"Đại tướng Lê Đức Anh với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Trường Sa và Khu vực DK1 - Bài của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 06:06 02/05/2019 Lượt xem: 554
ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH
VỚI NHIỆM VỤ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN TRƯỜNG SA VÀ KHU VỰC DK1.
         
         Tôi có gần 16 năm công tác tại Quân chủng Hải quân, gần 10 năm gắn bó với Trường Sa, sau này về công tác tại BTL công binh 10 năm, tham gia chỉ đạo các công trình DK1 trên một số mặt. Với hiểu biết của mình, xin viết đôi điều về Đại tướng Lê Đức Anh với Trường Sa và DK1, với lòng khâm phục và kính trọng khi Đại tướng đã ra đi.
I. VỚI TRƯỜNG SA
         Quần đảo Trường Sa nằm trên khu vực nam Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng đang có sự tranh chấp của 5 nước, 6 bên. Có 17 đảo nổi, Việt Nam hiện quản 9 đảo, Phi lip pin 7 đảo, Đài Loan 1 đảo. Hơn 100 bãi đá ngầm còn gọi là đảo chìm, Việt Nam tiến hành đặt các bia chủ quyền và thường xuyên kiểm tra các đảo chìm. Trước năm 1987 Trung Quốc chưa có mặt ở Trường Sa.
         Tháng 4/1986 tôi trong đoàn công tác do Phó đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải quân dẫn đầu đi kiểm tra toàn bộ quần đảo Trường Sa, đến đảo chìm Thuyền Chài dừng lại cho một tổ vào kiểm tra, chúng tôi phát hiện có mưu đồ của nước ngoài chiếm đóng các đảo chìm của ta. Tư lệnh Giáp Văn Cương chỉ đạo : sẽ có tranh chấp đảo chìm xảy ra, các cơ quan đơn vị cần tìm biện pháp đối phó.
        Trước tình hình đó Đại tướng Lê Đức Anh - UV Bộ chính trị, BT/Bộ quốc phòng đã chỉ đạo Bộ tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu phương án đóng giữ các đảo chìm. Nhà C3 bằng cột gỗ thông lấy từ bán đảo Cám Ranh, làm cột, dầm, chống xiên, lát ghi nhôm, lợp vòm tôn được lắp dựng trên đảo Thuyền Chài đầu tiên vào cuối năm 1986
         Ngày 3/9/1987 Quốc hội Trung Quốc thông qua quy chế đưa đảo Hải Nam thành tỉnh và sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào Hải Nam. Sau đó họ liên tục cho tầu chiến giả dạng tầu dân sự để khảo sát, trinh sát thăm dò quần đảo Trường Sa của ta nhằm âm mưu xâm chiếm các đảo chìm.
        Trên cơ sở kế hoạch đóng giữ các bãi đá ngầm tại Trường Sa do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị đã được đồng chí Đỗ Mười, Thường trực Ban Bí thư, phê duyệt, ngày 6-11-1987, Đại tướng Lê Đức Anh ký ban hành Mệnh lệnh số 1679/ML-QP giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân: “Đưa lực lượng ra đóng giữ các bãi đá cạn chưa có người, không chờ xin chỉ thị cấp trên; trước mắt đưa ngay lực lượng ra đóng giữ Đá Tây, Đá Chữ Thập, Đá Lớn, Đá Tiên Nữ...”.
         Khi phát hiện Trung Quốc đưa tầu chiến xuống Trường Sa, chúng ta đã đưa Công binh cùng các lực lượng ra với các phương tiện : pông tông, tầu vận tải, tàu đổ bộ LCU và các nhà cao chân C3 để chốt giữ các đảo chìm
Trung Quốc với lực lượng tầu chiến mạnh, số lượng nhiều, ngăn cản, đe doạ, đẩy các tầu nhỏ của ta ra để chiếm đảo. 
         Để đề phòng xung đột quân sự nhỏ trên khu vực Trường Sa có thể bùng nổ thành một cuộc chiến tranh lớn trên biển, Đại tướng Lê Đức Anh - UV Bộ chính trị, BT/Bộ quốc phòng chỉ đạo, Tư lệnh quân chủng Hải quân là đô đốc Giáp Văn Cương ra lệnh: “hết sức kiềm chế, tự vệ là chính, không nổ súng trước, nhưng kiên quyết táo bạo, với phương châm: có người, có đảo; còn người, còn đảo”.
         Như vậy, mệnh lệnh “không nổ súng trước” đã được ban hành để tránh khiêu khích đối phương, làm bùng nổ các xung đột gây bất lợi lâu dài.
         Trong bối cảnh khi đó, Việt Nam vẫn đang có xung đột ở biên giới phía Bắc và còn lực lượng giúp bạn tại Campuchia. Về ngoại giao không thuận lợi khi ta đưa quân vào giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng PolPot, các nước cho là Việt Nam xâm lược Campuchia, có những hành động cô lập nước ta. Nền kinh tế đất nước vô cùng khó khăn do đang bị bao vây cấm vận. Lực lương Hải quân tác chiến trên biển xa và chi viện của không quân còn rất hạn chế. Có thể nói, đây là giai đoạn mà Tổ quốc gặp khó khăn nhất.
