Thái thực chất là một nước cờ để kiểm soát, đối kháng Trung Quốc?
“Nóng” lên cùng sự trỗi dậy của Trung Quốc
Tiền thân của thuật ngữ “Ấn-Thái” là cụm từ chỉ khu vực địa sinh học, bao gồm các vùng biển ở Ấn Độ Dương, tây-trung Thái Bình Dương và các vùng biển nối dài hai đại dương.
Chiến lược gia hàng hải kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Hàng hải Quốc gia New Delhi, Tiến sĩ Gurpreet S. Khurana, là người đã đưa cụm từ “Chiến lược Ấn-Thái” lần đầu tiên đến với công chúng. Trong bài viết trên tờ Washington Post, ông cho rằng “Ấn-Thái” có nghĩa là Ấn Độ, Mỹ và các nền dân chủ lớn ở châu Á trong đó quan trọng nhất là Nhật Bản và Úc sẽ tham gia vào việc kiềm chế Trung Quốc từ khi đất nước này “cải cách mở cửa” những năm 1980.
Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe trước Nghị viện Ấn Độ năm 2007 cũng nhấn mạnh mong muốn hợp tác ở khu vực này. Ông khẳng định đây là khớp nối năng động cho sự tự do và thịnh vượng về hàng hải: một “châu Á rộng lớn hơn” sẽ phá vỡ ranh giới địa lý; một Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương quy tụ sẽ đảm bảo cho sự mở rộng và phong phú của các vùng biển này.
|
Hình ảnh từ một cuộc tập trận Malabar giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản |
Tuy nhiên, ý tưởng trên không thu hút được nhiều sự quan tâm của cả ba nước Mỹ, Ấn Độ và Úc. Chỉ đến năm 2010, trước sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và John Kerry mới đề cập đến cụm từ này qua việc xây dựng “Hành lang Kinh tế Ấn-Thái” nối Nam Á và Đông Nam Á lại với nhau.
Cũng vào năm 2010, Daniel Twining đã có bài phát biểu với chủ đề "các nước phương Tây bằng cách nào để phát huy các giá trị và lợi ích tại khu vực Ấn - Thái". Trong đó ông chỉ ra, khi mà vị thế của Mỹ trở nên thoái trào thì nền kinh tế, quân sự của Trung Quốc lại không ngừng được củng cố và phát triển. Nhằm tránh để thế giới rơi vào trật tự do Trung Quốc nắm giữ luật cuộc chơi, các nước dân chủ phương Tây nên liên minh hợp tác, cùng đứng lên để xây dựng một trật tự mới.
Khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” và “Hành lang Kinh tế Ấn-Thái” được hồi sinh thì thuật ngữ này mới trở nên phổ biến và được giới nghiên cứu quan tâm “đào xới”.
Ngày 07/11/2016, cố vấn chính sách ngoại giao của chính quyền Trump, ông Peter Navarro trong báo cáo về “Chính sách Ngoại giao” của Mỹ đã đưa ra chính sách “Hòa bình Thông qua Sức mạnh”. Chính sách này nhấn mạnh việc Mỹ cần phải chú trọng hơn nữa vào việc xây dựng lực lượng hải quân và quân đội tinh nhuệ tại khu vực này, tiếp tục duy trì, bảo đảm trật tự và tự do tại châu Á nói chung và khu vực Ấn-Thái nói riêng.
Còn theo ông Alex Wong, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, một “Ấn-Thái tự do và rộng mở” nghĩa là các nước sẽ được tự do phát triển theo những định hướng riêng, tự do trong quản lý điều hành. Đồng thời mở rộng về cơ sở hạ tầng, đầu tư trong khu vực cũng như thúc đẩy thương mại dịch vụ.
Việc giữ vững trật tự ổn định thông qua hệ thống pháp luật cũng sẽ được đề cao, nhất là về vấn đề tranh chấp lãnh hải. Liên minh bốn nước sẽ thúc đẩy hợp tác nhiều mặt tại khu vực, trong đó hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ là một trong những mắt xích quan trọng trong việc tạo đối trọng với Trung Quốc.
