Điện Biên Phủ - Câu chuyện không chỉ của một thế hệ
Nguồn:Báo Điện tử VOV
Sau chiến thắng Điện Biện Phủ nhìn lại lịch sử để cùng đi tiếp trong tương lai là suy nghĩ và mong mỏi của nhiều thế hệ cả hai phía.
65 năm kể từ sau chiến thắng Điện Biện Phủ, dư âm từ trận đánh vẫn còn vang vọng mãi, đó không chỉ là biểu tượng của sự can đảm và hi sinh của quân dân Việt Nam, mà còn là biểu tượng của sự hòa giải. Nhìn lại lịch sử để cùng đi tiếp trong tương lai là suy nghĩ và mong mỏi của nhiều thế hệ cả hai phía.
Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954
“Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo ra một cơn địa chấn, có sức ảnh hưởng toàn cầu.”
“Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng mang tính bước ngoặt”
Đây chỉ là nhận xét của 2 trong số những người Pháp mà chúng tôi đã gặp nhân dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó có cả những người là chuyên gia đầu ngành về lịch sử và cả những người tuổi đời còn rất trẻ.
Đến Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, anh Baptiste Buresi, một nghiên cứu sinh tại trường Đại học Paul-Valéry Montpellier 3 đã chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên của anh với chuyên ngành lịch sử, mà cụ thể ở đây là cuộc Chiến tranh Đông Dương. Từ một sự ngẫu hứng, giờ đây lựa chọn này đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Baptiste Buresi.
“Khi nhận được lời đề nghị của giáo sư nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương, tôi đã ngay lập tức nhận lời. Suy nghĩ tôi lúc đó rất đơn giản, đó là bởi vì bản thân cũng đã có thời gian đến Việt nam và bởi những suy nghĩ về tương lai. Tuy nhiên, dần dần trong quá trình nghiên cứu thì cuộc chiến tranh Đông Dương, trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành nguồn cảm hứng của tôi, là một điều gì đó rất đặc biệt. Có thể nói, chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện khắc sâu không chỉ đối với những thế hệ trước, mà cả đối với những thế hệ như chúng tôi”, Baptiste Buresi nói.
Cuộc chiến đã lùi xa 65 năm và không chỉ Baptiste Buresi, mà rất nhiều những người Pháp trẻ muốn giải mã câu hỏi: Tại sao Điện Biên Phủ? để tìm ra câu trả lời chân thực nhất, khách quan nhất, cũng như để cảm nhận ý nghĩa của cuộc chiến mang tầm vóc thế kỷ này.
Điện Biên hôm nay.
Với chiều dài khoảng 20 km, rộng từ 6-8 km; cách Hà Nội 200 km, cách Luang Prabang (Lào) khoảng 190 km, Điện Biên Phủ, theo đánh giá của tướng H.Navarre là một vị trí chiến lược quan trọng, vừa giúp quân đội Pháp bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của Việt Nam. Với sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vỏn vẹn 7 tháng (20/11/1953- 07/05/1954), Điện Biên Phủ đã trở thành một chương bi thảm trong lịch sử nước Pháp. Nếu như lúc đầu khi mới đặt chân đến Điện Biên Phủ, dưới con mắt của người Pháp đây là một thung lũng vô cùng tuyệt đẹp, thì giờ đây nó lại được nhắc đến với cái tên khắc nghiệt hơn rất nhiều “lòng chảo Điện Biên Phủ”.
Nước Pháp sau Điện Biên Phủ cũng hứng chịu căn bệnh tâm lý nặng nề, phải rút bài học về chiến tranh thực dân. Cuốn sách mới nhất của Giáo sư Pi-e Giua-nu, một chuyên gia hàng đầu của Pháp về Điện Biên Phủ, mang tên “Điện Biên Phủ chấm dứt một thế giới” đã nói lên điều đó. Theo ông, Chiến thắng của quân đội nhân dân Việt Nam tại Điện Biên Phủ đã tạo bước tiền đề để các dân tộc khác vùng lên giành độc lập.
“Thực ra đây không phải là chiến thắng đầu tiên, bởi lẽ trước đó đã có chiến thắng của chiến dịch Thu Đông năm 1950, tuy nhiên đây lại là chiến thắng vang dội đầu tiên trên trận địa do người Pháp lựa chọn và chuẩn bị. Ở đây là chiến thắng có tính biểu tượng vô cùng to lớn trong lịch sử của một quân đội nhân dân. Là chiến thắng quan trọng của quân đội một nước thuộc địa chống lại quân đội một nước Châu Âu hùng mạnh hơn, hiện đại hơn. Và đây là chiến thắng có tầm ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu”.
Ngày quân độ Pháp đầu hàng (7/5/1954) cũng là ngày Hội nghị Geneva bắt đầu bàn về tương lai Đông Dương.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng.
65 năm đã trôi qua, đúng như Baptiste Buresi chia sẻ, âm vang và ý nghĩa của trận đánh lịch sử này còn mãi giá trị, không chỉ đối với những thế hệ của thời đại ấy, mà còn cả đối với những thế hệ hôm nay. Nhưng đó không phải là để khắc sâu thêm những nỗi đau chiến tranh, mà để ứng xử đúng đắn hôm nay.
Tại Hội thảo quốc tế: “65 năm trận chiến Điện Biên Phủ, viễn cảnh quốc tế và trong nước” tổ chức mới đây tại Hà Nội, Giáo sư Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội đã nhắc lại lời của cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterand trong chuyến thăm Điện Biên Phủ năm 1993 rằng: “Tôi có thể đến Điện Biên Phủ để suy nghĩ lại và cảm nhận tất cả những gì mà một người Pháp có thể cảm thấy trước sự hi sinh của các binh lính để tất nhiên không quên sự hi sinh của những người khác”.
Câu hỏi vì sao chúng ta thất bại ở Điện Biên Phủ vẫn ám ảnh nhiều cựu binh Pháp còn sống. Nhưng với giới trẻ thì lịch sử chung ở Điện Biên Phủ đáng trân trọng; vẫn là còn nhiều điều thú vị để nghiên cứu tiếp và trên nền tảng đó kết nối hợp tác.
Hội thảo quốc tế: “65 năm trận chiến Điện Biên Phủ, viễn cảnh quốc tế và trong nước” đã lần đầu bàn đến hợp tác địa phương. Đây cũng là 1 lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ Đối tác chiến lược Việt Nam- Pháp./.