Ngăn chặn chuyện "chạy chức" mỗi dịp đại hội

Ngày đăng: 08:03 10/01/2019 Lượt xem: 1.078


          Ngăn chặn chuyện "chạy chức" mỗi dịp đại hội


                                                                 Nguồn:FB Nhà báo Quốc Phong


Chuyện chạy chức, chạy quyền giờ đây không có gì lạ và trách nhiệm của Đảng ta là phải kiên quyết ngăn chặn, triệt tiêu mọi chuyện “chạy" nếu muốn chế độ được duy trì lâu bền.

   

Một quốc gia muốn hưng thịnh thì luôn cần phải có nhiều người hiền tài giúp nước. Người ta gọi đó chính là “tài nguyên” do vận nước tốt mới có được. Những người đó phải là người có khát vọng cống hiến đối với Tổ quốc mình, với nhân dân mình và chấp nhận dấn thân, không mưu cầu danh lợi cho cá nhân, gia đình mình.

Ngược lại, nếu để cho một lớp cán bộ quen lối luồn cúi, xu nịnh, chạy chọt chức quyền, khi có được thì họ lộng hành, lấn lướt. Như vậy  thì đất nước sẽ có ngày lâm nguy, kiểu như “chết từ từ” tự khi nào mà ta chẳng hay.

 ngan chan chuyen "chay chuc" moi dip dai hoi hinh anh 1

Thực ra, điều này cũng không có gì lạ sau những gì trong thực tế xã hội mà chúng ta đã thấy, đã chiêm nghiệm và trách nhiệm của Đảng ta là phải kiên quyết ngăn chặn khi đại hội sắp diễn ra.

Lịch sử nước nhà không phải không có chuyện "mua, bán chức...”

Đành rằng, trong lịch sử nước nhà, chúng ta cũng thấy có những giai đoạn khác nhau, hiện tượng chạy chức bằng cách mua chức công khai cũng đã có.

Trong một bài báo tôi từng đọc, thấy nhắc đến cuốn sách của tác giả Insun Yu có viết về tệ nhũng lạm của các quan chức nước Việt ta. Tác giả cũng có nhắc đến việc "bán các chức quan”. Mặc dầu ngay từ đầu năm 1460, vua Lê Thánh Tông đã phong tặng các phẩm hàm danh dự cho những người hiến thóc gạo cho Nhà nước. Thế nhưng việc chính thức “bán các chức quan cho ai muốn mua” thì chỉ được bắt đầu kể từ năm 1658. Đây là thời điểm  triều đình gặp phải khó khăn về tài chính bởi các cuộc nội chiến. Trong các thứ việc gọi là mua bán này, vị thế xã hội hay năng lực của người mua hiếm khi được đưa ra xem xét. Hễ có người nào trả tiền mua chức với giá  cao nhất thì  sẽ được triều đình trao cho chức vị tương thích với đồng tiền họ bỏ ra đấu. Đây là chuyện "chạy” công khai do được triều đình cho phép.

Rồi sang một triều đại khác nữa cũng vậy. Theo một sắc luật của chúa Trịnh Giang vào năm 1736, thì mọi quan chức dưới hàng lục phẩm có thể được thăng lên một bậc nếu nộp 600 quan tiền. Dân thường nào cũng có thể trở thành quan tri phủ nếu nộp 2800 quan, trở thành quan tri huyện nếu nộp 1800 quan.

Việc mua, bán chức quan kiểu này đã gây nên những vấn đề nghiêm trọng về xã hội và chính trị. Phàm  những người đã trả tiền mua chức thì đương nhiên chỉ muốn vơ vét nhiều hơn, không bao giờ có ý thức xây dựng một đất nước lành mạnh, phát triển tốt dẹp và vì dân. Họ dễ phá vỡ luật pháp để mong thu vén cá nhân . Có lẽ chỉ khác ở một điểm điểm: Trước kia là do khó khăn của triều đình mà họ nghĩ ra. Còn giờ vì sự ham hố quyền lực đã khiến họ nghĩ ra. Nếu có quyền lực sẽ có tất cả. Vì thế nên mới có chuyện chạy chức, chạy quyền như ta biết. Và đương nhiên, có kẻ chạy thì sẽ có người ban phát. 

Phải kiên quyết ngăn chặn và triệt tiêu mọi chuyện “chạy" nếu muốn chế độ được duy trì lâu bền

Nếu gần một thế kỷ trước, từ "chạy" thường chỉ dừng lại ở chuyện đại loại như chạy nắng, chạy mưa, chạy giặc, chạy lũ, chạy ăn, chạy chợ, chạy tang và cùng lắm, ở khía cạnh chính trị thì đó là chuyện "chạy cửa quan"... Giờ đây, nó phong phú gấp cả trăm lần và xuất hiện ngày càng nhiều.

Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ, hình như xã hội bây giờ cái gì cũng đều "chạy" cả thì phải. Nào là chạy giấy khai sinh, chạy hộ khẩu, chạy tuổi, rồi nào là chạy hộ nghèo, chạy việc, chạy chức, chạy huân chương, chạy khen thưởng, chạy được công nhận di tích, chạy nâng lương, chạy nâng ngạch, bậc; nào là chạy kỷ luật, chạy án, chạy tội; nào là chạy điểm, chạy trường, chạy thày; nào là chạy dự án, chạy thầu, nào là chạy phiếu tín nhiệm, chạy học vị, học hàm; nào là chạy kíp mổ, chạy bệnh viện và rồi...  chạy chỗ an táng cho đúng ý mình muốn, rồi thì cả chạy vào Hội đồng nhân dân (các cấp), chạy vào chấp hành (các loại), v.v và v.v... 

