Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử

Ngày đăng: 08:58 03/07/2019 Lượt xem: 408


     Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử


                                                      Đại sứ Phạm Quang Vinh 

Trump tâm sự: Khi tôi đã đưa lời mời lên mạng xã hội, mà ông ấy không tới, thì báo chí chắc chắn sẽ bêu riếu tôi tồi tệ. Ông Kim đã tới, thì tôi tốt rồi.
 

Bất ngờ, háo hức, tò mò và khen chê nhiều chiều - là điều mà báo chí, dư luận dành cho sự kiện gặp gỡ Trump-Kim tại Khu vực lịch sử DMZ cuối tuần qua - thậm chí át cả sự kiện chính Hội nghị thượng đỉnh G20 và cuộc gặp được cả thế giới hồi hộp theo dõi từ lâu là thượng đỉnh Trump-Tập.

Làm nên điều đó bởi có những nhân vật rất khác biệt: Đó là Donald Trump - cùng với Kim Jong-Un.

Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử - Ảnh 1.

Một năm trước, thế giới ngạc nhiên trước việc Trump-Kim gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 6.2018 tại Singapore.

Bất ngờ vì, một Tổng thống Mỹ, theo thông lệ, sẽ không thể gặp người đứng đầu của một quốc gia "độc đoán", "thù địch", bị Mỹ "cấm vận", giữa những tin đồn Triều Tiên có đủ năng lực bắn tên lửa, hạt nhân đến tận lãnh thổ Mỹ. Càng bất ngờ, chỉ năm trước, hai nhân vật này còn dùng những ngôn từ rất nặng để thoá mạ nhau, kẻ gọi Kim là "Little Rocket Man" (Trẻ ranh Tên lửa), người gọi Trump là "Dotard" (Lão già Lẩm cẩm), thậm chí còn đe dọa triệt tiêu lẫn nhau.

Nhưng, họ đã trực tiếp gặp nhau - Cuộc gặp đầu tiên kết thúc với việc đưa ra các nguyên tắc cho việc giải trừ hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên và hướng tới bình thường hoá quan hệ Mỹ-Triều.

Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử - Ảnh 2.

Ảnh: AP

Sau 8 tháng, Trump-Kim có cuộc gặp thứ hai, vào tháng 2.2019, sau khi Kim đưa tín hiệu mong gặp lại trong phát biểu đầu năm mới và được Trump hưởng ứng. Lần này họ chọn Việt Nam, như là một địa điểm tin cậy và mang tính biểu tượng, với kỳ vọng sẽ có bước tiến lớn. Thực sự, đã có những kỳ vọng như vậy, nhưng cuộc gặp kết thúc mà không ra được một Tuyên bố, vì nhiều lý do, đối ngoại có, đối nội có.

Tiến trình ngoại giao ngưng đọng. Càng phức tạp khi tháng 5.2019, Triều Tiên thử tên lửa hạng nhẹ. Nội bộ Mỹ, nhiều giới chỉ trích, gây áp lực với Trump. Mặc dù trong tháng 6, hai bên có một số động thái, nhưng không một ai nghĩ Trump-Kim lại có thể gặp ngay trong tháng này, khi mà nghị sự của Trump quá bận rộn về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và chuẩn bị cho nghị sự cấp cao dày đặc dịp G20.

Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử - Ảnh 3.

Thế giới rất bất ngờ khi sớm 29.6, nhận được tin Trump đăng một tweet vào 5.51 sáng, mời gặp Kim tại Khu phi quân sự DMZ nhân thăm Hàn Quốc, chỉ để "bắt tay và chào hello" (trích nguyên văn tweet).

Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử - Ảnh 4.

Khó có ai tin sẽ thành sự thật. Nhưng Trump tin sẽ có hồi âm, dù thuận hay không thuận. Và Kim đã nhận lời. Tổng thống Hàn Quốc Moon đã luôn có mặt và đóng góp ý nghĩa vào cả việc chuyển thông điệp, chuẩn bị và dự chứng kiến các sự kiện.

Ngày 30.6 đã chứng kiến nhiều dấu mốc lịch sử tại địa điểm lịch sử Bàn Môn Điếm.

