Phẩm giá con người

Ngày đăng: 08:06 17/01/2019 Lượt xem: 412

Phẩm giá con người

Thứ năm, 17/1/2019, 07:43 (GMT+7)

         Chao Thét, cậu bé 7 tuổi có đôi mắt đen tròn, hàng mi như bông lúa chín. Nhà em ở sóc Thala Cà Hum, trong phum của người Khmer.

         Gọi là nhà nhưng chỉ vài cây cột gỗ nâng các tấm tôn hoen gỉ lên cao, tường ken bằng những thân nứa dễ dàng nhìn xuyên ra ngoài, "phòng" ngoài cách với buồng trong nhờ mấy miếng áo mưa rách. Vài miếng gỗ gác trên mấy cọc tre làm chỗ ngủ. Góc "buồng ngủ" còn có chỗ thả gà và lợn.

         Hỏi con đi vệ sinh ở đâu, em chỉ ra khu đồi bên kia con đường đất trước nhà, nơi thưa lưa mấy cây bạch đàn ít tuổi và bọn chó đang bới rác. Khu vệ sinh thiên nhiên đó, không nước, không giấy vệ sinh, không vách ngăn hay mái che. Và đôi khi em phải chiến đấu với một con chó để hoàn thành nhiệm vụ bài tiết của cơ thể.

         Anh trai Chao Thét bị câm, không được đến trường. Với hai anh em cậu bé, đi vệ sinh trong một cái nhà vệ sinh chưa bao giờ là một nhu cầu. Vì em không biết tới nhu cầu ấy.

         Chao Thét nằm trong số 70% dân vùng nông thôn và miền núi sâu, xa của Việt Nam đi vệ sinh mở - tức trong tự nhiên. Họ ngồi đó, lắng nghe gió hát trên đầu, có thể che được khuôn mặt hay phần dưới song cơ bản vẫn phơi bày với "nguyên sơ". Họ cũng không có giấy vệ sinh hay nước sạch mà là cành, lá cây, lõi ngô; hoặc không gì cả. Em mới biết đến nhà vệ sinh hơn một năm nay, chỉ từ khi em vào lớp Một tại Trường Tiểu học A Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang.

         Chất thải của con người tìm đường trở về nước sông, ao, bất cứ nguồn nước nào và cả nguồn nước uống, thức ăn, nước tắm giặt và đánh răng, vào mắt chúng ta. Đây là nguyên nhân của 80% bệnh tật ở các khu vực nông thôn, theo UNICEF. Trong năm 2018, cả huyện Tri Tôn có gần 700 ca tiêu chảy, gần 100 ca lỵ trực trùng và lỵ amibe, hơn 40 ca thương hàn và viêm não siêu vi trùng, gần 200 ca chân tay miệng. Tỷ lệ các bệnh này ở Tri Tôn đều chiếm áp đảo, từ 10% tới 43% của cả tỉnh - gồm 11 huyện, thị. Đây chỉ là các ca đã đến bệnh viện. Hơn một nửa dân ở đây không đi bệnh viện trừ những tình huống nguy cấp đến tính mạng.

         Đáng ngại hơn, các em bé gái rất dễ gặp nguy cơ bị tấn công, bị quấy rối, lạm dụng tình dục khi đi vệ sinh ngoài thiên nhiên, bên vệ đường, bờ sông, trong vườn. Đó là lý do Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon phát động chiến dịch chấm dứt vấn nạn đại tiện ngoài trời trước năm 2025 trên toàn thế giới, bởi "vệ sinh thể hiện phẩm giá của con người".

         Tri Tôn là huyện miền núi nghèo và xa Tây Nam tổ quốc, nơi có 17 km đường biên giới giáp Campuchia. Số học sinh bỏ học trung bình toàn tỉnh ở cả ba cấp những năm gần đây là 14% tổng số học sinh - gấp 10 lần tỷ lệ trung bình của cả nước. Cha mẹ bắt đi làm, gia đình chuyển đi nơi khác tìm việc làm, do học kém.

         Nhà vệ sinh trong trường là một lý do khiến Chao Thét không bỏ học dù nhà em thuộc diện đặc biệt nghèo. Cha em mới mổ sỏi thận, chỉ có mẹ đang làm mướn. Em nói thích đi học hơn ngày nghỉ, vì ở trường có "đầy nhóc" bàn ghế để ngồi viết, có sách giáo khoa, có đồng phục, có bạn để chơi. Hồi mới vào lớp Một, em được cô giáo đưa ra khu vệ sinh gội đầu để diệt chấy. Cô dạy em cách đi tiểu, đại tiện, rửa mặt, rửa tay chân – những việc trước nay em chưa biết. Và nhiều em trả lời rằng em thích tới trường vì ở đây sạch hơn ở nhà.

