Đẻ nhờ Thứ ba, 9/7/2019, 01:26 (GMT+7) Hơn 3 năm trước, một thai phụ qua người quen lặn lội mấy trăm cây số về Hà Nội, tìm gặp tôi xin được làm siêu âm thai với tâm trạng lo lắng. Chị muốn siêu âm trả lời chính xác ngày sinh con. Yêu cầu đó của chị đối với tôi hay với bất cứ bác sĩ nào là không thể. Dựa theo chu kì kinh nguyệt hay tính toán bằng siêu âm, thì thời điểm sinh con dự kiến vẫn bị dao động trong khoảng trước và sau 2 tuần. Đó là đứa con đầu lòng, hai vợ chồng đã phải rất nỗ lực và chờ đợi trong thời gian dài, con đường làm mẹ của người vợ không được dễ dàng. Nhưng đó chưa phải là lý do làm thai phụ lo lắng nhất. Cả huyện miền núi nơi chị sống chỉ có đúng một bác sĩ chuyên khoa sản, ở một bệnh viện nằm trong thị trấn rất nhỏ không có nhiều việc để làm. Các huyện quanh vùng cũng như thế. Cách đó khoảng 6-8 giờ đồng hồ di chuyển, sẽ có bệnh viện lớn chuyên về sản phụ khoa của tỉnh, nơi có nhiều bác sĩ và nhiều điều kiện tốt hơn; nhưng chị không có điều kiện xuống tỉnh chờ đẻ. Chị thực hiện chuyến "du lịch" đầu đời về Hà Nội với hy vọng được biết chính xác ngày sinh rồi về huyện chờ đẻ. Nếu đúng ngày đó, người bác sĩ chuyên khoa sản đi công tác, hay bị ốm không thể đến viện, thì chồng thai phụ sẽ phải đưa vợ đi "đẻ nhờ" ở những huyện xung quanh, đề phòng tình huống xấu như ca đẻ khó hoặc phải mổ. Tôi biết nhiều sản phụ ở các huyện đã từng đi "đẻ nhờ". Không ít trong số đó thực hiện chuyến "du lịch" đầu tiên trong đời ra khỏi huyện là chuyến đi để sinh con. Họ phải lặn lội quãng đường xa đến vài tiếng đồng hồ. Chỉ cần tưởng tượng, những chiếc xe máy chở bà bầu đi xuyên đường rừng, không có sự kiểm soát đau đớn, hay người chồng không biết phải làm gì nếu em bé sắp ra đời, chừng đó thôi cũng đủ làm cho những người có chuyên môn như tôi phải ám ảnh. Nỗi ám ảnh đó mang tên "thiếu hụt bác sĩ ở các vùng nông thôn" mà tôi tin rằng nhân viên y tế nào cũng thấu hiểu. Nó được bộc lộ rõ nhất qua vụ tai biến sản khoa vừa xảy ra ở BVĐK huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), khi một thai nhi tử vong với vết đứt ở cổ, bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt lại là người trực chính tại khoa sản hôm đó. Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng, thì rõ ràng việc BVĐK huyện Đức Thọ bố trí một bác sĩ răng hàm mặt làm công việc của bác sĩ sản khoa, sẽ là điều sai không thể chấp nhận được. Nhưng xem xét vấn đề kĩ càng sẽ thấy các bệnh viện tuyến huyện đều phải làm như thế. Nếu bệnh viện chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa sản, thì không thể bắt người bác sĩ ấy ngày nào cũng làm việc 24/24 giờ. Bệnh viện có 2 bác sĩ cũng vậy, không thể hoán đổi nhau làm việc 24/24 giờ, mà ngành y vẫn gọi là "trực giã giò". Các chuyên khoa khác cũng tương tự. Vì thế mà các bệnh viện huyện phải thực hiện giải pháp trực chung hệ ngoại khoa. Nghĩa là các chuyên khoa ngoại, sản, răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt sẽ được xếp trực chung ngoài giờ hành chính. Ví