Không chỉ bắt tay và chào nhau, hai nhà lãnh đạo đã gặp riêng trong 40 phút, quyết định tái khởi động quá trình đàm phán ngay trong tháng 7; Trump đã bước qua đường phân giới gần 7 thập kỷ qua tại Khu phi quân sự và là Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên; Trump đã mời Kim tới thăm Nhà Trắng, còn Kim nói sẽ rất hoan nghênh nếu Trump đến thăm Bình Nhưỡng. Đó là những điều chưa từng có.

Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử - Ảnh 5.

Ảnh: KCNA

Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử - Ảnh 6.

Sẽ hiểu rõ hơn nếu đi vào những suy nghĩ, tâm sự có lẽ là rất cởi mở của hai nhà lãnh đạo.

Tổng thống Trump bộc bạch, sớm 29.6, khi đang ở Nhật, nghĩ đến chuyến thăm Hàn Quốc ngày hôm sau và sẽ đi Khu DMZ, vậy có nên mời Kim đến gặp và tự trả lời - tại sao không - Thế là ông đã đưa lên Tweet cá nhân lời mời theo cách rất riêng của Trump. Trên đó ông còn viết, nếu Kim đọc được lời mời này trên Tweet (sau đó ông nói, ông tin là người của Kim chắc chắn sẽ biết và báo cáo).

 

Trump tâm sự: Khi tôi đã đưa lời mời lên mạng xã hội, mà ông ấy không tới, thì báo chí chắc chắn sẽ bêu riếu tôi tồi tệ. Ông Kim đã tới, thì tôi tốt rồi.

Còn Kim nói: Đã rất bất ngờ về lời mời gặp ở DMZ trên Tweet của ông Trump, vì vậy, phải tới cuối chiều 29.6, mới xác nhận được điều này. Cả hai ông đều gọi đây là cuộc gặp, sự kiện lịch sử và cảm ơn nhau.

Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử - Ảnh 7.

Ảnh: NYTimes

Cũng cần chú ý là tâm sự của Tổng thống Hàn Quốc Moon, khi ông nói: "Tổng thống Trump đã mang đến niềm hy vọng lớn bằng điều ông ấy đưa lên Tweet ngày hôm qua - Với tôi, tôi cảm nhận như mùa hoa hy vọng bừng nở trên bán đảo Triều tiên. Cuộc gặp Trump-Kim hôm nay đã đem lại hy vọng cho 80 triệu người dân tộc Triều Tiên".

Cũng cần nhớ rằng, kể từ lúc Trump đăng Tweet (5.51’ ngày 29.6) đến lúc Trump-Kim gặp, bắt tay chào nhau (3.45’ ngày 30.6), chỉ chưa đầy 34 tiếng đồng hồ. Có thể nói là nhanh kỷ lục, bao gồm cả chuyển, nhận thông điệp, đưa ra quyết định, chuẩn bị các khâu và đi đường cho một sự kiện cấp cao, có ý nghĩa đặc biệt này.

Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử - Ảnh 8.

Khi các sự kiện qua đi, lại có những đánh giá rất trái chiều về các sự kiện vừa qua. Nhiều người nhấn ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng không ít người nói: đó chỉ là show diễn của Trump, ngoài những cái bắt tay, tung hô và việc nối lại đàm phán, hai bên không đạt thêm được gì, nhất là chưa đạt được gì về lộ trình Triều Tiên phi hạt nhân hoàn toàn và có kiểm chứng. Đó cũng là quan ngại xác đáng.

Nhưng cũng cần khách quan, công bằng và nhìn tổng thể hơn.

Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử - Ảnh 9.

Trong một năm qua, Trump-Kim đã tái lập tiến trình ngoại giao có ý nghĩa, từ một bán đảo Triều Tiên căng thẳng, liên tục các vụ thử và với sự đổ bể của đàm phán 6 bên, đã không còn các nỗ lực ngoại giao nào.

