Những đại gia 'kiếm đậm, thua sâu' trên thị trường chứng khoán 2018
Những đại gia 'kiếm đậm, thua sâu' trên thị trường chứng khoán 2018
Nguồn:Báo Điện tử Zing.vn
Từ việc TTCK Việt đạt đỉnh lịch sử rồi lao dốc, cho tới những thương vụ niêm yết tỷ USD... ảnh hưởng tới khối tài sản của các đại gia Việt.
Năm 2018 trở thành năm đầy biến động với các nhà đầu tư chứng khoán trong nước và thế giới. Trong bối cảnh VN-Index lập đỉnh lịch sử hơn 20 năm 1.204,33 điểm rồi lao dốc, từ tháng 4 đến nay thị trường chứng kiến nhiều cú sụt giảm "thổi bay" hàng tỷ USD trên thị trường.
Nhiều đại gia năm qua đã bị sụt giảm rất mạnh khối tài sản trên thị trường chứng khoán của mình. Trong đó, mất nhiều tiền nhất là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết với hơn 1,85 tỷ USD tài sản trên sàn chứng khoán bị thổi bay trong một năm. Vợ chồng ông lần lượt nắm giữ vị trí đứng đầu trong những người mất nhiều tiền nhất. Cùng với ông Quyết - bà Diệp từ FLC, trong danh sách 10 người tài sản trên sàn chứng khoán bốc hơi nhiều nhất năm 2018 là các ông, bà chủ của Hòa Phát, Thế giới Di động, VPBank, Phát Đạt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giảm chung của thị trường, vẫn có nhiều đại gia đi ngược xu hướng. Dẫn đầu là ông Phạm Nhật Vượng với khối tài sản chứng khoán thêm hơn 1,4 tỷ USD. Gia đình ông đóng góp 3 người trong danh sách 10 người kiếm tiền giỏi nhất trên sàn chứng khoán Việt 2018. Cùng trong nhóm này có 4 người trong gia đình lãnh đạo Techcombank, chủ tịch Novaland, bà chủ Vĩnh Hoàn và 2 gương mặt mới do doanh nghiệp mới lên sàn là lãnh đạo PVPower và Yeah1.
10 người có mức tăng lớn nhất thị trường năm qua đã có thêm 2,9 tỷ USD vào tổng tài sản của họ trong 12 tháng qua. Tuy nhiên mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với 4 tỷ USD tăng thêm trong năm 2017 trước đó.
Năm 2018 chứng kiến việc Vingroup mở rộng hệ sinh thái của mình với lĩnh vực sản xuất ôtô - xe điện, điện thoại... Việc hiện thực hóa bằng tổ hợp sản xuất xe điện và ôtô VinFast 1,5 tỷ USD đã giúp thị giá cổ phiếu Vingroup vọt lên mức cao nhất trong lịch sử vào tháng 4 vừa qua. Dù đã giảm 10% gần đây do tác động từ thị trường chung, thị giá cổ phiếu này vẫn tăng gần 60% trong năm qua.
Cùng với chồng - ông Phạm Nhật Vượng, bà Phạm Thu Hương cũng gia tăng khối tài sản của mình thêm hơn 5.560 tỷ đồng trong năm qua nhờ cổ phiếu Vingroup tăng mạnh. Năm 2018, tập đoàn bất động sản này vượt mặt Vinamilk để trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường Việt Nam. Hiện tại vốn hóa của Vingroup vào khoảng 14 tỷ USD.
Việc đưa hơn 1,16 tỷ cổ phiếu Techcombank lên sàn chứng khoán là thương vụ niêm yết lớn nhất ngành ngân hàng năm 2018. Trước khi phát hành cổ phiếu tăng vốn, Techcombank là cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất (128.000 đồng/cổ phiếu) trong ngày giao dịch đầu tiên. Tuy đã giảm hơn 20% so với đầu năm do bão hòa từ lượng cổ phiếu phát hành mới, ngân hàng vẫn giúp nhiều cổ đông ghi nhận hàng nghìn tỷ vào tài khoản chứng khoán, trong đó có bà Thanh Thủy, vợ ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank.
Sở hữu gần 5% vốn Ngân hàng Techcombank, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, mẹ ông Hồ Hùng Anh, có tên trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt. Năm 2018, khối tài sản trên sàn chứng khoán của bà Tâm lần đầu ghi nhận con số hàng nghìn tỷ đồng nhờ cổ phiếu ngân hàng này.