Ngoài ra, “Chiến lược An ninh quốc gia” cũng ngầm cho rằng Trung Quốc sẽ là kẻ cạnh tranh và thách thức Mỹ tại hai khu vực này trong một tương lai không xa. Vì vậy, Mỹ cần tìm kiếm sự hợp tác và ủng hộ từ đồng minh của mình như Nhật Bản, Úc, New Zealand, Ấn Độ… Trong đó đặc biệt quan trọng và ưu tiên hàng đầu là sự hợp tác giữa Mỹ với Úc, Nhật và Ấn Độ.
Đích đến trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc
Một điều quan trọng cần phân tích và quan sát đó là Trung Quốc đang vươn lên và bứt phá ngày càng mạnh mẽ về nhiều mặt. Chính sự trỗi dậy cả về kinh tế lẫn quân sự trong những năm gần đây đã khiến Trung Quốc không ngừng mở rộng sức ảnh hưởng của mình trên thế giới và khu vực.
Không chỉ các nước trong khu vực Ấn-Thái ngày một lo lắng về sự trỗi dậy thiếu hòa khí của Trung Quốc, các cường quốc trên thế giới cũng quan ngại về hành vi hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của quốc gia này.
Sự gia tăng về quân sự của chính quyền Bắc Kinh là nguyên nhân chính dẫn đến việc các quốc gia trong vùng lao vào cuộc chạy đua vũ trang và đẩy căng thẳng tại khu vực lên cao. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính để ý tưởng Chiến lược Ấn-Thái ra đời. Chiến lược này sẽ là cơ hội giúp các nước liên kết lại với nhau, tạo đối trọng với một Bắc Kinh đang trỗi dậy mạnh mẽ nhưng thiếu hoà khí.
Theo Michael Auslin, giáo sư tại Đại học Stanford, để duy trì trật tự ở khu vực Ấn-Thái đồng thời hạn chế tối đa xảy ra xung đột, Mỹ phải tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở khu vực này. Tiếp tục củng cố và xây dựng quan hệ đồng minh với các quốc gia dân chủ là cách để bảo đảm sự tự do, mở cửa. Có thể nói ổn định của khu vực Ấn-Thái phụ thuộc rất nhiều vào sự hiện diện và phát triển quân sự của Mỹ. Sự thịnh vượng, hòa bình của Ấn-Thái và thế giới có liên hệ mật thiết với Mỹ và đồng minh tại khu vực này.
Theo ông Bobert Kaplan thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh quốc gia Mỹ, vai trò của Mỹ yếu đi đồng nghĩa với trật tự tại khu vực biển Ấn Độ Dương sẽ bị đa cực hóa. An ninh, an toàn hàng hải, sự phát triển của kinh tế và hệ thống quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn giản, Ấn Độ Dương vẫn là đích đến trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc.
Khi vai trò của Mỹ suy giảm hoặc không được coi trọng, Trung Quốc sẽ nhanh chóng thiết lập ảnh hưởng của mình tại vùng biển này. Vì vậy, Mỹ nên tiếp tục tăng cường lực lượng hải quân tại khu vực này, đồng thời phải tìm cách đẩy mạnh hợp tác hơn nữa với các quốc gia đồng minh tại khu vực.
Ngoài ra, Tiến sĩ Ashley J. Tellis cũng cho rằng, cách đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc theo kiểu chiến lược trong thời kỳ chiến tranh lạnh đã không còn giá trị. Mỹ phải tìm cách nâng đỡ sức chiến đấu và tiềm lực kinh tế của các quốc gia xung quanh Trung Quốc, trong đó cần ưu tiên đối với Ấn Độ.
Nhìn dưới góc độ địa chính trị, Mỹ cần tìm cách ngăn chặn sức ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc tại khu vực. Bên cạnh đó, cần nâng cao tính hiệu quả trong hợp tác quân sự, kinh tế và quốc phòng đối với các quốc gia đồng minh truyền thống. Nhanh chóng thiết lập cơ chế hợp tác của “tứ giác kim cương”. Ngoài ra, Mỹ cần mở rộng hợp tác với các quốc gia khác trong vùng.
(Còn tiếp)
Nguyễn Tăng Nghị - Uông Thị Uyên