Vướng mắc trong xét tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Ngày đăng: 08:49 04/01/2019 Lượt xem: 467


  Vướng mắc trong xét tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng


                                                       Nguồn:Báo Điện tử Nhân Dân


Phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (BMVNAH) là chính sách của Đảng, Nhà nước suy tôn, tri ân những bà mẹ đã hy sinh thầm lặng, hiến dâng cho Tổ quốc những người con ưu tú. Đến nay, gần 70 nghìn bà mẹ trong cả nước đã được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý đó. Song, theo phản ánh của bạn đọc hiện nay, vẫn còn nhiều trường hợp phải chờ đợi do vướng mắc về quy định, thủ tục.
 

 
Vướng mắc trong xét tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

Đoàn viên, thanh niên xã Vạn Hòa (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Doanh. Ảnh: Thành Phú

 

 

Trong thư gửi Báo Nhân Dân, ông Lê Công An ở thôn Trung Am, xã Lý Học (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) cho biết, mẹ ông là cụ Phạm Thị Bịp có công sinh thành và nuôi dưỡng hai người con là liệt sĩ, nhưng đến nay chưa được truy tặng danh hiệu BMVNAH. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, cụ Phạm Thị Bịp (sinh năm 1910, mất năm 1999) có con đẻ là liệt sĩ Lê Văn Nhạc, hy sinh ngày 26-4-1969 tại tỉnh Quảng Ngãi. Cụ Bịp có công nuôi dưỡng từ nhỏ liệt sĩ Lê Văn Thi, là con riêng của chồng. Kể từ ngày 9-11-1970, cụ Bịp đã được hưởng chế độ trợ cấp tiền tuất thân nhân của hai liệt sĩ Lê Văn Nhạc và Lê Văn Thi. Năm 2015, ông Lê Công An đã làm hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền xét truy tặng danh hiệu BMVNAH đối với cụ Phạm Thị Bịp nhưng đến nay chưa được giải quyết.

 

Tại văn bản trả lời Báo Nhân Dân số 3391, ngày 7-11-2018, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) TP Hải Phòng Trần Văn Huy cho biết: Khi nhận được hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu BMVNAH đối với bà Phạm Thị Bịp do UBND huyện Vĩnh Bảo chuyển đến, Sở LÐ-TB và XH thành phố đã thẩm định và có công văn bàn giao cùng 87 hồ sơ gửi đến Ban Thi đua - Khen thưởng và Sở Nội vụ TP Hải Phòng đề nghị truy tặng. Ngày 23-3-2016, UBND thành phố Hải Phòng có Tờ trình số 62 trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH đối với 87 trường hợp nêu trên. Ngày 20-9-2016, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương có Thông báo số 1863 để lại trường hợp bà Phạm Thị Bịp do không đúng đối tượng khen thưởng.

 

Ngày 5-10-2016, Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hải Phòng có công văn đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị Chủ tịch nước xét truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH đối với bà Phạm Thị Bịp. Văn bản này nêu: Theo quy định tại Khoản 4, Ðiều 3, Thông tư 03/2014 ngày 10-10-2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 56/2013 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH, trường hợp mẹ đẻ của liệt sĩ đã chết khi liệt sĩ chưa đến tuổi thành niên, mẹ kế có công nuôi dưỡng liệt sĩ và đã được hưởng trợ cấp tiền tuất của liệt sĩ thì mẹ kế được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH. Bà Phạm Thị Bịp được UBND xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng lập biên bản xác minh đã nuôi liệt sĩ Lê Văn Thi từ lúc ba tuổi đến tuổi trưởng thành, nhập ngũ, hy sinh và đã được hưởng trợ cấp tiền tuất của liệt sĩ Lê Văn Thi tại Quyết định số 1199 ngày 9-11-1970 của Ủy ban hành chính Hải Phòng. Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hải Phòng kính đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiếp tục xem xét, giải quyết hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH đối với bà Phạm Thị Bịp.

