Kỷ vật hiếm 44 năm mới thấy về 'Tiểu đội thép' Truông Bồn

Ngày đăng: 02:37 28/11/2018 Lượt xem: 475


    Kỷ vật hiếm 44 năm mới thấy về 'Tiểu đội thép' Truông Bồn



                                                   Nguồn:Báo Điện tử Tiền Phong


 Hai tháng trước khi các thanh niên xung phong (TNXP) Truông Bồn anh dũng hy sinh, nhà báo Phùng Triệu chụp “Tiểu đội thép” đang san lấp hố bom. Sau 44 năm, phim mới được tìm thấy và ảnh được tặng cho Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông - người duy nhất sống sót của “Tiểu đội thép” anh hùng...

 

“Tiểu đội thép” Truông Bồn đang san lấp hố bom. Ảnh: Phùng Triệu
“Tiểu đội thép” Truông Bồn đang san lấp hố bom. Ảnh: Phùng Triệu

Dịp kỷ niệm 47 năm ngày hy sinh của các TNXP “Tiểu đội thép” Truông Bồn (31/10/1968), tôi đến gặp nhà báo Phùng Triệu để tìm hiểu về bức ảnh hiếm có mà ông đã chụp trong những tháng ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến tại địa danh lịch sử Truông Bồn. Nhớ lại chuyện xưa, nhà báo Phùng Triệu bồi hồi: “Đây là kỷ vật duy nhất của tôi về “Tiểu đội thép” anh hùng. Thời đó tôi mới bước vào nghề báo, nhưng đó lại là một trong số ít kiểu phim quý giá nhất mà tôi có được trong quãng thời gian hơn 40 năm cầm máy của mình”.

Ký ức Truông Bồn

Tháng 2/1968, sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo phóng viên, Phùng Triệu được Bộ Biên tập Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) cử vào thường trú tại Nghệ An. Đạp xe từ Hà Nội, sau bốn ngày vượt qua nhiều điểm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, Phùng Triệu vào đến Nghệ An. 

“Khi đó, Phân xã đóng tại xã Hiến Sơn (huyện Đô Lương), cách trọng điểm Truông Bồn (xã Mỹ Sơn, Đô Lương) chừng 3 km đường chim bay. Truông Bồn là một đèo dốc quanh co dài chừng 5 km trên đường 15A, tuyến đường huyết mạch quan trọng bậc nhất của hậu phương miền Bắc tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Tại trọng điểm Truông Bồn, hầu như không ngày nào ngớt tiếng bom Mỹ dội”, nhà báo Phùng Triệu cho biết.

Rồi ông kể, tháng 5/1968, lần đầu tiên ông được đến trọng điểm Truông Bồn. Tại đây, Phùng Triệu gặp và trò chuyện các thành viên của Tiểu đội 2, C317 (Tổng đội TNXP Nghệ An) do chị Trần Thị Thông làm Tiểu đội trưởng.

“Vào thời điểm đó, các chị, các anh ở lứa tuổi 20, người trẻ nhất mới qua tuổi 17. Họ đã cùng nhau vượt qua sự khốc liệt của chiến trường khi ban ngày phải phơi mặt dưới dưới ánh nắng chói chang và cái nóng hầm hập của gió Lào để lấp hố bom, san đường mở lối. Đêm đến, tiểu đội phải điều hành, cảnh giới, thậm chí trở thành cọc tiêu sống để hướng dẫn cho những đoàn xe vượt trọng điểm chở hàng ra tiền tuyến. Không ít lần, các TNXP xả thân cứu người, cứu xe, cứu hàng khi xe ta trúng bom đạn của Mỹ. Tiểu đội 2 khi ấy được gọi là “Tiểu đội thép”, thà hy sinh chứ quyết không để đường bị tắc, xe bị ùn tại trọng điểm Truông Bồn”, nhà báo Phùng Triệu bồi hồi nhớ lại.

