“Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc Từ cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc sau 40 năm nhìn lại” - Hoàng Kiền (Tiếp theo và hết)

Ngày đăng: 05:45 22/02/2019 Lượt xem: 463
QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC
TỪ CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
SAU 40 NĂM NHÌN LẠI.
Tác giả: Thiếu tướng Hoàng Kiền - Anh hùng LLVTND Việt Nam,
nguyên Tư lệnh Công binh Việt Nam.

 

PHẦN VII

NHỮNG ĐIỀU RÚT RA

         1. Mấy chục năm nay tôi cứ tự hỏi hai cuộc chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước xảy ra liên tiếp, tại sao?

Tôi sinh vào đúng giữa thế kỷ hai mươi, trải qua và chứng kiến 4 cuộc chiến tranh ác liệt với đất nước Việt Nam . Tại sao lại như vậy????

         Khi tôi một tuổi, quân Pháp đến đóng bốt ở nhà thờ Thức Hoá cạnh làng tôi. Chúng càn quét, đốt phá, cả làng phải chạy loạn, mẹ tôi đặt con vào thúng gánh chạy giặc. Năm 1954 bộ đội về đánh bốt, giải phóng quê hương. Mẹ tôi dắt tôi đi bộ về làng. Sau này được biết là Pháp sang xâm lược Việt Nam.

         Năm 1970 tôi là thầy giáo cấp 2, lên đường vào chiến trường chiến đấu chống Mỹ cho đến khi giải phóng đất nước. Cuộc kháng chiên chống quân xâm lược Mỹ vô cùng ác liệt với sự hi sinh rất lớn.

         Vừa ra khỏi hai cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt kéo dài 30 năm, đang tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và đứng trước muôn vàn khó khăn lại phải chống lại sự khiêu khích gây chiến của nước bạn Campuchia. Tôi đang học tại Học viện kỹ thuật quân sự, dự lễ tiễn các học viên lớp đạn Khoá 8 lên đường tham gia chiến dịch tiến công giải phóng Campuchia. Tôi cứ hỏi tại sao ĐCSCPC lại phản bội Việt Nam, gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.?

         Tiếp theo là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc xẩy ra trong một tháng, xung đột vũ trang tiếp tục kéo dài trong gần chục năm, tôi lên tham gia chỉ huy đơn vị công binh bảo đảm chiến đấu. ... Tôi cũng tự hỏi tại sao lại xảy ra cuộc chiến tranh giữa hai nước Cộng Sản.?

         Ai có thể tin được rằng , vừa trải qua ba cuộc chiến tranh hơn ba mươi năm, Việt Nam lại đi khiêu khích Trung Quốc, một nước lớn, một nước XHCN đã ủng hộ và giúp đỡ mình trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước ? Rồi lại căng ra chống lại một cuộc chiến tranh xâm lược qui mô lớn để bảo vệ biên cương tổ quốc.?
         Rất nhiều thông tin đã được đưa ra trên các phương tiện truyền thông, được phổ biến qua các hội nghị, qua các liệu của Đảng, nhà nước và quân đội, tuy vậy tôi cảm thấy cũng chưa đầy đủ. Tôi tự tìm hiểu thêm qua nhiều nguồn cho rõ ngọn nghành, khách quan, trung thực . Khi đã là kẻ thù của nhau thì không ai khen nhau cả...

         Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, từ xưa đến nay chúng ta rất chú trọng xây dựng quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc dù trong lịch sử hai nước đã có bao lần xung đột.
         Cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam - Trung Quốc dù đúng sai thế nào thì cả hai bên “đều thua”, hai bên tuyên bố đều thắng là chưa “chân thực”, hai nước XHCN do hai ĐCS lãnh đạo do mâu thuẫn sâu sắc dẫn tới chiến tranh qui mô lớn là phi lý . Thực tế cả hai bên đều tổn thất rất lớn về mọi mặt nhất là Việt Nam, mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để khắc phục hậu quả và xây dựng lại mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, nhưng vô cùng khó khăn và nhất định không thể được như xưa.
         Đất nước chúng ta đã trải qua quá nhiều đau thương mất mát do chiến tranh, rất cần một môi trường hòa bình. 
         Nhất định Việt Nam không mong muốn chiến tranh, không gây ra chiến tranh. Cuộc chiến tranh này là một mốc đen, một sai lầm lịch sử trong quan hệ hai nước.

