10 năm chờ đợi, thực sự là khoảng thời gian khiến người hâm mộ trong nước không khỏi vỡ oà, khó mà kìm nén được nỗi mừng vui trào dâng xen lẫn tự hào. Thật hiếm có cơ hội nào để cổ động viên trên cả nước hễ cứ ra đường lạ cũng hoá quen. Những cái bắt tay chào hỏi, những cái ôm đầy xúc động, họ cùng hô lên hai tiếng “Việt Nam”.
Chỉ có điều, sau những “bữa tiệc” xuyên đêm vai sát vai, đầu sát đầu; khi niềm vui sướng hân hoan đã phần nào lắng lại… chợt nhận ra đâu đó vẫn còn có biết bao điều tiếc nuối, xót xa.
19 vụ giao thông làm 14 người chết trong ngày Việt Nam vô địch AFF Cup, trong đó, không ít trường hợp do tham gia “đi bão” – một từ mới chỉ vừa mới xuất hiện cách đây không lâu khi văn hoá xuống đường chạy xe ăn mừng trở thành phổ biến.
Mạng xã hội tràn ngập cảnh các cổ động viên trẻ tay cầm cờ, phóng xe máy với tốc độ cao nhưng không đội mũ bảo hiểm. Nhiều người đổ ra đường với tình trạng không kiểm soát được hành vi, thậm chí là… khoả thân ăn mừng. Và phổ biến hơn bao giờ hết vẫn là cảnh tượng rác thải chất đống khắp nơi.
Vui mà! Khi vui, người ta dễ tha thứ cho nhau, dễ thông cảm, và cũng dễ phạm sai lầm. Có những sai lầm có thể sửa chữa, cũng có những sai lầm không còn cơ hội sửa sai. Có điều chắc chắn rằng, xã hội sẽ tốt đẹp hơn và bớt đi chuyện buồn từ những hành động nhỏ, từ những thứ mà có người sẽ cho là vặt vãnh, cỏn con.
Rất nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên khi thấy hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với trang phục bình dị, nán lại trên khán đài tham gia nhặt rác do các cổ động viên bỏ lại sau trận chung kết ở Mỹ Đình. Một hành động rất đỗi đời thường nhưng đủ khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về văn hoá ứng xử nơi công cộng của bản thân.
Ngay như các cầu thủ với tuổi đời còn rất trẻ, với sự hồn hậu, vô tư, họ đã lan toả thông điệp về tinh thần đồng đội, về sự quan tâm, trách nhiệm cộng đồng tới hàng triệu người dân trên cả nước.
Từ chiếc áo của Xuân Trường trên đó ghi tên hai cầu thủ Văn Thanh và Tuấn Anh (vắng mặt trong đội tuyển vì chấn thương), hành động Công Phượng cõng Văn Toàn rời khỏi sân cho đến việc Quế Ngọc Hải trao lại băng thủ quân cho đội trưởng Văn Quyết, người phải dự bị trong suốt trận chung kết vừa qua.
Còn nữa, đó là bức ảnh Duy Mạnh chụp ảnh cảm ơn các nhân viên cảnh sát cùng lực lượng phòng cháy chữa cháy ở sân Mỹ Đình đã bảo đảm trận đấu diễn ra an toàn; là chia sẻ của Quang Hải về việc dành tặng chiến thắng của đội tuyển như lời hứa trước đó đến bé Tom – cậu bé hai tuổi rưỡi bị ung thư não trong chương trình “Điều ước thứ 7”…
Không thể phủ nhận rằng cuộc sống vẫn còn tiêu cực, còn những chuyện xấu xa mà chúng ta cần phải dũng cảm để chiến đấu và loại bỏ, song người viết vẫn mong từ chính mỗi người với những hành động tử tế, dù là nhỏ nhất, gom góp lại… xã hội sẽ tốt đẹp hơn và bớt đi những hệ luỵ không đáng có.
Xin mượn vần thơ của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại để kết lại bài viết này:
“Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp luỹ xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh”.
Bích Diệp
PS st Theo Dân trí