Tháng 8/1968, Phùng Triệu trở lại Truông Bồn gặp “Tiểu đội thép” để viết bài cho ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Phùng Triệu dùng máy ảnh Rolleiflex (dùng phim cỡ lớn 6x6cm) chụp ở các góc độ khi “Tiểu đội thép” Truông Bồn đang san lấp hố bom. Chụp xong, thấy cả tiểu đội vẫn tập trung làm việc, Phùng Triệu nói: “Các anh chị tập trung lại đôi chút để tôi chụp một kiểu ảnh làm kỷ niệm”. Khi đó, tiểu đội ai cũng thích, duy có Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông lại lưỡng lự. Chị cảm ơn anh rồi nói: “Có hai lý do không nên chụp ảnh lúc này. Một là phải nhanh chóng lấp hố bom để thông xe, hai là nhà báo xong nhiệm vụ thì nên rời khỏi trọng điểm để bảo đảm an toàn”. Rồi chị nói: “Anh có làm sao thì chị em không gánh nổi trách nhiệm và lại có tội lớn với cha mẹ ở ngoài Bắc”. Nghe vậy, Phùng Triệu đành đóng máy, hứa sẽ rửa một kiểu ảnh vừa chụp để sau này tặng tiểu đội.

Về Phân xã, trước khi gửi phim ra cơ quan tại Hà Nội, Phùng Triệu bớt lại kiểu cuối cùng để rửa ảnh tặng “Tiểu đội thép” như đã hứa. Ngày ấy, việc phóng viên tự bớt phim tài liệu có thể bị kỷ luật, nhưng Phùng Triệu vẫn liều. Tuy nhiên, khi Phùng Triệu chưa kịp rửa ảnh thì anh hay tin hầu hết thành viên “Tiểu đội thép” đã hy sinh.

Tìm hiểu sự việc, Phùng Triệu biết “ngày định mệnh” đó thật đau đớn. Khoảng 4 giờ sáng ngày 31/10/1968, tất cả 14 chiến sĩ của “Tiểu đội thép” nhận lệnh ra hiện trường để san lấp hố bom. Sau hai giờ, các chiến sĩ cơ bản lấp xong các hố bom, chỉ còn rải đá hộc vào những chỗ đất ướt để xe khỏi bị trơn trượt là hoàn thành. Đúng lúc đó, hơn 6 giờ sáng, một tốp máy bay Mỹ ném bom đúng chỗ tiểu đội đang thực hiện nhiệm vụ. Khi khói bom tan, lực lượng cứu hộ của đơn vị bạn đến nơi thì chỉ thấy những hố bom chằng chịt và sự im lặng đến rợn người. 

Cảm giác ban đầu của mọi người là cả tiểu đội đã hy sinh. Sau đó, trong quá trình tìm kiếm, có người phát hiện một nòng súng trồi lên hố bom. Mọi người vội đào bới và cứu được một nữ TNXP gần như tắt thở vì ngạt. Họ sơ cứu rồi đưa nữ TNXP đó đến bệnh viện dã chiến gần đó để cứu chữa. Nữ TNXP đó là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông. 

“Trong số 13 TNXP hy sinh hôm đó, có 11 nữ và 2 nam. Vài thành viên của Tiểu đội đã nhận giấy báo của trường, chờ hết nhiệm vụ là nhập học. Có hai người trong Tiểu đội yêu nhau, chuẩn bị làm đám cưới. Vậy mà họ đã vĩnh viễn nằm lại lòng đất mẹ...”, nhà báo Phùng Triệu nghẹn ngào nói.

Tìm thấy kỷ vật sau 44 năm

Sau đó, phần vì hầu hết các thành viên “Tiểu đội thép” Truông Bồn đã hy sinh, phần vì phóng viên chiến trường phải đi lại nhiều nơi, Phùng Triệu chưa có dịp nhớ về tấm phim mình đã chụp năm nào. Đến khi nhớ, anh lại không biết đã để tấm phim ở đâu mà tìm mãi không ra. Trở lại cơ quan, Phùng Triệu tìm cuộn phim trước đây mình gửi ra nhưng cũng không thấy.