dụ bác sĩ răng hàm mặt vẫn tham gia trực sản, giải quyết những ca sinh đẻ trong khả năng, nếu gặp ca khó thì mời bác sĩ đúng chuyên khoa. Có một thực trạng là các bệnh viện huyện không tuyển được bác sĩ. Tôi đã đi nhiều các vùng nông thôn, đó là những vùng đất rộng lớn, đặc biệt là miền núi bà con dân tộc sống với một thế giới khác hoàn toàn so với thành thị. Dân số thưa thớt làm cho việc triển khai chính sách y tế trở nên vô cùng khó khăn, trong khi y tế đòi hỏi phải bình đẳng, không thể bỏ rơi một người chỉ vì họ không sống ở Hà Nội hay Sài Gòn, ngay cả một quả núi chỉ có vài hộ gia đình thì họ vẫn cần được chăm sóc sức khỏe, thậm chí người dân ở nông thôn cần phải chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Thiếu bác sĩ ở các vùng nông thôn không phải đến hôm nay mới xảy ra. Từ hơn 6 thập kỉ trước, toàn miền Bắc chỉ có 404 bác sĩ, dù được đào tạo chương trình của Pháp 7 năm nên trình độ chuyên môn không thua kém và thậm chí còn vượt trội so với bác sĩ Pháp. Nhưng nhu cầu về số lượng bác sĩ ở thời điểm năm 1960, miền Bắc cần tối thiểu 3000 bác sĩ. Vì thế, chương trình đào tạo y khoa được rút ngắn xuống 4 năm với bác sĩ hệ chính quy, đào tạo thêm hàng loạt bác sĩ hệ chuyên tu, tại chức để bổ sung về các vùng nông thôn và miền núi. Suốt từ đó đến nay, các bệnh viện huyện đã có bác sĩ, nhưng đa số bác sĩ chuyên tu và tại chức, họ là những y tá và y sĩ từ đơn vị cử đi học hàm thụ rồi quay trở lại làm việc. Bệnh viện huyện rất khó để tuyển được bác sĩ hệ chính quy. Lý do đã từng được đưa ra, đó là tiền, tức là chế độ đãi ngộ; nhưng tôi cho rằng tiền chỉ là một vấn đề, còn vấn đề quan trọng hơn chính là môi trường sống và làm việc. Rất khó để một người xuất phát từ làng quê nghèo nhưng học xuất sắc nhất và thi đỗ Đại học Y Hà Nội, sau khi tốt nghiệp quay lại làng quê nghèo ấy để hành nghề bác sĩ. Đến nhiều bệnh viện huyện, đập vào mắt tôi là cảnh bác sĩ kiêm thêm những công việc như quét dọn, rạc cỏ, cuốc đất trồng cây thuốc hay nhiều lao động phổ thông khác, đến hôm nay vẫn còn. Tôi được nghe kể có bệnh viện trước đây, khi bệnh nhân vào phải mổ, thì phẫu thuật viên lại là ông bảo vệ, vì đó là bác sĩ kiêm nhiệm. Tất cả những điều đó, không thể là môi trường tốt, để có sức hấp dẫn người bác sĩ. Môi trường tốt phải là môi trường chuyên nghiệp của thời đại kĩ thuật số và Internet băng thông rộng cho phép người bác sĩ kết nối được với cộng đồng và thế giới văn minh, đảm bảo đời sống vật chất cho bác sĩ, tôn trọng người bác sĩ thay vì đối xử với họ bằng những cú đấm. Tôi cho rằng, vấn đề "thiếu hụt bác sĩ ở các vùng nông thôn" đang là đỉnh của một tảng băng lớn, đó là vấn đề cấp bách quốc gia, nếu chỉ chống chế bằng những giải pháp rời rạc sẽ không ổn, mà cần phải có những giải pháp tích hợp toàn diện. Rõ ràng, ngành y tế trong 6 thập kỉ qua đã cố gắng rất nhiều, nhưng để chữa được căn bệnh "thiếu hụt bác sĩ ở nông thôn" thì y tế vẫn còn phải thực hiện bước đột phá thực sự. Trần Văn Phúc PS st Theo VnExpress