         2. Nguyên nhân sâu xa xẩy ra cuộc chiến là do mối quan hệ bất đồng, cạnh tranh giữa các nước lớn tác động, Mỹ - Liên Xô - Trung Quốc . Đặc biệt là mâu thuẫn chính giữa hai nước đứng đầu phe XHCN là Liên Xô và Trung Quốc, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã vượt lên ý thức hệ Cộng sản. Việt Nam là nước nhỏ, bị chi phối vì quyền lợi và mưu tính của các nước lớn. Nhưng nguyên nhân trực tiếp là do lãnh đạo hai nước không xử lý được các bất đồng, đã để xẩy ra cuộc chiến tranh này, yếu tố chính do nước lớn gây ra.
Một thực tế cho thấy là, để giữ được độc lập, toàn vệ lãnh thổ, môi trường hoà bình, ổn định cần phải cân bằng mối quan hệ một cách mềm dẻo, linh hoạt, khôn khéo.

         3. Việt Nam đã xử lý đúng khi ngừng chiến dịch phản công qui mô lớn tiêu diệt quân xâm lược. Mọi mặt đã sẵn sàng, sáng ngày 5/3 Việt Nam phát lệnh Tổng động viên.. trưa hôm đó Trung Quốc tuyên bố rút quân, Việt Nam tuyên bố cho phép Trung Quốc rút quân và ngừng chiến dịch phản công. Đây là một hành động thật nhân văn, nhân đạo, góp phần vào việc sớm hàn gắn quan hệ giữa hai nước.

         4. Cần tuyên truyền đúng mức để nhân dân hai nước, các cựu chiến binh hai nước hiểu đúng sự thật, nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh này, khép lại quá khứ, xoá bỏ tư tưởng thù địch, bài xích nhau, xây dựng tình hữu nghị bền vững lâu dài giữa hai nước.

         5. Cũng như bất cứ dân tộc nào, chủ quyền quốc gia đối với Việt Nam là thiêng liêng và chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá, đồng thời chúng ta chủ trương giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ bằng phương pháp hòa bình, có sự tôn trọng lẫn nhau, theo luật pháp quốc tế.

         6. Cần học tập chủ tịch Hồ Chí Minh để có mối quan hệ tốt đẹp giữa lãnh đạo hai Đảng và hai Nhà nước như Bác đã làm trong suốt những năm Người lãnh đạo đất nước. Trong những năm giữ cương vị chủ tịch Đảng, chủ tịch Nước, năm nào Bác cũng sang Trung Quốc an dưỡng, đó là một tầm nhìn vô cùng sáng suốt. Trong đấu tranh, chúng ta cần làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, luôn giữ vững lập trường nguyên tắc độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước, nhưng vẫn linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược quốc gia.
Khi Nguyễn ÁI Quốc từ Liên Xô về thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc tế Cộng sản chỉ đạo thành lập Đảng cộng sản Đông Dương, bị sức ép phải thực hiện. Khi Quốc tế Cộng sản không còn hoạt động chỉ đạo, Bác đã tách ra thành Đảng Lao Động Việt Nam, một sự sáng suốt nhìn xa trông rộng trong mối quan hệ quốc tế phức tạp nhất là với Trung Quốc sẽ diễn ra.

         7. Chúng ta cần tin vào sức mạnh của chính nghĩa, của lẽ phải, tin vào sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân và tin ở sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới. Đồng thời muốn bảo vệ chủ quyền đất nước cần có nội lực, có nền tảng vững chắc về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng với sự đoàn kết dân tộc mạnh mẽ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất mà chúng ta cần phấn đấu.
Chúng ta không thể dựa vào ai để bảo vệ mình. Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, Mỹ là đồng minh thân cận vẫn bỏ rơi ngụy quyền Sài Gòn.
         Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma của Việt Nam, ta nhờ tàu bệnh viện thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô đồng minh thân cận của Việt Nam đang đóng ở quân cảng Cam Ranh ra cứu thương binh lấy tử sĩ nhưng Liên Xô không giúp....