Kỷ vật hiếm 44 năm mới thấy về ''Tiểu đội thép'' Truông Bồn - ảnh 1

Nhà báo Vũ Văn Cảnh trao bức ảnh “Tiểu đội thép” Truông Bồn san lấp hố bom cho cựu TNXP Trần Thị Thông. Ảnh: Sỹ Minh

Cuối tháng 10/2012, khi nhiều cơ quan, tổ chức có các hoạt động kỷ niệm 44 năm ngày hy sinh của các anh hùng liệt sĩ Truông Bồn, Phùng Triệu lại day dứt nhớ đến tấm phim mà mình chụp năm xưa. Ông lại lục tìm khắp nhà, rồi lật giở những cuốn sách về Nghệ An mà mình đã để riêng một nơi. Và như có sự run rủi nào đó, khi lần giở cuốn thơ của cố thi sĩ Trần Hữu Thung (tác giả bài thơ “Thăm lúa”), Phùng Triệu mừng rỡ khi tìm thấy tấm phim về các TNXP Truông Bồn. Lúc đó, Phùng Triệu mới nhớ lại, đầu năm 1969, khi đến thăm nhà thơ Trần Hữu Thung, ông được tặng cuốn thơ này, rồi sau đó kẹp tấm phim vào đó rồi lỡ quên.

Kể đến đây, Phùng Triệu mở tủ lấy tấm phim và chiếc máy ảnh Rolleiflex mà mình đã chụp các cựu TNXP Truông Bồn năm xưa để cho tôi xem. Chiếc Rolleiflex từng được Phùng Triệu sử dụng trong nhiều năm làm báo, đến khi nghỉ hưu, ông được cơ quan tặng lại để làm kỷ niệm. Tấm phim hồi đó được Phùng Triệu để trong bao nên may không bị hỏng. Khoác chiếc máy ảnh bên hông, Phùng Triệu cầm phim ra chỗ sáng rồi giơ lên ngắm với cảm xúc khó tả. “Phim bị mốc lẫn xước đôi chỗ, nhưng cơ bản vẫn rõ hình ảnh. Trong ảnh, 14 thành viên của “Tiểu đội thép” Truông Bồn đều có mặt”, ông nói.

“Khoảnh khắc vàng”

Tìm được phim, Phùng Triệu muốn công bố bức ảnh, coi đó như một cách thức để ông thực hiện lời hứa năm xưa với “Tiểu đội thép” Truông Bồn. Tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam số tháng 11/2012 trang trọng công bố bức ảnh này. Đây được xem là bức ảnh hiếm có thể hiện sinh động hình ảnh của “Tiểu đội thép” Truông Bồn huyền thoại.

Kỷ vật hiếm 44 năm mới thấy về ''Tiểu đội thép'' Truông Bồn - ảnh 2

Nhà báo Phùng Triệu xem lại tấm phim được tìm thấy sau 44 năm. Ảnh: Kiến Nghĩa

Tiếp đó, ngay tháng 11/2012, một sự ngẫu nhiên khác lại diễn ra. Nhà báo Vũ Văn Cảnh, khi đó là Tổng Biên tập tạp chí Nhiếp ảnh Việt Nam, kể với nhà báo Phùng Triệu việc ông gặp bà Trần Thị Thông. Khi đó, báo Nghệ An tổ chức trao giải cuộc thi “Khoảnh khắc vàng” lần thứ nhất và mời nhà báo Vũ Văn Cảnh tới dự. Bức ảnh đoạt giải nhất năm đó của báo Nghệ An chụp khoảnh khắc bà Trần Thị Thông gặp lại người cứu sống mình năm xưa. 
Tại lễ trao giải, bà Trần Thị Thông được mời tham dự. Trước sự việc này, sau khi hỏi ý kiến nhà báo Phùng Triệu, bức ảnh về “Tiểu đội thép” Truông Bồn lấp hố bom năm xưa nhanh chóng được phóng to, đóng khung trang trọng. Và tại lễ trao giải, nhà báo Vũ Văn Cảnh thay mặt tác giả Phùng Triệu trao tặng bức ảnh cho cựu TNXP Trần Thị Thông.

“Nhận bức ảnh, chị Trần Thị Thông rất xúc động. Chị cảm ơn nhà báo Phùng Triệu đã chụp rồi tìm lại được tấm phim để nay chị có dịp thấy lại hình ảnh của đồng đội năm xưa”, ông Cảnh cho biết.

tin tức liên quan