Sự việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đã trở thành một chủ đề nóng trên các mặt báo suốt 10 tháng qua.
Đặc biệt là kể từ khi cơ quan điều tra cung cấp danh sách thí sinh của Hòa Bình, Sơn La đã được sửa điểm ở tháng 3 vừa rồi.
Hàng nghìn bài báo viết về sự việc này đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là tâm nguyện của của các tầng lớp nhân dân mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố danh sách thí sinh vi phạm.
Nhưng mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ, chưa được Bộ triển khai…
|
Bộ Giáo dục - Đào tạo nên đứng ra công bố danh sách thí sinh đã được sửa điểm năm 2018
(Ảnh: Vietnamnet)
|
Thông qua các kênh thông tin chính thống, chúng ta thấy có rất nhiều ý kiến của lãnh đạo đương chức, nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ bất bình, lên tiếng về vụ việc này.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia giáo dục, nhiều giáo viên và nhân dân cả nước cũng mong muốn nhân cơ hội này, Bộ Giáo dục hãy cắt bỏ ung nhọt tiêu cực trong giáo dục đã tồn tại âm ĩ bấy lâu trong ngành.
Nhưng không hiểu vì sao những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục vẫn lấn cấn trong xử lý vụ việc?
Nói thật lòng, người viết cho rằng đến thời điểm hiện tại, lãnh đạo ngành giáo dục của 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang đã bất lực và họ không thể làm được gì hơn bởi sự việc này đã vượt khỏi tầm kiểm soát và quyền hạn của họ.
Chúng ta cứ thử hình dung người đứng đầu ngành giáo dục địa phương là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhưng bản thân họ lại thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Họ phải thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong khi, một số thí sinh được xác định sửa điểm lại có phụ huynh cũng là những thành viên trong Uỷ ban nhân dân tỉnh?
Họ cũng là Giám đốc các Sở, có người là Phó Chủ tịch tỉnh- Trưởng ban Chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia, thậm chí là Bí thư tỉnh ủy…
Vì vậy người viết thiết nghĩ, Ban Giám đốc các Sở Giáo dục Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang có "ăn gan trời” cũng không dám tự mình chỉ đạo cấp dưới công bố danh sách thí sinh vi phạm.
Đó là chưa nói trong nội bộ Ban Giám đốc của Sở Giáo dục cũng có người liên quan trực tiếp đến sự việc này.
Tính đến nay, đã có 2 Phó Giám đốc Sở ở Hà Giang và 1 Phó Giám đốc Sở ở Sơn La đã bị khởi tố.
Ngoài ra còn có con của Phó Giám đốc Sở, con của Chánh thanh tra Sở được sửa điểm và nhiều Trưởng, Phó phòng của Sở cũng đã bị khởi tố hay cũng liên quan đến sự việc tiêu cực.
Như vậy, toàn là chỗ anh em thân thiết với nhau cả, làm sao lãnh đạo Sở có thể “đang tâm” mà công bố trước dư luận?
Chính vì những thí sinh được sửa điểm là con của cấp trên, con của đồng cấp, con của cấp dưới mình nên các Giám đốc Sở đều “né” báo chí khi đề cập đến sự việc đang xảy ra ở ngành của mình quản lý cũng là điều dễ hiểu.
Và đây thực sự đang là áp lực, đang là cái khó của họ.
Thực tế, không chỉ lãnh đạo Sở Giáo dục của 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang “ngại” khi đề cập đến vụ việc này mà có lẽ các Uỷ ban nhân dân tỉnh cũng “ngại” vì những người dính líu đến tiêu cực trong vụ án sửa điểm để vào đại học thì đa phần là “quân của mình” cả.
Nếu làm nghiêm, làm nhanh, làm cho ra nhẽ mọi vấn đề thì uy tín, danh dự của địa phương sẽ ra sao trong mắt mọi người?
Chính vì vậy, sự việc này phải là cấp trên của Sở, cấp trên của Uỷ ban nhân dân tỉnh mới có thể làm tốt được.
Điều đáng mừng đó là Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh việc gian lận điểm thi thể hiện dấu hiệu hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ.
Vì thế, dư luận cả nước mong muốn Bộ Công an sẽ làm rõ được việc có hay không hành vi đưa và nhận hối lộ trong sự việc này để xử lý nghiêm minh.
Chuyện còn lại là công bố danh sách thí sinh đã được sửa điểm, theo cá nhân người viết, đó là trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với vai trò là đơn vị chủ trì kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, là cơ quan quản lý trực tiếp về công tác chuyên môn của các Sở Giáo dục nên Bộ Giáo dục và Đào tạo có đủ thẩm quyền để công bố những thí sinh sai phạm.
Bởi việc công bố danh sách thí sinh vi phạm không chỉ tránh được việc khó xử cho lãnh đạo Sở Giáo dục mà nó còn thể hiện sự khách quan, nghiêm minh đối với kỳ thi, đối với những thí sinh đã bị phát hiện là gian lận điểm.
Đừng để đa phần người dân cả nước mất niềm tin vào giáo dục thêm một lần nữa sau sự việc này
Dù sao thì sự việc cũng đã xảy ra rồi, sai phạm thì cũng đã được xác định rồi nên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần dũng cảm nhận trách nhiệm trước nhân dân về những gì đã xảy ra.
Việc công bố danh sách thí sinh vi phạm (cho dù bây giờ danh sách này mọi người đã rõ) cũng là cách nhận trách nhiệm trước nhân dân về những hạn chế trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vừa qua.
NHẬT DUY
PS st Theo Giáo dục Việt Nam