Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường": Chính phủ giỏi - chìa khoá mở cánh cửa kinh tế hùng cường
Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường":
Chính phủ giỏi - chìa khoá mở cánh cửa kinh tế hùng cường
Nguồn:Báo Điện tử TuanVietnamnet
Muốn quốc gia hùng cường thì trước hết phải có nền kinh tế hùng cường. Muốn có nền kinh tế hùng cường thì nhất thiết phải có một chính phủ giỏi.
LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Trong bài Tựa cố phần hóa – góp phần giải pháp cho phát triển Việt Nam, tác giả đã lưu ý rằng: “Muốn thực hiện được khát vọng Việt Nam hùng cường, không phải chỉ nhờ vào mưu kế của người hiến kế. Nói ra mưu kế là quan trọng, nhưng người sử dụng mưu kế mới là quyết định. Muốn thành công, người sử dụng mưu kế phải giỏi hơn người đề xuất mưu kế”.
Đứng ở ngã 5 đường, 5 người hiến kế chọn 5 hướng đi khác nhau, người sử dụng mưu kế phải giỏi hơn cả 5 người hiến kế thì mới chọn được con đường đúng.
Người sử dụng mưu kế, ở cấp chính phủ chính là thủ tướng, còn ở cấp bộ chính là bộ trưởng.
Một mình không làm nên đại nghiệp. Người cầm đại binh mà không có tướng tài dưới trướng thì tất không thành công. Nhưng phàm đã là người cầm binh giỏi, thì tất phải biết cách lựa chọn được tướng cấp dưới giỏi.
Từ đó, suy ra hai nhân tố quan trọng đầu tiên - trong số các nhân tố quyết định một chính phủ giỏi:
1. Muốn chính phủ giỏi, trước hết thủ tướng phải giỏi.
2. Muốn chính phủ giỏi, bộ trưởng phải là người do thủ tướng lựa chọn.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có lần thể hiện thành lời, rằng ông là thủ tướng nhưng không có quyền. Đó là sự thật. Vì ít nhất thì quyền lựa chọn bộ trưởng không nằm trong tay thủ tướng.
|
Chính phủ giỏi là chìa khóa mở cánh cửa kinh tế hùng cường. Ảnh minh họa: VOV
|
Dùng binh, chỉ huy tướng, mà số phận tướng không do mình quyết định, thì không chỉ không chọn được tướng giỏi như ý mình đã đành, lại còn hứng chịu đại họa lớn hơn nữa, khi tướng cấp dưới không chịu tuân lệnh, nhưng không thể thay thế được.
Bởi thế, Việt Nam không chỉ cần chiếc lồng “nhốt quyền lực”, mà đương nhiên còn cần chiếc gậy “phân chia quyền lực”, và quan trọng nữa là chiếc chìa khóa “giải phóng quyền lực”.
Như vậy, song song với tìm kiếm lồng “nhốt quyền lực” thì Việt Nam rất cấp thiết phải có được một quy trình lựa chọn ra người đứng đầu chính phủ giỏi, và một chiếc chìa khoá giải phóng quyền lực cho người đứng đầu chính phủ.
Ở vế giải phóng quyền lực, cụ thể là, bộ trưởng nhất thiết phải do thủ tướng lựa chọn trước tiên. Sau đó thủ tướng trình quốc hội thông qua. Nếu quốc hội không thông qua thì thủ tướng phải chọn ứng viên khác rồi đệ trình lại để quốc hội bỏ phiếu. Quốc hội thông qua hay không thông qua chỉ trong số các ứng viên bộ trưởng do thủ tướng lựa chọn.
Ở mặt khác, thủ tướng có thể cách chức bộ trưởng tức thì, và đệ trình ứng viên mới để Quốc hội thông qua.
Đã “Vì Việt Nam hùng cường” thì phải đề xuất cụ thể giải pháp, không thể nói chung chung nước đôi, dạng “có thể thế này”, “có thể thế kia”.
Đã “Vì Việt Nam hùng cường” thì phải nói thẳng, không né tránh. Việc hiến kế không thể vòng vo. Còn có chấp nhận mưu kế hay không là do người sử dụng mưu kế quyết định.
Một trong những nguyên nhân làm cho chính phủ Việt Nam qua nhiều thời kỳ không mạnh là do thủ tướng không được quyền tự quyết nhân sự cấp bộ trưởng. Bộ trưởng là nghề đặc thù. Không thể cứ UVTƯ là làm được bộ trưởng. Và bộ trưởng không nhất thiết phải là UVTƯ.
Có người sẽ đặt câu hỏi về vai trò UVTƯ. Vai trò của các UVTƯ nên biến thành một thượng viện. Nghĩa là các ứng viên bộ trưởng do thủ tướng đề xuất cũng được các UVTƯ bỏ phiếu thông qua. Các UVTƯ có quyền chấp nhận hay không chấp nhận chỉ các ứng viên do thủ tướng lựa chọn.
Có người sẽ cho rằng giao quyền lựa chọn bộ trưởng cho thủ tướng thì quyền thủ tướng to quá. Không. Giao cho thủ tướng quyền quyết định nhân sự chính phủ nhưng nếu chính phủ hoạt động không hiệu quả thì cách chức thủ tướng, chọn thủ tướng mới. Quyết định bộ trưởng không bằng quyết định thủ tướng.
Giải phóng quyền lực cho thủ tướng là điều cực kỳ quan trọng. Nhưng quan trọng hơn nữa là chọn được thủ tướng giỏi.
Thủ tướng ở nước ta là người đứng đầu chính phủ quản lý kinh tế. Nên thủ tướng phải là nhà quản lý kinh tế giỏi.
Nhà quản lý kinh tế giỏi không nhất thiết phải có hàm vị giáo sư tiến sĩ. Nhà quản lý kinh tế giỏi càng không phải là do có chức danh UVTƯ. Nhà quản lý kính tế giỏi cũng không phải do quy hoạch mà thành. Nhà quản lý kinh tế giỏi được sinh ra từ thực tiễn cạnh tranh. Nhận biết được ai là nhà quản lý giỏi chỉ có thể nhờ vào Định luật số lớn.
Cha ông dạy “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Tật thì phải chữa. Vì Đất Nước hùng cường thì không ngại mất lòng mà cần lắm sự thật.
Áp dụng Định luật Số lớn sẽ chọn được thủ tướng giỏi. Giao quyền thành lập chính phủ cho thủ tướng. Đó là hai nhân tố áp đảo quyết định một chính phủ giỏi.
Chính phủ giỏi là chìa khóa mở cánh cửa kinh tế hùng cường.
Nguyễn Ngọc Chu