“Thượng đế” ơi, đừng kêu ca nữa nhé, ông Nam giải trình rồi...!

Ngày đăng: 08:00 02/05/2019 Lượt xem: 405

“Thượng đế” ơi, đừng kêu ca nữa nhé, ông Nam giải trình rồi...!

 

(Dân trí) - Việc thanh tra tổng thể chính là giúp cho ngành này không bị “oan sai” và để “thượng đế” tin tưởng là việc nên và cần làm, phải không các bạn?

“Thượng đế” ơi, đừng kêu ca nữa nhé, ông Nam giải trình rồi...! - 1

Xin giải thích ngay, “thượng đế” ở đây là chỉ khách hàng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo tinh thần “Khách hàng là thượng đế”.

Còn ông Nam ở đây là ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốcTập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), người vừa đăng đàn trả lời VTV 1 về nguyên nhân tiền điện tăng khủng khiếp vừa qua.

Trong khi EVN cho biết, giá điện chỉ tăng 8,36% thì nhiều ý kiến cho rằng đó là thông tin không đúng sự thật mà thực tế, tăng tới 35% cùng nhiều câu hỏi khác được đặt ra như số tiền 42 ngàn tỉ EVN đang gửi “nóng” tại ngân hàng hay những khoản đầu tư ngoài ngành mà dòng vốn “tiền ra đi đầu không ngoảnh lại” hay cụm từ “lỗ lũy kế”, một khái niệm chưa từng có trong từ điển kinh tế học…

Khi trả lời VTV1 sáng 1.5, ông Nguyễn Xuân Nam cho biết 3 nguyên nhân dẫn đến tiền điện vừa qua tăng đột biến.

Một, là do đầu mùa nóng, nguồn điện sử dụng của mỗi gia đình đều gia tăng. Hai là do tháng 2 có  số ngày ít (28 ngày), trong khi tháng 3 có tới 31 ngày nên việc tiền điện tháng 3 nhiều hơn tháng 2 là đúng. Và thứ ba, mới đến do EVN tăng giá điện.

Tóm lại, theo người viết bài này hiểu thì tổng tiền điện chỉ tăng 8,36% như con số cho phép chứ không hơn.

Nghe ông Phó tổng Nam nói mà lòng đầy… “tưởng văn tin”, nhất là khi ông này còn so sánh phương thức tính giá điện càng dùng nhiều càng cao ở một số nước trên thế giới.

Thế nhưng, dù ông Nam nói hay như vậy, đúng như thế, song các “thượng đế” vẫn “nghi văn ngờ”. Sao vậy nhỉ?

Thật ra, người dân nghi ngờ không phải không có lý bởi thứ nhất, giá điện ở ta duy nhất từ xưa đến nay chỉ có tăng và tăng. Tăng một cách liên tục và nhiều khi… kỳ cục.

Thứ hai, ngành điện vẫn nằm trong thế độc quyền mà trong đó, một số lĩnh vực hoạt động lại có biểu hiện mờ mờ, ảo ảo cùng những khoản đầu tư “không quay trở lại”.

Thứ ba, lâu này người dân vốn rất thiếu niềm tin ở ngành này, thậm chí còn so sánh họ với nghề văn chương vốn nhiều trí tượng tượng “Đừng nghe nhà văn kể chuyện – Đừng nghe ngành điện giải trình”…

Có lẽ vì thế, không ít ý kiến cho rằng cần thanh tra tổng thể ngành này nhằm giúp họ công khai, minh bạch, đặc biệt là để dân tin tưởng, ủng hộ vào một ngành rất quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như phục vụ đời sống người dân.

Văn chương có thể bịa đặt (tưởng tượng) nhưng lĩnh vực kinh tế thì không.

Việc thanh tra tổng thể chính là giúp cho ngành này không bị “oan sai” và để “thượng đế” tin tưởng là việc nên và cần làm, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám


tin tức liên quan