"Đừng tưởng Thủ tướng không biết vấn đề này".

Ngày đăng: 04:29 21/11/2018 Lượt xem: 497

 "Đừng tưởng Thủ tướng không biết vấn đề này"

 
 
 

 

Thủ tướng chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Chínhphu).
Thủ tướng chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Chínhphu).

Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sáng 21/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định doanh nghiệp Nhà nước là những "ông lớn, bà lớn" rất quan trọng trong nền kinh tế với tổng tài sản trên 3 triệu tỷ đồng, vốn 1,5 triệu tỷ đồng.

"DNNN có cần thiết cho sự phát triển của đất nước hay không, rất cần thiết. Không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nước như Trung Quốc, Singapore… DNNN đóng vai trò điều tiết quản lý nền kinh tế. Không thể giải tán vai trò của DNNN", Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định vai trò của DNNN nhưng người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại của khối doanh nghiệp này.

Theo Thủ tướng, trong quá trình cổ phần hoá, giai đoạn nào cũng có thất thoát dù về sau đã chấn chỉnh kịp thời.

"Thủ tướng, Phó Thủ tướng bớt lo vì có Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhưng trách nhiệm cuối cùng thì vẫn là Thủ tướng. Ủy ban đi vào hoạt động thì quản lý làm sao cho doanh nghiệp phát triển, xứng tầm vai trò chủ đạo của đất nước, không phải quản lý để nó teo tóp đi", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho rằng, đối với doanh nghiệp Nhà nước, người điều hành phải quyết tâm, có quan điểm rõ ràng, giữ nguyên đường lối thể chế.

"Ví dụ như Xưởng phim, Cảng Quy nhơn có nhiều vấn đề khi cổ phần hóa. Bán cảng lớn như Cảng Quy Nhơn không bằng cho không. Phải xứ lý người vi phạm, tại sao không xử lý. Phải xử để lập lại kỷ cương nhà nước", ông nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, thời gian qua, chúng ta đã tiến hành đổi mới, nâng cao hoạt động DNNN đạt nhiều hiệu quả, ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Theo đó, giảm số lượng DNNN xuống từ 12.000 còn khoảng 600, cạnh tranh bình đẳng hơn trong các khối sản xuất kinh doanh. "Nhiều ý kiến cho rằng ông nhà nước lo gì đâu, nhưng thực ra anh em rất vất vả", ông nói.

Về tình trạng sân sau, Thủ tướng thẳng thắn: "Có ông không chỉ một sân sau mà còn hai, ba thậm chí là 13-14 sân sau. Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau buôn bán nguyên vật liệu. Đừng nói Thủ tướng không biết vấn đề này".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một thực trạng ở nhiều đơn vị là sau những cuộc thanh tra, các hoạt động bị dừng lại và không ai làm việc gì. "Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải chặt chẽ, đúng quy định nhưng cần đảm bảo doanh nghiệp hoạt động bình thường, tạo điều kiện cho phát triển. Cần phải thanh kiểm tra để chấn chỉnh, chứ không phải là khởi tố hay suy đoán vô căn cứ", Thủ tướng nói.

"Doanh nghiệp tinh thần chỉ bàn chuyện cũ, đối phó, lo lắng, sợ trách nhiệm. Nếu địa phương A, B có chuyện này mà dừng lại thì tụt hậu. Tập đoàn, Tổng công ty nếu không vươn lên sẽ rớt đà trong chiều hướng phát triển. Người đứng đầu vô cùng quan trọng. Anh sắp nghỉ thì làm sơ sơ, anh đang được quy hoạch thì “im lặng là vàng”. Chống tham nhũng là việc phải làm, còn công việc của các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục", ông nhấn mạnh.

Ông cũng chỉ ra tình trạng nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt nền kinh tế, đi đầu công nghệ. Trong đó, có trường hợp không ít tập đoàn nhiều năm không khởi công, không đầu tư gì.

"Nhưng không ai mặc áo quá đầu, không đầu tư thì sao phát triển được", Thủ tướng đặt câu hỏi và chỉ ra nguyên nhân là do doanh nghiệp chấp hành kỷ luật chưa nghiêm, tư tưởng e ngại, tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hoá, Tư tưởng yên vị kìm hãm tiến độ đổi mới, lợi ích nhóm, tham nhũng cá nhân.

"DNNN còn thụ động, người ta đi hết rồi mình mới đi, mình phải đi trước. Đằng này mình đi sau cùng", ông nói.

Về tham nhũng tiêu cực, khởi tố lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty tại các địa phương liên quan, người đứng đầu Chính phủ chỉ ra nguyên nhân do buông lỏng quản lý nhà nước, lỗi chủ quan, tham nhũng tiêu cực lớn. Do đó, cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm phòng chống tham nhũng tiêu cực, Chính phủ chủ động chỉ đạo tập trung khăc phục.

Phương Dung


tin tức liên quan