Để 'thể chế là số một'
Nguồn:Báo Điện tử TuanVietnamnet
Làm sao để có “thể chế” tốt, đảm bảo quyền kinh doanh của người dân và hạn chế sự can thiệp không cần thiết của các bộ, ngành.
Một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại thể chế, và nhiệm vụ tháo gỡ thể chế "là số một" để khuyến khích người dân đầu tư kinh doanh.
Trong cuôc làm việc ngày 18/3 với một số bộ, ngành để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm “bứt phá” 2019, Thủ tướng khẳng định, trước hết, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không được để chậm trễ, không để tình trạng “ngâm lâu”, giữ một số quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Có một số nghị định cần làm ngay, như nghị định về quy hoạch hay đầu tư xây dựng.
“Thể chế là số một, cần rà lại, cụ thể hóa vấn đề này, có danh mục kèm theo”, Thủ tướng nói.
Đây chỉ là một trong nhiều lần gần đây ông nói về sự cần thiết của một thể chế tốt nhằm giúp kinh tế “bứt phá”.
“Cần có danh mục kèm theo”, như cách tiếp cận của Thủ tướng, người rất quan tâm đến cắt giảm điều kiện kinh doanh, là rất đúng và trúng.
Cứ để các bộ, ngành tự cắt giảm điều kiện kinh doanh thì không biết đến bao giờ họ mới làm. Có ai tự “lấy đá ghè châ mình”.
|
Thể chế tốt sẽ tạo động lực cho người dân làm ăn kinh doanh. |
Năm 2000, để triển khai Luật Doanh nghiệp còn non nớt, Thủ tướng Phan Văn Khải đã yêu cầu Tổ công tác thi hành luật doanh nghiệp lập danh mục các điều kiện kinh doanh vô lý gây cản trở quyền kinh doanh của người dân. Sau đó, dựa trên danh mục đó và không tham khảo ý kiến của các bộ trưởng, ông đã trực tiếp ký quyết định cắt giảm ngay được 40% điều kiện kinh doanh, tạo một làn sóng đầu tư kinh doanh rất mãnh liệt.
Sau một thời gian dài, điều kiện kinh doanh đã mọc lên như đầu “Phạm Nhan”. Chỉ một ví dụ nhỏ, VCCI mới đây cho biết, với các doanh nghiệp, việc phải xin các giấy phép con vẫn diễn ra phổ biến và gặp nhiều khó khăn. Có đến 58% trên tổng số doanh nghiệp phản hồi phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Trong đó, có 42% doanh nghiệp cho biết có gặp khó khăn khi xin những giấy phép loại này.
Trong mấy năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất kiên quyết và cầu thị với việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính. Song có lẽ, cách tiếp cận nên khác đi.
Tách bạch vai trò Nhà nước
Nhân việc sửa đổi luật đầu tư, luật doanh nghiệp tới đây, cần giảm ít nhất 1/3 đến 1/2 số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Đồng thời, giao các bộ chuyên ngành nghiên cứu, dự thảo sửa đổi bổ sung các luật có liên quan (theo hướng một luật sửa đổi nhiều luật) để bãi bỏ các điều kiện kinh doanh mà các bộ đã kiến nghị bãi bỏ trong các phương án cải cách quy định về điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt trong năm 2018.
Đó chỉ là những giải pháp trước mắt. Giải pháp căn cơ, dài hạn là cần xây dựng nhà nước và đổi mới quản trị quốc gia sao cho tách bạch được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành với thị trường.
Trước hết, cần rà soát và đổi mới vai trò, và chức năng của nhà nước, nhất là của Chính phủ theo hướng xây dựng nhà nước kiến tạo thay cho nhà nước sở hữu và kiểm soát. Một nhà nước kiến tạo không thể là nhà nước áp dụng cách thức và công cụ quản lý kìm hãm, hay hạn chế phát triển; không thể là một nhà nước áp dụng cách tiếp cận “nhà nước có năng lực đến đâu, thì cho phép người dân và doanh nghiệp làm tới đó”; cái gì chưa quản lý được hay chưa biết cách quản lý thì cấm hoặc hạn chế phát triển.
Thay đổi triệt để cách thức quản lý, điều tiết thị trường và xã hội từ kiểm soát và tiền kiểm sang hỗ trợ, tạo điều kiện và hậu kiểm là chủ yếu, áp dụng hiệu quả phương pháp quản lý dựa trên đánh giá mức độ rủi ro của đối tượng quản lý và mức độ tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp.
Áp dụng phổ biến công nghệ thông tin và thực hiện các nghiệp vụ quản lý, cung cấp dịch vụ công, bằng điện tử, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính phủ số, chính phủ hoạt động không giấy tờ.
Xây dựng năng lực phù hợp, đủ sức áp dung các công cụ và cách thức quản lý mới để thực hiện tốt vai trò và chức năng của nhà nước.
Có như vậy, “thể chế” tốt mới được phát triển bền vững, đảm bảo quyền kinh doanh của người dân và hạn chế sự can thiệp không cần thiết của các bộ, ngành.