Bị kỷ luật rồi lại bổ nhiệm: Một kiểu 'trả ơn'?

Ngày đăng: 06:22 02/04/2019 Lượt xem: 557


      Bị kỷ luật rồi lại bổ nhiệm: Một kiểu 'trả ơn'?


                                     Nguồn:Báo Điện tử Vietnamnet


Ông Tất Thành Cang và Ngô Văn Tuấn tuy không được ngồi cao ghế lớn như chức vụ trước khi bị kỷ luật, nhưng trong mắt người dân, các ông vẫn là cán bộ.


Dư luận đang nóng lên với chuyện bổ nhiệm lại ông Tất Thành Cang và ông Ngô Văn Tuấn. 

Lẽ ra dư luận cũng không nhất thiết phải bàn ra tán vào chuyện ai đó được bổ nhiệm vào ghế Chánh văn phòng sở ở một tỉnh lẻ. Tuy nhiên, cái ghế Chánh văn phòng của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa thì lại làm nóng dư luận mấy ngày qua. 

Bị kỷ luật rồi lại bổ nhiệm: Một kiểu ''trả ơn''?
Ông Ngô Văn Tuấn

Ngồi vào ghế đó là ông Ngô Văn Tuấn, người từng bị Ban Bí thư kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng, bị Thủ tướng cách chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vì những sai phạm rất nghiêm trọng liên quan đến công tác tổ chức cán bộ.

Đặc biệt, ông đã “nâng đỡ không trong sáng” hot girl Trần Vũ Quỳnh Anh, đưa cô tạp vụ trẻ trung xinh đẹp một bước lên mây, thành đảng ủy viên và được quy hoạch chức vụ Phó giám đốc Sở Xây dựng.

Nhiều người cho rằng bổ nhiệm lại ông Tuấn làm cán bộ, tỉnh Thanh Hóa không sai khi vận dụng luật Công chức và các qui định về xử lý kỷ luật cán bộ. Tuy nhiên, nếu xét ở một tiêu chuẩn rất quan trọng dành cho cán bộ lãnh đạo là phẩm chất đạo đức, uy tín trước mắt người dân và nhân viên dưới quyền, e rằng, việc làm này là không ổn. Bởi một người vi phạm kỷ luật “rất nghiêm trọng” chưa lâu, giờ lại nghiễm nhiên trở thành cán bộ lãnh đạo trong qui hoạch.

Cũng có ý kiến cho rằng, từ Giám đốc sở, lên Phó chủ tịch UBND một tỉnh, nay bị cách chức, trở về làm chánh văn phòng - tức một trưởng phòng ở cái nơi mà ông từng “hét ra lửa”, âu cũng là một cái giá khá đắt mà ông Ngô Văn Tuấn phải trả cho những việc làm “không trong sáng“ của mình.

Tuy nhiên, từ chánh văn phòng lên phó giám đốc, rồi giám đốc, âu cũng chỉ là thủ tục, là thời gian, nếu câu chuyện được những người sắp xếp theo “đúng qui trình”.

Vì vậy, dư luận chắc hẳn sẽ có lý khi nghi ngờ việc bổ nhiệm lại này như một kiểu “trả ơn” của ai đó cho ông Tuấn trong câu chuyện “nâng đỡ không trong sáng”.

Dễ nhận ra thái độ bỡn cợt

Không kém cạnh chuyện ở xứ Thanh là việc ông Tất Thành Cang được bổ nhiệm chức Phó ban thường trực ''Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM”.

Nhiều người đã bày tỏ sự băn khoăn, khó hiểu khi việc bổ nhiệm ông Cang vào vị trí lãnh đạo một Ban trực thuộc Thành ủy TP.HCM diễn ra sau khi ông bị kỷ luật cách chức ủy viên TƯ Đảng, ủy viên Thường vụ - Phó bí thư thường trực Thành ủy… vì những sai phạm liên quan đến đất đai, qui hoạch… 

Thành ủy TP.HCM quả là có lý khi phân công công tác cho một người bị kỷ luật như ông Cang. Bởi đến thời điểm hiện tại, ông vẫn là một thành ủy viên.

Tuy nhiên, cái lý ấy cũng không thể khỏa lấp những băn khoăn, những câu hỏi khó trả lời khi đặt câu chuyện bổ nhiệm này trong bối cảnh ông Cang vừa bị kỷ luật Đảng vì những “vi phạm rất nghiêm trọng” của mình.

Bị kỷ luật rồi lại bổ nhiệm: Một kiểu ''trả ơn''?
Ông Tất Thành Cang

Nếu đúng là một “thủ tục” cần phải làm trong khi chờ đợi, một chỗ ngồi tạm ở một ga xép trên hành trình đi đến cuối con đường của qui trình xử lý cán bộ sai phạm, theo kiểu việc gì đến sẽ đến thì có lẽ thiên hạ cũng chẳng phải xôn xao bàn tán làm gì. Bởi người dân luôn tin tưởng vào quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng.

Thế nhưng những người quan tâm cũng không khỏi băn khoăn về cách làm này, nhất là khi ông Cang làm Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Công trình lịch sử TP.HCM. Bên cạnh năng lực chuyên môn, một phẩm chất quan trọng cần có ở người làm sử là phải trong sáng, công tâm, chính trực!

Bởi, dù không trực tiếp chắp bút, nhưng với cái án kỷ luật nặng nề ấy, liệu ông Phó ban thường trực Tất Thành Cang có đủ tự tin chỉ đạo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đạo cao đức trọng làm việc để công trình “Lịch sử TP.HCM” đầy ý nghĩa kia hoàn thành đúng tâm nguyện của Đảng bộ và nhân dân thành phố.

Dư luận xôn xao là quyền của dư luận. Nhà tổ chức có quyền của nhà tổ chức.

Tuy nhiên, cái cách bổ nhiệm những cán bộ từng “vi phạm rất nghiêm trọng”, từng bị cách tất cả chức vụ như kiểu ông Tuấn, ông Cang, thì dù được biện minh “đúng qui trình” kiểu gì, người dân cũng nhận ra thái độ không nghiêm túc của một số địa phương trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của Đảng với tệ nạn tham nhũng, một cuộc đấu tranh lập lại kỷ cương phép nước, vì mục tiêu Đảng sạch nước mạnh.

tin tức liên quan