Masan mất 5.000 tỷ vốn hóa vì liên quan dự thảo tiêu chuẩn nước mắm?
Masan mất 5.000 tỷ vốn hóa vì liên quan dự thảo tiêu chuẩn nước mắm?
Nguồn:Báo Điện tử Zing.vn
Đang tăng trưởng tốt, cổ phiếu Masan giảm giá mạnh sau thông tin doanh nghiệp tham gia xây dựng dự thảo tiêu chuẩn về sản xuất nước mắm được cho là "giết" nước mắm truyền thống.
Trong khi phần lớn cổ phiếu trên thị trường có phiên giao dịch tăng trưởng tích cực phiên sáng nay (18/3), vẫn có một số cổ phiếu vốn hóa lớn rơi vào tình trạng giảm mạnh.
Tính đến 11h30, trong nhóm VN30 (30 cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch trên sàn HOSE), chỉ có 9 mã giảm điểm. Trong đó, nổi bật có một số doanh nghiệp lớn như MSN của Tập đoàn Masan, PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận; SAB của Sabeco hay SSI của Công ty chứng khoán SSI…
Với riêng MSN, đây đã là phiên giảm thứ 6 trong 7 phiên gần nhất của cổ phiếu doanh nghiệp này. Đặc biệt hơn, đà giảm trên chỉ bắt đầu khi có thông tin Masan là doanh nghiệp có liên quan tới quá trình xây dựng dự thảo tiêu chuẩn về sản xuất nước mắm truyền thống. Trước tháng 3, MSN đang là cổ phiếu có đà tăng giá ấn tượng thị trường. Trong tháng 2, MSN đã tăng một mạch từ vùng giá 77.000 đồng/cổ phiếu lên xấp xỉ 90.000 đồng, tương đương khoảng 17% giá trị.
Đầu tháng 3, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đã lên tiếng phản đối dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn soạn thảo.
Hầu hết doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đề phản đối dự thảo quy chuẩn về sản xuất nước mắt mới được đưa ra. Ảnh minh họa: Đình Hòa.
Nguyên nhân được các doanh nghiệp này đưa ra do hầu hết quy chuẩn trong dự thảo sẽ gây khó khăn trong nghề sản xuất nước mắm truyền thống và có thể “giết chết” các doanh nghiệp này.
Trong khi đó, thông tin cho biết quy chuẩn này thay đổi sau khi Masan tham gia góp ý, xây dựng.
Ông Lê Trần Phú Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước mắm Phan Thiết trả lời trên báo Bình Thuận cho biết ông là 1 trong 12 thành viên được Bộ NN&PTNT ký quyết định thay mặt Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết tham gia xây dựng dự thảo.
"Cuộc họp đầu tiên tôi tham dự rất cởi mở và đưa ra nhiều ý tưởng tốt, mang tính minh bạch cho nước mắm truyền thống lẫn nước mắm công nghiệp.
Tuy nhiên, đến tháng 2/2018, nội dung cuộc họp đầu tiên hoàn toàn bị xóa bỏ và tổ chức họp lại với điều kiện có sự tham dự của Tập đoàn Masan (nước mắm Nam Ngư)", ông nói.
Theo vị này, cũng từ đây, nhiều nội dung hoàn toàn được thay đổi, và khi ban hành dự thảo lần đầu, nội dung không giống với những gì đã bàn luận, có nhiều điểm làm khó cho nước mắm truyền thống.
Trong khi dự thảo vẫn nhận được rất nhiều ý kiến tranh cãi, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã giảm nhiều phiên liên tục sau đó. Trong tuần giao dịch vừa qua (11-15/3), cổ phiếu này giảm điểm tới 4 phiên.
Nguồn: VNDirect.
Trong phiên giao dịch tuần mới (18-22/3), MSN tiếp tục giảm mạnh khi chỉ đang được giao dịch ở giá 85.500 đồng/cổ phiếu, giảm 1.000 đồng (1,2%) so với phiên cuối tuần trước.
Tính từ khi những “sóng gió” liên quan tới tiêu chuẩn sản xuất nước mắm truyền thống xuất hiện, cổ phiếu MSN của doanh nghiệp này đã giảm khoảng 4.300 đồng/cổ phiếu, tương đương gần 5% thị giá. Hơn 5.000 tỷ vốn hóa của công ty cũng theo đó mà “bốc hơi” trên thị trường.
Hiện tại, tuy mới chỉ là dự thảo, nhiều tổ chức đại diện cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống vẫn đang phản đối gay gắt và cho rằng những tiêu chuẩn đưa ra trong dự thảo không hợp lý, gây khó khăn, thậm chí triệt tiêu nước mắm truyền thống.
Trong khi đó, đại diện phía Masan cho rằng đã nghiên cứu kỹ dự thảo tiêu chuẩn nước mắm, và thấy tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và khả thi để thực hiện.