Trung Quốc nói gì về Biển Đông với các nước ASEAN?
Nguồn:Báo Điện tử Vietnamnet
Trung Quốc ‘đe’ các quốc gia bên ngoài rằng sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm gieo rắc bất hòa giữa Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á.
Tờ Inquirer (Philippines) dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sau cuộc họp hôm qua với những người đồng cấp ASEAN.
|
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN |
Theo ông Vương Nghị, bất đồng có thể giải quyết một cách hòa bình giữa các bên có liên quan. Ông này cũng tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh về việc hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử với ASEAN về Biển Đông sẽ giúp khu vực trở nên ổn định hơn.
Phát biểu của ông Vương Nghị được đưa ra giữa lúc các tàu của Trung Quốc đang hoạt động trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Nam Biển Đông.
Còn Philippines hôm 31/7 đã gửi công hàm phản đối sau khi phát hiện 113 tàu Trung Quốc hoạt động gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Và trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana cho rằng, Trung Quốc hành động khác với những tuyên bố của họ về Biển Đông và "bắt nạt" Philippines khi chiếm bãi cạn Scarborough.
|
Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/7 tuyên bố, việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp ở Biển Đông cùng với những nỗ lực khác nhằm khẳng định yêu sách hàng hải phi pháp ở vùng biển này như sử dụng lực lượng dân quân hàng hải để khiêu khích, đe dọa, áp chế các nước khác là phá hoại hòa bình và an ninh khu vực.
Trong thông cáo chung sau cuộc họp thường niên hôm qua, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã bày tỏ quan ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng ở Biển Đông làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Thông cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện xây dựng lòng tin và khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
“Chúng tôi tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường niềm tin, tự kiềm chế trong các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS 1982. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc thực hiện các hoạt động của các bên tuyên bố chủ quyền và những nước khác", thông cáo nêu rõ.
Ở cương vị nước chủ nhà tổ chức hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Thái Lan đã thúc giục các nước thành viên trong khối “linh hoạt hơn” trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng trên toàn cầu.
“Chúng ta phải nhận ra rằng, hướng nội không phải là lựa chọn của chúng ta và sẽ không bao giờ như vậy”, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai phát biểu khai mạc hội nghị. “Trong bối cảnh bất ổn, chúng ta phải hướng ngoại và tiến về phía trước hơn bao giờ hết”.
Ông cũng cảnh báo rằng, con đường phía trước có thể khó khăn nhưng sự hợp tác lớn hơn giữa các thành viên ASEAN và những đối tác bên ngoài có thể giúp duy trì tăng trưởng dài hạn.