"Hòa bình trên Bán đảo Triều tiên - Hy vọng nhưng còn đầy khó khăn" - Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 05:43 02/03/2019 Lượt xem: 427
HOÀ BÌNH TRÊN BẢN ĐẢO TRIỀU TIÊN
HI VỌNG NHƯNG CÒN ĐẦY KHÓ KHĂN
Thiếu tướng Hoàng Kiền


 
         Mỹ và Triều Tiên là hai nước thù địch từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) . Mỹ tham chiến với tổn thất rất lớn, 4 vạn quân Mỹ tử trận và 10 vạn bị thương. Nếu Mỹ không nhảy vào tham chiến thì Triều Tiên đã đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, thống nhất đất nước.
         Tại hội nghị Giơneva ngày 27/7/1953, Triều Tiên cùng chí nguyện quân Trung Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc ký hiệp định đình chiến, Hàn Quốc từ chối ký. Hiệp định đình chiến tạo ra khu phi quân sự dọc vĩ tuyến 38. Tuy nhiên, hiệp định hòa bình chưa bao giờ được ký. Hai miền trên bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
         Mỹ đã đưa 285.000 quân vào nam Triều Tiên từ 1953.  Năm 1958 Mỹ triển khai tên lửa Honest mang đầu đạn hạt nhân và lực lượng pháo hạt nhân 280mm đến Hàn Quốc.
         Suốt mấy chục năm qua Mỹ và Hàn Quốc liên tục tập trận tại nam vĩ tuyến 38 (theo luật pháp quốc tế, tập trận là một trong các hình thức đe dọa sử dụng vũ lực). 
        Trước sự đe dọa một cuộc tiến công xâm lược, buộc Triều Tiên phải tăng cường tiềm lực quân sự, tăng cường khả năng quốc phòng để bảo đảm an ninh cho mình. Triều Tiên duy trì một lực lượng quân đội 1,1 triệu người, đông thứ 4 thế giới. Triều Tiên và Liên Xô đã ký một thỏa thuận hợp tác, theo đó phía Liên Xô sẽ giúp Triều Tiên xây dựng Trung tâm hạt nhân Yongbyon. Đến nay Triều Tiên đã có bom hạt nhân, có tên lửa liên Lục địa, có khả năng tiến công hạt nhân đến lãnh thổ nước Mỹ.
         Trước việc Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân, phóng tên lửa Liên lục địa, có khả năng đe dọa đến an ninh của nước Mỹ, Mỹ đã liên tục áp dụng các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên và tăng cường tập trận chung với Hàn Quốc.
         Phía Triều Tiên đưa ra yêu sách rằng nếu Hàn Quốc và Hoa Kỳ ngừng tập trận thì Triều Tiên sẽ ngừng thử hạt nhân. Việc Triều Tiên tự nguyện phá hủy lò phản ứng hạt nhân Yongbyon vào năm 2008 được coi là một trong những thiện chí từ phía Triều Tiên nhưng Hoa Kỳ và Hàn Quốc không có những hành động thể hiện thiện chí tương ứng đã khiến cho lòng tin của các bên tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng.
         Đến thời điểm này thực tế hai nước thấy không thể gây chiến tranh được, vì cả hai bên đều có vũ khí hạt nhân, xẩy ra chiến tranh cả hai bên sẽ tổn thất vô cùng to lớn. Điều đó buộc họ phải ngồi đàm phán thương lượng với nhau.
         Triều Tiên cần có Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, cần Mỹ nới lỏng đi đến bãi bỏ cấm vận. Đây là mong muốn của Triều Tiên suốt hơn sáu thập kỉ qua.
         Mỹ đã thấy Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, có tên lửa Liên lục địa, nếu xảy ra chiến tranh, vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng, Mỹ cũng thiệt hại vô cùng lớn. Mỹ cần Triều Tiên ngừng thử hạt nhân và phá hủy các vũ khí hạt nhân. Đồng thời ông Trum là một nhà doanh nghiệp được bầu giữ chức tổng thống, đường lối của ông coi phát triển kinh tế là hàng đầu. Kí hiệp ước hoà bình, Mỹ sẽ rút quân khỏi Hàn Quốc, giảm rất nhiều chi phí hàng năm.
         Hàn Quốc trước đây không kí vào Hiệp định đình chiến, nhưng hiện nay đã thay đổi thái độ, chắc sẽ ủng hộ hiệp đình Hoà bình. Triều Tiên sẽ ngừng chương trình hạt nhân khi được bảo đảm về an ninh quốc gia. Tập trung mọi nỗ lực phát triển kinh tế mà hiện nay đã tụt hậu xa, đầu tư cho chương trình vũ khí hạt nhân quá tốn kém .
Với những hi vọng đã nêu, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai là một dấu mốc lịch sử về tiến tới một hiệp ước hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy với hai nước thù địch suốt 66 năm qua, không thể giải quyết vấn đề đối kháng trong một hai cuộc họp thượng đỉnh.
         Việt Nam đánh thắng Mỹ trên chiến trường mà cuộc đàm Phán kéo dài trong hơn 4 năm với 501 cuộc họp công khai, 40 cuộc tiếp xúc bí mật, hơn 500 cuộc họp báo và 1000 cuộc phỏng vấn. Chuẩn bị ký rồi, khi đoàn ông Lê Đức Thọ từ Pa ri về vừa hạ cánh xuống sân bay thì Mỹ đem B52 ném bom Hà Nội... Khi thua trên bầu trời Hà Nội họ mới chịu ngồi vào ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam…
         Ông Trum và ông Un mới gặp nhau lần thứ hai, đang họp thì ở trong nước phe Dân chủ dọa “đưa ông Trum ra toà”...Ông phải cắt ngắn cuộc họp bay về tức tốc. 
         Người Mỹ là như thế, nước Mỹ là như thế.
         Hoà bình trên bán đảo Triều Tiên là xu thế tất yếu, nhưng không thể một sớm một chiều được. 
         HOÀ BÌNH TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN HI VỌNG NHƯNG CÒN ĐẦY GIAN NAN PHÍA TRƯỚC.

Ngày 28/2/2018
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Ảnh minh họa: KIEN 03-3

tin tức liên quan