Về địa lý tự nhiên, theo tướng Cò, phía Trung Quốc có lợi thế địa hình cao hơn phía Việt Nam. Đồng thời, toàn bộ sông suối xuyên biên giới chủ yếu từ đất Trung Quốc chảy vào Việt Nam.
"Hiện nay, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc lớn nên họ đầu tư nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, chế xuất và khai thác tài nguyên khoáng sản, đô thị hoá tốc độ cao, xây dựng các trung tâm cư dân sát biên giới.
Từ đó, không ít chất thải, nước thải độc hại xả xuống các sông suối xuyên biên giới, chảy vào Việt Nam, ảnh hưởng tới môi trường, sản xuất, sức khoẻ người dân", tướng Cò nêu.
Vị Thiếu tướng đề nghị Chính phủ rà soát việc này và nếu chúng ta chưa có Hiệp định về quản lý, bảo vệ môi trường xuyên biến giới cần sớm đàm phán với Trung Quốc ký Hiệp định này.
Ngoài ra, theo tướng Cò, phía Trung Quốc đầu tư nhiều thuỷ điện vừa và nhỏ. Theo Công ước quốc tế, Quốc gia ở thượng nguồn có trách nhiệm điều phối nước cho các Quốc gia phía hạ nguồn.
"Nhưng nhiều thời điểm Trung Quốc cố tình không điều phối nước cho Việt Nam, thậm chí có lúc đập hồ thuỷ điện xả bất ngờ, không thông báo trước, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại tính mạng con người Việt Nam.
Đề nghị Chính phủ và các tỉnh biên giới phải có công hàm, yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho Việt Nam nếu là do Trung Quốc gây nên, đảm bảo Công ước quốc tế, các văn bản thoả thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc", ông nhấn mạnh.
Về vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn, tướng Cò thông tin, theo ông biết, hiện mỗi năm chi hơn 500 triệu USD mua hàng ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật về phục vụ sản xuất.
"Hiện nay, nguy cơ ô nhiễm môi trường đất đai, nguồn nước ở nông thôn và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tỷ lệ ung thư ở nông dân tăng cao, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp giải quyết để người dân yên tâm", ông đề nghị.