Vượt qua rào cản và thông lệ, hai nhà lãnh đạo đã có 3 cuộc gặp trực tiếp chỉ trong vòng 1 năm. Những vụ thử hạt nhân, tên lửa cấp chiến lược tạm ngừng, việc trao trả các hài cốt quân nhân Mỹ từ chiến tranh Triều Tiên đã được khởi đầu và tiếp tục, các ngôn từ đe dọa, kích động được thay thế bằng những thái đọ xây dựng hơn, vun vào đối thoại. Đây không phải là điều dễ dàng, nhất là sức ép đối nội của mỗi bên.

Với cả hai nhà lãnh đạo, đó là sự khởi đầu rất ý nghĩa, sang trang mới. Họ dành cho nhau sự tôn trọng cá nhân và cách nhìn tích cực nhất, kể cả khi đứng trước những tình huống tiêu cực, phức tạp, chịu sức ép, mà với những người khác, quan hệ hai bên chắc đã đảo chiều, ngoại giao hay đối thoại khó có thể diễn ra.

Sự chủ động đóng góp và ủng hộ của Tổng thống Hàn Quốc là hết sức quan trọng, khó có thể thiếu. Thủ tướng Nhật Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều khẳng định sự ủng hộ đối với các nỗ lực này, dù có thể với những mức độ, tính toán khác nhau.

Việc Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên vượt qua phân giới DMZ đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên và mời Chủ tịch Kim thăm Nhà Trắng, không chỉ có tính lịch sử, mà chắc chắn sẽ là biểu tượng mà cá nhân Chủ tịch Kim và nội bộ Triều Tiên trân trọng. Chủ tịch Kim đã phải nhận xét: Hành động của Trump là rất dũng cảm và sẽ tạo thuận lợi cho các bước thương lượng khó khăn sắp tới.

Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử - Ảnh 10.

Chủ tịch Kim cũng thừa nhận, nếu không có quan hệ cá nhân thì không thể tổ chức được một cuộc gặp bất ngờ, gấp gáp như thế này ở cấp cao. Nhưng nó đã thành hiện thực và theo đó, tiến trình đàm phán cũng đã được tái khởi động, một cách nhanh chóng và xây dựng nhất có thể.

Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử - Ảnh 11.
Trump - Kim ở DMZ: Ngoại giao cá nhân và những dấu ấn lịch sử - Ảnh 12.

Đó là điều chắc chắn, vì sẽ phải vượt qua những hệ lụy sâu sắc của 7 thập kỷ chiến tranh, cấm vận, đối đầu nghi kị.

Trong gặp gỡ, cả hai phía đều khẳng định sẽ tiếp nối những đàm phán và hiểu biết đã đạt được trong thời gian vừa qua, nhất là cuộc gặp cấp cao tại Hà Nội tháng 2.2019, với tinh thần xây dựng.

Câu chuyện khó nhất vẫn là làm sao giải quyết song hành các vấn đề, không chỉ giữa hai nước mà còn cho cả Bán đảo Triều Tiên, nhất là giữa các yêu cầu, lộ trình về phi hạt nhân hoá và dỡ bỏ cấm vận, bình thường hoá quan hệ. Cần có nhân nhượng từ cả hai phía, dù điều này không dễ. Nhưng, với đà hiện nay, chắc hai phía có thể đối thoại, sẵn sàng nói và nghe, thẳng thắn, cả với những vấn đề khó nhất, còn nhiều khác biệt.

Ngay sau cuộc gặp Bàn Môn Điếm, hai bên đã bắt tay vào khẩn trương chuẩn bị cho đàm phán ở cấp chuyên gia, được dự kiến vào trung tuần tháng 7.2019. Hy vọng tiến triển để sớm dẫn đến tổ chức cấp cao Trump-Kim trên đất Mỹ và tại Nhà Trắng - điều sẽ đòi hỏi hai bên phải quyết tâm rất nhiều, vì phải có những kết quả có ý nghĩa để công bố.

Đối thoại, ngoại giao, thay thế cho căng thẳng, đối đầu, đòi hỏi hai bên tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, từ đó có những bước đi mới, cho một quá trình có thể dẫn đến giải pháp lâu dài. Vượt qua thông lệ, Trump-Kim đã tạo ra sự khởi đầu ý nghĩa đó.

Theo đó, sắp tới, sẽ lại là đợt báo chí, dư luận rất quan tâm, trông đợi, săn tin.

tin tức liên quan