Là Phó chủ tịch tại Vingroup, bà Hằng cùng với chị gái mình (bà Phạm Thu Hương) là 2 người phụ nữ quyền lực nhất tại tập đoàn bất động sản này. Việc sát cánh cùng ông Phạm Nhật Vượng giúp khối tài sản bà sở hữu trên sàn chứng khoán liên tục tăng lên và chính thức vượt 10.000 tỷ đồng vào năm 2018.
Không tham gia bất kỳ hoạt động điều hành nào tại Techcombank, con trai chủ tịch HĐQT, ông Hồ Anh Minh năm nay bắt đầu tham gia nắm giữ lượng lớn cổ phiếu nhà băng, tương tự như mẹ và bà mình. Nhờ đó, tài sản trên sàn chứng khoán của Hồ Anh Minh năm nay ghi nhận con số 3.766 tỷ đồng.
PV Power, nơi ông Vũ Huy An đang là Thành viên HĐQT, đã có một năm thành công với việc là một trong ba thương vụ IPO lớn nhất ngành dầu khí trong nước. Nhờ đó, lần đầu tiên, tên ông Vũ Huy An cũng được ghi nhận trong danh sách người tăng nhiều tài sản trên thị trường chứng khoán, với khối cổ phiếu trị giá 3.490 tỷ đồng. Thu về kết quả lợi nhuận tăng mạnh năm qua nhưng do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại thế giới, và giảm giá điện, cổ phiếu PV Power đã giảm gần 20% trong năm vừa qua.
Vướng nhiều lùm xùm liên quan tới các dự án bất động sản đang triển khai, trong đó có siêu dự án lấn biển tại Đà Nẵng nhưng việc nắm giữ quỹ đất lớn và nhiều dự án tham vọng vẫn giúp cổ phiếu Novaland được giới đầu tư rót tiền. Dù đã giảm 18% từ giá đỉnh hồi tháng 4, tính từ đầu năm cổ phiếu tập đoàn bất động sản phía Nam này vẫn tăng hơn 28%. Nhờ đó, khối tài sản của ông Bùi Thành Nhơn cũng tăng 2.640 tỷ đồng trong năm 2018.
Nhờ việc đưa Yeah1 niêm yết trên sàn chứng khoán, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống ghi tên mình vào danh sách những người có mức gia tăng tài sản trên sàn lớn trong năm. Yeah1 từng nằm trong top 3 cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường (trên 300.000 đồng), tuy nhiên, vướng nhiều lùm xùm thổi giá, chuyển nhượng "lách luật" giữa các cổ đông, cổ phiếu này đã giảm gần 30% từ giá đỉnh hồi giữa tháng 11 vừa qua.
Hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, Vĩnh Hoàn cùng nhiều doanh nghiệp dệt may, thủy sản Việt đã có một năm kinh doanh lợi nhuận. Cuộc căng thẳng thương mại, cùng mức thuế POR13 cao khiến nguồn cung thủy sản cho thị trường Mỹ từ doanh nghiệp Trung Quốc sụt giảm, Vĩnh Hoàn nhanh chóng gia tăng được giá bán và mở rộng thị phần tại đây. Ngoài việc xuất khẩu cá tra đạt kỷ lục, Vĩnh Hoàn cũng ghi nhận mức lợi nhuận tăng gần 74% chỉ trong 9 tháng. So với đầu năm, cổ phiếu này đã tăng gấp đôi giá trị. Tài sản của Chủ tịch tập đoàn cũng tăng 1.450 tỷ đồng.
|
Đối lập với bức tranh sáng phía trên, danh sách 10 người "thua thiệt" lớn trên sàn chứng khoán Việt gọi tên nhiều gương mặt quen thuộc. Đứng đầu là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, người mà năm trước đó thắng lớn trên sàn chứng khoán với số cổ phiếu sở hữu trực tiếp có giá thị trường lớn hơn tài sản của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng. Thế nhưng, 2018 lại là năm u ám khi cổ phiếu FLC Faros "trượt" mạnh xuống vùng giá thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Từ doanh nghiệp nằm trong top 10 vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, FLC Faros tụt dốc giảm hơn 4 lần giá trị do kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng. 3 quý đầu năm Faros chỉ thu về hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận, chưa bằng 1/6 so với riêng quý IV năm trước đó. Tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết bốc hơi 43.130 tỷ đồng, chỉ còn 15.720 tỷ đồng.
|
Cùng với chồng mình, khối tài sản của bà Diệp tại FLC Faros sụt giảm rất mạnh năm vừa qua do cổ phiếu mất giá. Giữa lúc giá cổ phiếu xuống thấp nhất trong 2 năm, bà đã phải đăng ký bán hết lượng cổ phiếu mình nắm giữ tại doanh nghiệp của chồng. Việc giao dịch sẽ kết thúc vào đầu năm 2019.