         Toilet học đường của hệ thống trường học Việt Nam chưa được quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo tháng 8/2018 khẳng định: trong số 90.451 nhà vệ sinh ở các cấp học, chỉ khoảng 67% đang sử dụng tốt. Nhiều toilet không đạt yêu cầu sử dụng, không bảo đảm vệ sinh. Đặc biệt ở những vùng sâu, vùng khó khăn, chúng hầu hết chỉ được xây dựng tạm thời bằng vật liệu tạm bợ, thiếu nguồn nước hoặc không có nước. Tỷ lệ các trường có công trình nước sạch chỉ chiếm khoảng 85%.

         Đầu năm mới, các thành viên của VnExpress thực hiện một chuyến đi vòng quanh những toilet trường học của Tri Tôn. Ở đó, chúng tôi gặp những điều đoán trước.

         Ở trường của Chao Thét, 678 học sinh dùng chung 4 xí bệt cho nam và 4 xí cho nữ, tập trung cao độ vào giờ ra chơi 30 phút. Nhà vệ sinh quá tải, đã xây trên 10 năm, bẩn thỉu và chật chội, kém xa chuẩn chung của Bộ Xây dựng. Thầy Nguyên hiệu trưởng đã cố để ý điều đó. Thầy phân công riêng một người làm nhiệm vụ trông coi toilet, phun nước để tẩy rửa sau mỗi giờ ra chơi. "Mình phải làm sạch nhất có thể, để tụi nhỏ vui mới không bỏ trường". Hơn 20 năm làm thầy giáo ở vùng biên, thầy Nguyên lo nhất tụi nhỏ bỏ học.

         Nhưng tại hàng chục toilet trường học khác chúng tôi đã đi qua, những hiệu trưởng như thầy Nguyên không nhiều. Nó hoàn toàn đúng với báo cáo của Bộ Y tế và UNICEF, rằng 88% trường học ở nông thôn không có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Chúng luôn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, bẩn thỉu, đen mốc, vàng ố, mùi khai nồng, không có giấy vệ sinh, không có xà phòng và nước rửa tay.

         "Hãy ôm bồn cầu mỗi ngày" từng là một chiến dịch của Tổ chức Toilet thế giới. Trong đời, bạn dành 3 tới 5 năm chỉ để đi vệ sinh. Bạn vào nhà vệ sinh 2.500 lần một năm, khoảng 6 - 8 lần một ngày. Bồn cầu tối quan trọng với chúng ta hàng ngày, nhưng chẳng ai muốn đả động. Ta "chém gió" mọi nơi về việc xây những tòa nhà mới, dự án "khủng", quân đội và vũ khí, phi thuyền không gian, vậy tại sao nhà vệ sinh lại là ngoại lệ, thậm chí để cười cợt? Thực tế, tham gia vào hạ tầng vệ sinh đã được chứng minh tạo ra lợi nhuận và việc làm, cũng như danh tiếng nhân văn cho thương hiệu của chính doanh nghiệp tại nhiều quốc gia. 

         Ai Cập cổ đại gọi nhà vệ sinh là "căn phòng của bình minh" trong khi người Do thái gọi nó là "căn phòng danh dự". Tổ chức Toilet thế giới đã đề nghị xếp hạng nhà vệ sinh theo sao giống như khách sạn. Và ngày càng có nhiều toilet đạt chuẩn 5 sao - nơi có phim, nhạc thính phòng và có thể đọc sách hay ngủ. Nhưng còn ở những huyện biên giới nghèo như Tri Tôn, hay bất cứ vùng quê nào, nhà vệ sinh vì sao chưa được khuyến khích khi nguồn vốn ngân sách vẫn đang được tiêu cho những cổng chào và ủy ban, cho mặt tiền của công trình chính chứ không phải cốt lõi của "công trình phụ".

         Chừng nào mà ta - trong tư cách một quốc gia - vẫn còn quan niệm sơ sài về cái gọi là "công trình phụ", vẫn còn cho thế hệ sau hưởng sự thiếu thốn "phẩm giá" trong nhà trường, thì chừng đó, ta vẫn còn phải tự vấn về mức độ phát triển của quốc gia mình.

Hồng Phúc
PS st Theo VnExpress


tin tức liên quan