         8. Hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác phát triển là mong muốn chung của nhân dân hai nước. Trung Quốc và Việt Nam là hai nước XHCN do hai Đảng cộng sản lãnh đạo. Cần giải quyết những bất đồng trong quá khứ và tồn tại hiện nay một cách thỏa đáng để giúp nhau xây dựng và phát triển, là chỗ dựa vững chắc cho phong trào giải phóng dân tộc, cộng sản quốc tế, cho sự tồn tại và phát triển của Chủ nghĩa xã hội hiện nay và tương lai.

         9. Mong muốn lãnh đạo hai nước hiện nay nhìn nhận đầy đủ về cuộc chiến, rút ra bài học kinh nghiệm. Qua đó xây dựng lòng tin, xây dựng mối quan hệ hữu nghị bền vững lâu dài, hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam cũng như Trung quốc đều cần những bạn bè tốt để hợp tác nên Việt Nam càng coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc – một nước lớn đang có những bước phát triển thần kỳ.

         10. Đã đến lúc lãnh đạo hai nước cần tổ chức hội thảo chung để thống nhất đánh giá về cuộc chiến tranh này. Cần phải viết lại những gì đã diễn ra cho đúng với lịch sử, hủy bỏ nhưng phim ảnh, sách báo, tài liệu vu cáo bịa đặt, xuyên tạc. 
Cần viết lịch sử, đưa vào sách giáo khoa đầy đủ diễn biến, nguyên nhân, hậu quả và con đường bình thường hoá quan hệ hai nước để cho các thế hệ hiện nay và mai sau hiểu đúng lịch sử đã diễn ra, từ đó có trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

         11. TÔI XIN CÓ Ý KIẾN VỚI TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN HAI NƯỚC TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM.

Trung Quốc đã thực hiện nhất thể hoá Tổng bí thư giữ chức Chủ tịch nước từ trước, Việt Nam hiện nay cũng thực hiện như vậy. Là hai nước do Đảng cộng sản cầm quyền trong số ít nước XHCN còn lại hiện nay, có vị trí vô cùng quan trọng, với vai trò dẫn đầu của Trung Quốc, cần xác định việc đoàn kết bên nhau là yếu tố vô cùng quan trọng của cả hai nước.
         Liên Xô và Trung Quốc bất đồng sâu sắc cũng là một trong những nguyên nhân làm cho CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ nhanh chóng.
         Trong di chúc của mình, Chủ chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến nỗi đau lòng về sự bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc và mong muốn sự đoàn kết giữa các đảng cộng sản và công nhân quốc tế ngày càng tốt hơn.
Trong tình hình hình hiện nay, sự đoàn kết giữa hai Đảng càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Mong muốn hai đồng chí đứng đầu hai Đảng, hai Nhà nước gặp nhau để trao đổi giải quyết thỏa đáng các vấn đề bất đồng hiện nay về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông để củng cố niềm tin, xây dựng môi trường hoà bình cùng phát triển.

         12. Mong rằng bài hát này sẽ vang mãi khắp nơi trên hai nước Việt - Trung.

TÌNH HỮU NGHỊ VIỆT NAM TRUNG HOA
( Nhạc và lời Đỗ Nhuận )

Việt Nam Trung Hoa
Núi liền núi, sông liền sông
Chung một biển Đông 
Mối tình hữu nghị sáng như rạng đông
Bên nhau tắm cùng một dòng
Tôi nhìn sang đấy, anh nhìn sang đây
Sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng
Chung một ý, chung một lòng
Đường ta đi hồng màu cờ thắng lợi
Nhân dân ta ca muôn năm
Hồ Chí Minh - Mao Trạch Đông.

Thiếu tướng Hoàng Kiền


tin tức liên quan