Có khiêm tốn khi giao định mức "đánh" tham nhũng?

Ngày đăng: 09:16 16/03/2019 Lượt xem: 444


    Có khiêm tốn khi giao định mức "đánh" tham nhũng?


                                                           Nguồn:Báo Điện tử Dân Việt


“Định mức" phát hiện và tham mưu xử lý có kết quả ít nhất 2 vụ án tham nhũng trong 2 năm mà Ban Nội chính Trung ương vừa giao cho các tỉnh, thành rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là hơi... hình thức.

 

Ban Nội chính Trung ương Đảng vừa ban hành Kế hoạch số 142 về thi đua chuyên đề giai đoạn 2019-2020 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và tham mưu xử lý các vụ án tham nhũng, các hành vi “tham nhũng vặt” xảy ra trên địa bàn” đối với các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy. 

Lẽ ra, đây nên được xem là một chủ trương đúng, nên làm, để có một tinh thần tiến công mạnh mẽ trên mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn xã hội hiện nay. Thế nhưng, xem ra lại đang có gì đó không ổn chút nào, bởi chính cái “định mức" mà Ban Nội chính Trung ương vừa thông tin rất khiêm tốn, nếu không muốn nói là hơi... hình thức.

 

 

co khiem ton khi giao dinh muc "danh" tham nhung? hinh anh 1

Theo thông tin, trong thời gian phát động thi đua 2 năm (2019-2020), mỗi Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy “phấn đấu phát hiện và tham mưu xử lý có kết quả ít nhất 2 vụ án tham nhũng” và 3 hành vi “tham nhũng vặt”. Trong đó, đến thời điểm sơ kết (cuối năm 2019), mỗi đơn vị phát hiện và tham mưu xử lý ít nhất 1 vụ án tham nhũng và 1 hành vi “tham nhũng vặt”.

Theo tinh thần của văn bản hướng dẫn, các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy thông qua công tác kiểm tra, giám sát và công tác nắm tình hình để phát hiện và tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo xử lý hiệu quả các vụ án tham nhũng và các hành vi “tham nhũng vặt” trên địa bàn, gồm: Các vụ án tham nhũng xảy ra trên địa bàn chưa được phát hiện. Các hành vi “tham nhũng vặt” gây phiền hà, bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp (trong đó “tham nhũng vặt” là những hành vi của cán bộ, công chức lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết công việc với mục đích vụ lợi)...

Tôi là dân ngoại đạo nên cũng không nắm chắc, với bộ máy cấp tỉnh, thành phố hiện tại thì Ban Nội chính hiện tại được định biên bao nhiêu người? Nhưng có lẽ theo tôi, dù vừa qua cũng đã tinh gọn bộ máy bước đầu đi nữa, thì cũng phải còn hàng chục người chứ không ít.

Theo Quy định 183 của BCH T Ư ngày 8/4/2013 thì bộ máy cấp tỉnh dân số dưới 1 triệu dân có 15 biên chế; với các tỉnh và thành phố lớn như Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nội, TP.HCM thì được biên chế không quá 30 người.

Vậy mà không hiểu sao, với cả một tỉnh, thành phố, dân số ít nhất cũng ngót triệu dân, cho đến thành phố nhiều dân nhất gấp chục lần địa phương thấp nhất, đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức cũng cả trăm ngàn người, mà sao chỉ đưa ra chỉ tiêu “phấn đấu phát hiện” lại có vậy?  Nên chăng cứ “bám” sát dân, chúng ta sẽ phát hiện những chuyện này còn dễ hơn trở bàn tay và không thể có chuyện như định mức đề ra, quá ít mà đã có khen thưởng! 

co khiem ton khi giao dinh muc "danh" tham nhung? hinh anh 3

Để nhận diện thực trạng tham nhũng đang hoành hành ở nước ta hiện nay, Đảng ta đã trung thực, dũng cảm chỉ rõ tham nhũng đã trở thành quốc nạn và là một trong bốn nguy cơ đối với sự sống còn của Đảng và chế độ. Dù trong 2 năm 2017-2018 vừa qua  chúng ta đã phanh phui, xử lý rất rất nhiều vụ việc, trong đó có khá nhiều vụ tày đình, tạo một niềm tin lớn trong nội bộ Đảng và trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, có thể nói tham nhũng nghiêm trọng đến mức cho đến tận bây giờ nó vẫn “trên nóng dưới lạnh”, vẫn phức tạp, tinh vi, vẫn luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng nhất trong mọi cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.


Từ việc chỉ đạo của Đảng  nay đã đi đôi với việc làm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ bắt tay thực hiện phương châm xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, trách nhiệm, phục vụ nhân dân, đã đưa đất nước tiếp tục phát triển đi lên, tăng trưởng mọi mặt chưa từng có trong 11 năm gần đây. Vì thế, nhân dân ta rất phấn khởi, tin tưởng và Ngân hàng Thế giới cũng rất hoan nghênh những thành tựu của Việt Nam sau nhiều năm trì trệ...Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu nhiều nơi, nhưng có thể nêu đại ý như sau: Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh rất lâu dài, gian khổ, phức tạp. Phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Đã đến lúc không một ai có thể đứng ngoài cuộc. Những thắng lợi bước đầu giành được là nhờ có sự ủng hộ của toàn dân mới đạt được kết quả như vậy. Phải dựa vào dân trong cuộc đấu tranh này...

Đảng tin dân. Dân tin Đảng. Sự thật này cũng chính là sức mạnh của Đảng sau nhiều năm bị thử thách. Nay nhờ sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Tổng bí thư, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, nên chúng ta đã tạo nên một khí thế mới rất tích cực. Từ thực tế sinh động này, tất cả chúng ta cần nhận rõ thực trạng và nguyên nhân tham nhũng đã diễn ra từ Đại hội XI trở về trước, góp phần đắc lực nhất lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng khí thế cách mạng tiến công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Cũng chính từ xuất phát điểm rất tích cực nói trên, tôi lại có phần băn khoăn khi Ban Nội chính Trung ương đưa ra chỉ tiêu phấn đấu nêu trên. Không lẽ, trước đó, công tác nội chính đảng là “con số không” tròn trĩnh sao? Hay trước quả là như vậy thật nên bây giờ chúng ta cũng đã nhích cái sự “phấn đấu” lên thành 2 vụ trong... 2 năm? Tôi không nghĩ như thế? Lẽ ra, ngành nội chính Đảng phải lấy đà này đưa ra mục tiêu phấn đấu cao hơn nhiều lần như thế, tiếp tục tạo ra bước ngoặt chuyển biến mới về chất trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

tin tức liên quan