Tóm lại, từ lúc chuẩn bị sinh cho đến lúc từ giã cõi đời, có nhiều, rất nhiều công đoạn chạy, nếu không "chạy" là dễ không xong! 

Cứ với cái đà này, tôi nghĩ cũng chả mấy nả, có thể nếu không kịp ngăn chặn sớm thì sẽ còn phải lo chạy đến cả những chuyện tày trời khác. Nhiều khi thật oái oăm, họ chạy bất chấp dư luận ì xèo để rồi "người  anh" bỗng nhiên kém cả tuổi "người em" mình, miễn là còn đủ nhiệm kỳ được đưa vào quy hoạch . 

Nó cho thấy gián tiếp cả một sự tha hoá mà con người hôm nay đã và đang từ từ nhiễm phải. Nhiều khi cũng bất đắc dĩ phải theo chứ thực ra không hoàn toàn buộc phải vậy. Nhưng do người ta "chạy" nhiều quá, mình không "chạy" thì bị bật ra khỏi guồng máy và có lẽ cũng không được nếu muốn được việc. 

 ngan chan chuyen "chay chuc" moi dip dai hoi hinh anh 3

Có không ít cán bộ mắc vi phạm, khuyết điểm từ trước vẫn lọt được vào Trung ương.

Bên cạnh đó không loại trừ hiện tượng bổ nhiệm cán bộ theo lối người nhà, người thân, cánh hẩu đưa lên. “Tôi ủng hộ con anh thì anh cũng phải nhớ ủng hộ cho con tôi lên chức”. Bởi thế mới có chuyện như đã thấy kiểu như ở 1-2 nhiệm kỳ trước từng xảy ra. Có người đã từng trượt cấp uỷ cấp thấp nhưng vẫn được giới thiệu thẳng để bầu ở cấp cao hơn cấp anh ta từng trượt; người từng trượt cấp uỷ cơ sở nhưng cấp uỷ cấp trên lại “vượt rào” chỉ định tham gia cấp uỷ cao hơn ngay sau kỳ đại hội chưa bao lâu. Đây là những điều quá phi lý mà chúng ta không thể nào chấp nhận được và nó đã xúc phạm đến tổ chức đảng cùng nhiều đảng viên khác.

Công tác cán bộ của hệ thống chính trị chúng ta đã từng lùm xùm chuyện chạy chức chạy quyền nhiều năm nay. Để có một cuộc cách mạng tẩy trừ tận gốc những thứ thuần tuý gọi là "chạy" chức này, rõ ràng Đảng cần phải có những nguyên tắc bất di bất dịch. Như Tổng bí thư Đảng đã từng chỉ ra, đó là phải có cơ chế giám sát công tác cán bộ để làm sao người ta tự thấy không thể chạy, không dám chạy, không muốn chạy và không cần chạy. "Phải nhốt quyền lực vào trong lồng" để cùng giám sát nó...

Nhân dịp Trung ương Đảng vừa tiến hành bước đầu nghe báo cáo tổng hợp danh sách giới thiệu cán bộ quy hoạch cấp chiến lược cho nhiệm kỳ đại hội tới đây, tôi cho rằng khi tiến hành giới thiệu nhân sự phải quyết tâm cao độ trong ngăn chặn biểu hiện chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch; phải gắn với việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương vừa qua, ví dụ như Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp bộ máy để từ đó mới có cái nhìn tổng thể, bộ máy như vậy thì con người cần phải như thế nào; phải gắn với Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ ; công tác giới thiệu nhân sự cũng phải gắn với quy định về nêu gương.

Tôi cũng muốn nhắc và nhấn mạnh ý mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hay đề cập, đó là từ nay đến Đại hội Đảng còn chưa đến 2 năm nữa, đưa cán bộ vào danh sách quy hoạch là một việc, nhưng khi phát hiện ra người nào có những dấu hiệu không đủ tiêu chuẩn thì phải đưa ra khỏi quy hoạch, chứ không phải được đưa vào quy hoạch là xong.

Nếu tìm hiểu kỹ, chúng ta sẽ thấy, ở nhiệm kỳ khóa XII, dù Đảng ta đã lựa chọn kỹ lưỡng nhưng vẫn có không ít cán bộ mắc vi phạm, khuyết điểm từ trước vẫn lọt được vào Trung ương, như trường hợp ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Tất Thành Cang… Đây cũng là bài học cho công tác quy hoạch cán bộ. 

Vậy thì phải tổng kết vấn đề này xem vì sao lại vẫn bị lọt. Việc lọt này có trường hợp họ mắc sai phạm, khuyết điểm từ nhiều năm trước nhưng không được phát hiện kịp thời, hoặc cũng có thể được bịt đi. Rồi thì cũng có trường hợp lúc đưa vào quy hoạch thì tốt và đủ tiêu chuẩn đấy, tuy cũng đã điều ong tiếng ve không phải không có tẹo nào, nhưng khi được giữ chức vụ cao thì bắt đầu có biểu hiện suy thoái, lạm quyền dẫn tới vi phạm, khuyết điểm nặng dần, rõ dần hơn. 

Đó chính là căn bệnh tha hoá quyền lực ở người ít rèn luyện đạo đức, phẩm chất của người đảng viên chân chính. Họ bật đèn xanh để hiện tượng chạy chức chạy quyền lộng hành, gây ra biết bao tác hại cho xã hội, không chỉ trước mắt mà cả lâu dài. Cần xoá bỏ tận gốc hiện tượng này dù rằng vô cùng khó khăn. Song, dù có khó thì chúng ta vẫn cứ phải làm và Đảng ta hiện đã nhận thức rất rõ, đã và đang đi theo mạch hành động tích cực đó


tin tức liên quan