 

Ông Phạm Văn Lũy ở khu 4, phường Phong Cốc (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) là con trai cụ Ngô Thị Khương (sinh năm 1906, mất năm 2000) cũng cho biết: Cụ Ngô Thị Khương có con trai cả là ông Phạm Văn Tự, là liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và cháu đích tôn Phạm Văn Biên (con trai liệt sĩ Phạm Văn Tự) là liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Liệt sĩ Phạm Văn Tự hy sinh ngày 5-1-1949 tại chiến khu Ðông Triều (Quảng Ninh); liệt sĩ Phạm Văn Biên hy sinh ngày 12-9-1967 tại mặt trận Bình Ðịnh. Khi liệt sĩ Phạm Văn Tự hy sinh, liệt sĩ Phạm Văn Biên mới lên ba tuổi và được ông bà nội nuôi dưỡng đến khi trưởng thành rồi xung phong nhập ngũ. Liệt sĩ Phạm Văn Biên hy sinh khi mới 20 tuổi. Ngày nhận giấy báo tử cháu nội, gia đình cụ Khương rất đau buồn vì đã mất người con trai cả, giờ lại mất cháu nội, cũng là con trai duy nhất của liệt sĩ Phạm Văn Tự.

 

Khi biết tin Ðảng và Nhà nước có chính sách phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH, ông Phạm Văn Lũy rất mong được các cơ quan chức năng xem xét truy tặng danh hiệu BMVNAH đối với cụ Ngô Thị Khương. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu BMVNAH đối với bà mẹ có một con liệt sĩ và một cháu liệt sĩ. Nhiều người dân ở địa phương cho rằng, trường hợp cụ Ngô Thị Khương đã có con đẻ là liệt sĩ, lại nuôi cháu là con của liệt sĩ từ khi còn nhỏ đến tuổi trưởng thành, tham gia cách mạng và hy sinh thì rất xứng đáng được truy tặng danh hiệu cao quý BMVNAH.

 

Hai trường hợp nêu trên không phải là cá biệt. Hiện nay, nhiều bà mẹ có cống hiến, hy sinh xương máu cho cách mạng nhưng chưa được tôn vinh, không ít hồ sơ phải chờ đợi vì vướng mắc về thủ tục. Trong đó, nhiều trường hợp là bà, thím, cô, dì, mẹ kế của liệt sĩ đã có công chăm sóc, nuôi dưỡng liệt sĩ từ khi còn nhỏ đến tuổi trưởng thành. Trong hồ sơ liệt sĩ cũng ghi rõ thím nuôi, dì nuôi, mẹ kế, được dòng họ, pháp luật thừa nhận và đã được hưởng tiền tuất của liệt sĩ; những bà mẹ này tuy không có công sinh thành nhưng đã có công nuôi dưỡng liệt sĩ, xem liệt sĩ như con đẻ, cũng cần được vinh danh và tri ân.

 

Không có sự hy sinh nào sánh bằng sự hy sinh mất mát những người thân yêu nhất. Bởi thế, những người bà, người mẹ, người vợ, có cháu, con, chồng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước đều xứng đáng được tôn vinh. Mong rằng các ngành chức năng sớm điều chỉnh, bổ sung quy định làm cơ sở xác minh, lập hồ sơ để kịp thời phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH đối với những bà mẹ có công sinh thành và nuôi dưỡng liệt sĩ.

 
 

Đến nay, Sở LĐ-TB và XH TP Hải Phòng vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn thực hiện, vì vậy trường hợp đề nghị truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước BMVNAH đối với cụ Phạm Thị Bịp chưa có căn cứ để thực hiện.

 

Trần Văn Huy
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH TP Hải Phòng

 
 

Nên mở rộng hơn nữa đối tượng phong tặng, truy tặng danh hiệu BMVNAH và có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp có công chăm sóc, nuôi dưỡng liệt sĩ nhưng không có giấy tờ pháp lý xác minh là con nuôi để sớm giải quyết những hồ sơ tồn đọng.

 

Bùi Thị Uyên
(Phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh)

 
 

 

 

 

 

Anh Thơ

tin tức liên quan