Ngoại giao Việt Nam: thắng lợi của tư duy đối ngoại và văn hóa Hồ Chí Minh
Ngoại giao Việt Nam: thắng lợi của tư duy đối ngoại và văn hóa Hồ Chí Minh
Nguồn:Báo Điện tử VietTimes
Ngày 7/6/2019, tại trụ sở của LHQ ở thành phố New York (Mỹ), trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn các ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã được bầu chọn với tỷ lệ ủng bộ gần tuyệt đối 192/193
Kết quả này là thắng lợi của đường lối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, theo đó Việt Nam đã nỗ lực đóng góp xứng đáng trong hoạt động duy trì hòa bình và an ninh quốc tế với vị thế là bạn với tất cả các nước trong cộng đống quốc tế mà không phân biệt chế độ chính trị-xã hội khác nhau nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với tất cả các quốc gia.
Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta được xây dựng trên cơ sở tư tưởng và văn hóa ứng xử của Nguyễn Ai Quốc/Hồ Chí Minh. Tư tưởng và văn hóa đó đã từng được nhà báo Liên Xô Osip Emilyevich Mandelstam nhận định trong lần đầu tiên gặp Nguyễn Ái Quốc ở Matxcơva vào năm 1923.
|
Đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta được xây dựng trên cơ sở tư tưởng và văn hóa ứng xử của Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh.
|
Trong lần được diện kiến và trò chuyện duy nhất với Nguyễn Ái Quốc, nhà báo Osip Emilyevich Mandelstam đã đưa ra dự báo: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.
Về sau, “nền văn hóa của tương lai” và “tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương” của Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh không chỉ đã góp phần vô cùng quan trọng tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam mà còn là đại đoàn kết các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ. Đây là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và bảo vệ đất nước sau khi tuyên bố độc lập vào ngày 2/9/1945.
Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của tư duy đối ngoại và văn hóa Hồ Chí Minh, năm 1987 Đại hội đồng UNESCO của LHQ nhất trí thông qua Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc; Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Nghị quyết nêu rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, là người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam và góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên toàn thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhân sự kiện này, báo Times, một tờ báo có uy tín với công chúng ở Mỹ, đã đưa ra nhận định:“Hồ Chí Minh là một trong những chính khách đã làm thay đổi diện mạo của hành tinh trong thế kỷ XX”.
Vận dụng sáng tạo tư duy đối ngoại và văn hóa ứng xử của Hồ Chính Minh, kể từ khi cải cách mở cửa, trong số các quốc gia hữu nghị trên toàn thế giới, Việt Nam đã thiết lập được: 3 quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ; 16 quan hệ đối tác chiến lược (trong đó ngoài 3 đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Đức, Italia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Pháp, Malaysia, Philippines và Australia; 14 quan hệ đối tác toàn diện là Mỹ, Nam Phi, Chile, Brazil, Bolivar, Venezuela, New Zealand; Argentina, Ukraina, Đan Mạch, Myarmar, Canada, Hungary; 1 đối tác đối tác chiến lược theo từng lĩnh vực là Hà Lan; 3 quan hệ đặc biệt với Lào, Campuchia và Cuba.
Như vậy, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác với tất cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc là Nga và Trung Quốc (quan hệ đối tác chiến lược toàn diện), Mỹ (quan hệ đối tác toàn diện), Anh và Pháp (quan hệ đối tác chiến lược). Có lẽ, chỉ có Việt Nam thiết lập được mối quan hệ rộng rãi như vậy.
Trong thời gian đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã thực hiện tốt chức trách của mình, đã đóng góp nhiều sáng kiến nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong những năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ (2014-2019), Việt Nam đã cử 30 lượt cán bộ, sĩ quan tham gia thực hiện nhiệm vụ, triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 (gồm 63 người) và đang tích cực chuẩn bị triển khai Đội Công binh trong thời gian tới. Đại diện thường trú của LHQ ở Việt Nam khẳng định Việt Nam đã làm rất tốt nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Nam Sudan và mong muốn Việt Nam tiếp tục cử đội công binh tham gia lực lượng này trong thời gian tới.
Trong nhiệm kỳ tới (2020-2021), với mong muốn góp đóng vào công cuộc đấu tranh vì một nền hòa bình bền vững trên hành tinh, Việt Nam sẽ có cơ hội chủ động đề xuất và triển khai những sáng kiến mới nhằm đóng góp trực tiếp vào những nỗ lực chung của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế để xây dựng môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác cùng phát triển.