         Nếu manh động “nổ súng trước” mà để xảy ra một cuộc chiến lớn trên biển thì hậu quả sẽ khôn lường. Do đó, kiềm chế để “không nổ súng trước”, không để cho đối phương tạo cớ gây xung đột lớn là một chủ trương, quyết định đúng đắn. 
         Ngày 14/3/1988 Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến xuống âm mưu chiếm các đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Lực lượng Hải quân ta đã đấu tranh kiên quyết. Đối phương với số lượng tầu chiến lớn, số lượng nhiều ( 9-12 chiếc) đã hung hãn đơn phương gây chiến. 
         Tại Gạc Ma, Quân ta đã cắm cờ, nắm tay nhau đứng vòng quanh quyết bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Không thể phá vỡ được “ vòng tròn bất tử” của các chiến sỹ Hải Quân nhân dân Việt Nam, chúng rút quân lên tầu xả súng, pháo bắn chìm tàu HQ 604, sát hại 64 chiến sĩ Hải quân rồi chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma.Tiếp theo họ bắn chìm tàu HQ 605 ở Len Đao, bắn cháy tàu đổ bộ HQ 505 ở Cô Lin.
         Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh, sự chỉ huy của Đô đốc Giáp Văn Cương, bằng các biện pháp linh hoạt, khôn khéo và kiên quyết, ta vẫn đưa tàu kéo, tàu vận tải và lực lượng ra chi viện để giữ Cô Lin và Len Đao. “Không nổ súng trước” không có nghĩa là không được nổ súng chống lại khi bị tấn công”. Không một người chỉ huy nào lại ra lệnh cho bộ đội của mình như thế. Bởi nếu như thế có nghĩa là đầu hàng vô điều kiện.
         Tất cả những người gán cho Đại tướng Lê Đức Anh với cái lệnh “ không được nổ súng “ nên để mất Gạc Ma là một mưu đồ xấu xa nhằm hạ uy tín, danh dự của Đại tướng Lê Đức Anh, của Quân đội, Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam.
II. VỚI DK1
         Sau sự kiện Gac Ma ngày 14/3/1988, một số tàu chiến, tàu thăm dò của Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện sâu xuống thềm lục địa phía nam Việt Nam, nơi có tiềm năng lớn về dầu khí và có ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng đối với Việt Nam.
         Theo đề xuất của Thường vụ Đảng ủy QSTW và Bộ quốc phòng với Bộ chính trị, ngày 17 tháng 10 năn 1988, TBT Nguyễn Văn Linh ký văn bản 19/NQ-TƯ về việc bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là khu DK1). Đại tướng Lê Đức Anh, ủy viên BCT- Bộ trưởng / BQP đã giao nhiệm vụ cho Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương khẩn cấp triển khai cho Lữ đoàn 171 nhiệm vụ khảo sát khu vực thềm lục địa phía nam. Đã khảo sát, đo đạc trên vùng biển rộng 60.000 km², tìm ra 6 bãi đá ngầm san hô: Ba Kè, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Tư Chính, Huyền Trân. Từ những dữ liệu đó, hệ thống nhà giàn DK1 được xây dựng.
         Theo Đại tá Nguyễn Quí - Nguyên trưởng ban quản lý dự án DK1 trực thuộc BTL Công binh kể lại : nhiệm vụ thiết kế, gia công, lắp đặt các nhà dàn trên biển khu vực DK1 là tuyệt mật. Thiếu tướng Vũ Trọng Hà - Tư lệnh Công binh được Đại tướng Lê Đức Anh giao nhiệm vụ trực tiếp rồi về triển khai cho ban DK1. Lần lượt từ năm 1989 đến năm 1998 có 19 nhà dàn DK1 được lắp dựng. 
         Hệ thống nhà dàn DK1 lắp dựng ở 6 bãi cạn đã khảng định và giữ vững chủ quyền của Việt Nam trên khu vực thềm lục địa phía nam Biển Đông. Thành công này có vai trò rất quan trọng, chỉ đạo trực tiếp, cụ thể, kiên quyết của Đại tướng Lê Đức Anh .
         Cho đến nay, chủ quyền biển đảo của Việt Nam luôn được giữ vững. Thành tựu ấy xuất phát từ truyền thống đấu tranh giữ nước của tổ tiên ta, từ đường lối đúng đắn của Đảng, từ sức lực của toàn dân, từ sự can trường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo và hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Thành tựu ấy cũng có một phần đóng góp quan trọng với tư duy sắc bén và tầm nhìn chiến lược, sự chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của Đại tướng Lê Đức Anh - UVBCT, BT/Bộ quốc phòng trong những năm 1986 -1991.

Thiếu tướng Hoàng Kiền
Anh hùng LLVTND
Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và Công nghệ cho cụm công trình
chiến đấu trên quần đảo Trường Sa - Đồng tác giả.
Nguyên Tư lệnh Công binh .
Hiện nay là Phó chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam.

 

tin tức liên quan