Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Kim Jong-un sang Việt Nam học hỏi phát triển kinh tế
Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Kim Jong-un sang Việt Nam học hỏi phát triển kinh tế
Nguồn:Báo Điện tử InfoNet
Giới chuyên gia nhận định, việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội chính là dịp để nhà lãnh đạo Kim Jong-un sang Việt Nam học hỏi mô hình thành công phát triển kinh tế.
Theo kế hoạch, cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ diễn ra trong 2 ngày từ 27 – 28/2 tại thủ đô Hà Nội.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Hôm 17/2, Yonhap đưa tin ông Kim Chang-son, một quan chức Triều Tiên cấp cao đã tới thị sát xung quanh một nhà máy sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn Samsung Hàn Quốc đặt tại Việt Nam.
Giới truyền thông Hàn Quốc còn đặt biệt danh cho ông Kim Chang-son là "quản gia" của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Kim Chang-son cũng tới Singapore trước ngày diễn ra thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ nhất hồi tháng 6/2018.
Trước đó, máy bay chở phái đoàn quan chức Triều Tiên do ông Kim Chang-son dẫn đầu đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài vào lúc 10h45’ sáng ngày 16/2.
Việc ông Kim Chang-son tới thị sát nhà máy sản xuất điện thoại của tập đoàn Samsung cho thấy, khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng sẽ tới thăm địa điểm này nhân chuyến thăm tới Việt Nam.
Còn theo Reuters, ông Kim Jong-un sẽ tới Việt Nam vào ngày 25/2, trước 2 ngày so với kế hoạch gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump. Cũng theo Reuters, trong chuyến thăm tới Việt Nam, ông Kim Jong-un sẽ tới thăm nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh và thành phố cảng Hải Phòng. Trong đó, nhà máy sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn Samsung hiện hoạt động ở Bắc Ninh.
Giới chuyên gia nhận định, nếu ông Kim Jong-un tới thăm nhà máy ở Bắc Kinh, đây sẽ là minh chứng cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn học hỏi mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời gửi thông điệp tới cộng đồng quốc tế về việc Bình Nhưỡng đang tìm kiếm các khoản đầu tư kinh tế từ nước ngoài.
“Chuyến thăm của ông Kim cho thấy, Triều Tiên đặc biệt quan tâm tới mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam đồng thời gửi đi thông điệp Bình Nhưỡng muốn các tâp đoàn toàn cầu như Samsung tới đầu tư”, ông Yang Moo-jin, Giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nhận định.
Tập đoàn Samsung xây dựng nhà máy ở Bắc Ninh vào năm 2008 và ở Thái Nguyên hồi năm 2013. Đây là hai cơ sở cho ra đời gần một nửa số điện thoại di động được sản xuất tại Việt Nam.
Ngoài Việt Nam, Trung Quốc cũng được xem là quốc gia để Triều Tiên học hỏi mô hình phát triển kinh tế.
Theo Giáo sư Kim Hyun-wook tại Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, đối với Triều Tiên, mô hình cải cách kinh tế của Việt Nam là phù hợp hơn so với Trung Quốc.
“Trung Quốc có thể tiến hành cải cách kinh tế chỉ dựa vào thị trường trong nước. Nhưng Việt Nam cần giao thương với nước ngoài giống như Triều Tiên”, ông Kim Hyun-wook chia sẻ.
Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã hối thúc nhà lãnh đạo Kim Jong-un nên đi theo con đường phát triển thịnh vượng mà Việt Nam đã trải qua.
Hồi tháng Bảy năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhắc tới câu chuyện phát triển kinh tế thành công của Việt Nam có thể là hình mẫu để nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un noi theo.
“Trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác tưởng chừng như không tưởng mà chúng tôi có với Việt Nam ngày hôm nay, tôi có một thông điệp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un: Tổng thống Trump tin rằng nước ngài có thể tái tạo lại con đường này (của Việt Nam). Nó sẽ là của ngài nếu ngài nắm lấy cơ hội này. Phép màu này có thể là của ngài; nó cũng có thể là phép màu của ngài ở Triều Tiên”, bài phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
Nếu thực hiện chuyến thăm tới Hà Nội, ông Kim Jong-un sẽ trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên tới Việt Nam sau 54 năm. Trước đây, Chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tới thăm Hà Nội vào tháng 10/1964.