Những lo ngại về tương lai của dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất, cùng việc tăng mạnh vay nợ để triển khai các dự án khiến Hòa Phát chịu nhiều tác động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của ông Long còn bị ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại và giá thép giảm khiến lợi nhuận ngành thép sụt giảm. Cổ phiếu này cũng thuộc nhóm dao động mạnh nhất thị trường năm qua. So với đầu năm, cổ phiếu Hòa Phát đã giảm hơn 10%, và tài sản của Chủ tịch tập đoàn, ông Trần Đình Long cũng sụt tương ứng.
Cùng khó khăn với bài toán tăng trưởng, Thế giới Di động của ông Tài cũng gặp khó khăn trong năm 2018 trong việc chọn lối đi mới cho chuỗi cửa hàng của mình. Từ việc doanh thu Bách Hóa Xanh không đạt kỳ vọng, thất bại với dự án vuivui.com, thị giá cổ phiếu Thế giới Di động đã giảm 13% so với đầu năm dù lợi nhuận vẫn tốt.
Nửa đầu năm, cổ phiếu BĐS Phát Đạt liên tục tăng giá và được xem là ngôi sao sáng của thị trường bất động sản Việt. Tuy nhiên, lợi nhuận quý II và III tăng trưởng thấp cùng với đà giảm của thị trường chứng khoán vào tháng 6 đã khiến thị giá cổ phiếu Phát Đạt giảm giá mạnh. Tính từ giá đỉnh hồi tháng 4, Phát Đạt đã giảm tới 27% giá trị, còn so với đầu năm cổ phiếu này cũng đã giảm gần 15%.
Kể từ khi công bố là cổ đông lớn sở hữu hơn 7% vốn tại Hòa Phát, bà Hiền luôn nằm trong danh sách những người có tài sản trên sàn chứng khoán lớn nhất. Tuy nhiên, khối tài sản của bà đã giảm khá nhiều do cổ phiếu Hòa Phát có một năm giao dịch không thuận lợi.
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận chậm lại, nợ xấu phát sinh lớn khiến cổ phiếu VPBank dần đánh mất vị thế của mình trong mắt giới đầu tư. Từng tăng 60% hồi tháng 4, những thông tin hoạt động kém hiệu quả đã khiến cổ phiếu VPBank giảm rất mạnh. Đến nay, thị giá VPBank đã giảm hơn 54% từ giá đỉnh và gần 27% so với đầu năm. Tài sản của lãnh đạo ngân hàng cũng sụt giảm tương ứng.
Là một trong những nhân tố quan trọng trong ban lãnh đạo của Thế giới Di động, nhưng ông Quân không nắm trực tiếp bất kỳ cổ phiếu nào. Ông lại gián tiếp sở hữu hơn 10% vốn công ty thông qua Công ty TNHH Tri Tâm của mình. Và việc cổ phiếu Thế giới Di động không đạt kỳ vọng đã khiến khối tài sản chứng khoán của ông sụt giảm trên 400 tỷ đồng.
Hoàng Huy Group của ông Hạ chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ôtô, xe máy và phụ tùng thiết bị... Những khó khăn chung của ngành ôtô nhập khẩu năm qua cùng việc thị trường xe tải hạ nhiệt, đã khiến bộ đôi cổ phiếu HHS và TCH sụt giảm đáng kể. Từ đó, khối tài sản trên sàn chứng khoán của vị đại gia đất cảng này cũng tụt hơn 230 tỷ đồng năm qua.
Là vợ của Chủ tịch Ngân hàng VPBank, bà Anh Minh cũng nắm giữ lượng lớn vốn tại ngân hàng này cùng với chồng mình. Tuy nhiên, diễn biến giảm của cổ phiếu ngành ngân hàng năm qua, đặc biệt ở VPBank, đã khiến khối tài sản bà Minh sở hữu giảm hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm.