“Ô nhiễm” đạo đức

Ngày đăng: 09:26 02/07/2019 Lượt xem: 462

                                      “Ô nhiễm” đạo đức

                                                Nguồn:Báo Điện tử Sức khỏe và Môi trường

Khái niệm “ô nhiễm trắng” được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây. Nghe và nhận ra ngay rằng người ta nói tới chuyện ô nhiễm rác thải túi nilon, nhựa.

 

Thật đáng báo động quá!

Mới rồi có con cá voi chết vì xơi phải nhiều thức ăn nilon, khi mổ bụng thấy có tới hơn 40 kg các loại túi nilon gồm 16 bao tải gạo, vỏ ngũ cốc và các loại nhựa tổng hợp trong cái dạ dày đáng thương ấy.  Chuyện nọ ở bên Tây. Còn ở ta, hình ảnh những núi rác túi nilon, vỏ nhựa ở các bãi biển đã không còn là chuyện lạ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lêkima Hùng đã lặn lội đi mấy nghìn km dọc bờ biển nước ta để ghi lại và công bố hơn ba nghìn bức ảnh khủng khiếp này. Các nhà khoa học cho hay, hằng ngày ở nước ta có đến 2500 tấn rác thải nhựa đổ ra môi trường. Tuổi thọ của chúng khoảng từ 200 đến 1000 năm. Chao ôi, tự con số đã nói lên mối họa đối với con người!  Nhà nước ta đã có chủ trương lớn chống lại sự ô nhiễm kinh hoàng này. Hôm 9-6, tại lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi toàn dân, hãy nói không với túi nilông, không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Ấy là thứ ô nhiễm trắng phổ biến nhất. Nó gây ra bao thứ bệnh dịch nguy hiểm cho con người.  Loại thứ hai là ma túy, mà chủ yếu là ma túy đá.

Thật đáng sốt ruột quá!

Mấy năm trở lại đây ma túy đá phát sinh nhiều, người nghiện trẻ dùng nhiều. Nghiện loại này gây loạn thần, ảo giác và gây nên những tội ác rùng rợn.  Bình quân mỗi năm cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ gần 20 nghìn vụ, hơn 25 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy. Mới đây tại TP Hồ Chí Minh lực lượng điều tra phát hiện, bắt giữ vụ tàng trữ vận chuyển ma túy tổng hợp lên tới 1,1 tấn. Thật là kinh hoàng! Cái chết trắng là bệnh dịch do ô nhiễm trắng gây ra, đe dọa nghiêm trọng đời sống cộng đồng, làm tan vỡ biết bao gia đình, làm băng hoại đạo đức xã hội.

Lại có một thứ ô nhiễm trắng trừu tượng hơn, gọi đúng tên là “ô nhiễm” đạo đức. Người viết được nghe một diễn giả nói tới trong cuộc hội thảo về thái độ sống, trách nhiệm công dân, cao hơn là trách nhiệm của những cán bộ có chút ít quyền lực.

Thật đáng lo lắng quá!

Đó là lối sống nhờ nhờ, nhàn nhạt của một “bộ phận không nhỏ” đang ngồi trên ghế của các cơ quan công quyền. Họ có thể không gây những khuyết điểm trầm trọng. Cũng khó chỉ ra những sai sót trong từng công việc cụ thể. Khi họp hành, thảo luận họ đôi khi cũng hăng hái phát biểu, cũng cao giọng cảnh báo về sự suy thoái đạo đức, về hiện tượng nơi này nơi kia để xảy ra tham nhũng, lãng phí. Thậm chí còn chỉ tên ông này bà kia chức vụ to đùng đầy mình tội lỗi mà sao chưa bị sờ đến (!). Nói một tấc đến trời như thế, nhưng những người chung quanh thì hiểu rất rõ, gọi anh ta là “thầy phán”. Quả bóng trách nhiệm đến chân là xoay người rõ nhanh đá ngay sang người khác. Những khi cần thái độ rõ ràng về một điều gì đó thì anh ta lảng tránh bằng cách nói “lạc đề”. Nhưng khi thấy số đông tỏ ý tán thành một vấn đề khác mình thì đành phải nói dựa, nói theo, chứ cũng không đủ lập luận, dũng khí để nói rằng tôi không đồng ý, tôi xin bảo lưu ý kiến.

Một kiểu gây “ô nhiễm” nữa là tung tin thất thiệt, vận động lôi kéo, kích động làm nhiễu thông tin trong cơ quan, đơn vị. Cách này cũ rồi, các cụ ngày xưa bảo rằng “chưa đụng mõ đã gõ thớt”. Cũ mà những anh cơ hội chủ nghĩa vẫn cứ khư khư giữ nó cũng vì họ yêu mình quá, chả thấy chung quanh có ai hơn mình. Chuyện thường xảy ra mỗi khi chuẩn bị củng cố tổ chức, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Họ làm đủ mọi cách, từ rỉ tai người khác đến gọi điện, đưa tin thất thiệt lên mạng xã hội, viết đơn mạo danh, nặc danh gửi đến cơ quan hữu quan. Nhưng vào cuộc họp thì không thấy anh ta có ý kiến gì về đối tượng đang bị “đá ngầm”, thậm chí còn “bày tỏ sự ủng hộ” đồng chí này lên chức cao hơn, vì anh ta biết kết quả cuối cùng là ở những lá phiếu (!).

Những cán bộ nhờ nhờ nhàn nhạt, thay hình đổi dạng như những con kỳ nhông như thế đúng là đã làm ô nhiễm không khí lành mạnh trong đơn vị. Nhưng họ không giấu mình mãi được. Bởi trong một tập thể vững mạnh, đoàn kết, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ thì người ta nhận chân rất rõ ai chân chính, ai cơ hội. Và thứ “ô nhiễm trắng” về đạo đức công vụ trước sau cũng bị tẩy rửa./.

tin tức liên quan