Những cánh đồng trong bão Thứ bảy, 3/8/2019, 13:26 (GMT+7) Khi bão lũ, sạt lở và dịch bệnh cướp đi hết cơ nghiệp trong chớp mắt, người nông dân chỉ biết thốt lên: “Âu cũng là số trời”. Việt Nam đã hứng chịu 9 cơn bão, khiến 200 người chết và thiệt hại hơn 20.000 tỷ đồng vào năm ngoái. Thống kê gần nhất của tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, đại dịch cúm gia cầm kể từ khi xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2004 đến 2017 đã lấy đi 1,8% giá trị GDP và sinh mạng của 125 người. Những tháng đầu năm nay, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, thiệt hại được lên tới hàng nghìn tỷ. Cách đây tám năm, khi tôi đang làm quản lý cho một doanh nghiệp chế biến cá tra có vùng nuôi tại xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. Mùa lũ năm đó, nước lớn bất thường làm vỡ bờ một ao cá tra đang kỳ thu hoạch, cạnh khu vực tôi quản lý. Chủ ao, anh Phú nói: "Tui không ngờ sạt lở nhanh như vậy, tui chưa kịp chuẩn bị gì". Thông thường tình trạng này chỉ xảy ra vào mùa lũ. Anh phờ phạc đứng nhìn khối tài sản trị giá hơn 6 tỷ đồng trôi theo dòng Mekong cuồn cuộ. Vài hôm sau, tôi nghe tin anh rao bán phần ao nuôi cá của mình cho một doanh nghiệp và chấp nhận làm thuê trên chính mảnh đất ấy. Khoản lỗ quá lớn làm kiệt quệ kinh tế gia đình, đẩy anh Phú vào cảnh nợ nần. "Âu cũng là số trời", anh ngậm ngùi khi tôi có dịp gặp lại anh vào năm ngoái. Sau khi anh Phú mất ao cá, tới lượt công ty tôi chịu thiệt hại hơn 3 tỷ đồng khi dịch bệnh gan thận mủ trên cá tra giống bùng phát. Các biện pháp phòng trị thông thường đều không có tác dụng, tỷ lệ cá chết lên đến 80%. Công nhân thay nhau vớt xác cá trong ao cả ngày không xuể. Đó cũng là tình trạng chung của hàng loạt doanh nghiệp vùng nuôi cá tra tại Đồng Tháp. Anh Phú và công ty tôi chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp trắng tay do diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh. Hãy tưởng tượng thêm, nếu một đại gia bị lũ cuốn trôi chiếc "siêu xe" với giá trị tương đương, chắc chắn ông được bồi thường bởi một công ty bảo hiểm. Nghịch lý là mặc dù đều có giá trị hàng tỷ đồng, hầu hết người nuôi và các công ty nông nghiệp, thủy sản tôi biết đều không có bất cứ hợp đồng bảo hiểm nào. Dịch bệnh và thiên tai là mối nguy khó đoán định với nhà nông ở bất cứ quốc gia nào, gây tổn thất trầm trọng và mất thời gian dài để khôi phục. Mặc dù vẫn là ngành kinh tế chủ lực, nhưng nông nghiệp lại ít được bảo vệ hơn các ngành khác. Thực tế cho thấy, không một chính phủ nào có thể dự báo hết những rủi ro trong tương lai, vì vậy cũng không có một chính sách nào có thể giúp nông dân an toàn trước các thảm họa thiên nhiên. Vì thế, vai trò thiết kế một tấm "đệm chống sốc" để giảm thiểu tổn thất từ thiên nhiên của nhà nước rất quan trọng. Bảo hiểm nông nghiệp là giải pháp chính của vấn đề. Những người như anh Phú có thể khôi phục sản xuất nếu được bồi thường, nền kinh tế cũng sẽ chuyển biến tích cực hơn nếu có sự tiếp sức từ nguồn lực bảo hiểm nông nghiệp. Chính phủ đã nhận ra câu chuyện, đã có nhiều tuyên bố và chính sách bước đầu hỗ trợ đầu tư vào thị trường bảo hiểm nông nghiệp, nhưng vẫn có rất ít doanh nghiệp tham gia. Ở chiều hướng ngược lại, mặc dù hiểu rõ các rủi ro tiềm ẩn, nhưng nông dân vẫn không tha thiết với dịch vụ bảo hiểm cây trồng, vật nuôi. Rất nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra để giải thích cho tình trạng trên. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của bài toán bảo hiểm nông nghiệp theo tôi chính là "lợi ích và chi phí". Nông nghiệp là một lĩnh vực có mức độ rủi ro cao, chí phí giám định khi xảy ra thiệt hại cũng rất lớn. Để có lợi nhuận, doanh nghiệp phải thu một mức phí cao, định mức bồi thường thấp, đồng thời thẩm định khách hàng rất kỹ. Điều này rõ ràng không thu hút nông dân, những người muốn bồi thường tốt với mức phí vừa phải, thủ tục thông thoáng. Nếu nhìn từ góc độ tài chính, rõ ràng không bên nào được hứa hẹn sẽ đạt lợi ích kỳ vọng. Đây là lý do bảo hiểm nông nghiệp thất bại thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, lợi ích thu được của toàn bộ nền kinh tế nếu có bảo hiểm nông nghiệp rất quan trọng. Các nông hộ được bồi thường từ bảo hiểm có điều kiện để tái đầu tư, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất vì thế cũng đảm bảo doanh thu, GDP của quốc gia bớt tổn hại. Vì vậy, thị trường cần vai trò đầu tàu của nhà nước. Đây cũng là cách tiếp cận đã thành công ở nhiều nơi. Đơn cử như bảo hiểm trên cây trồng tại Hàn Quốc, chính phủ trung ương và địa phương hỗ trợ hơn 70% phí bảo hiểm cho nông dân; nhà nước cũng chi trả cho những khoản bồi thường lớn, vượt quá 1,8 lần tổng phí. Điều này giúp bảo hiểm nông nghiệp hấp dẫn với nông dân xứ Hàn. Một giải pháp khác khác là "đặc thù hóa" các gói bảo hiểm riêng biệt. Với người nuôi cá tra như anh Phú, do đặc thù các ao nuôi nằm ở khu vực cồn cát, dễ sạt lở nên nông dân chỉ có nhu cầu bảo hiểm khi vỡ đê. Nếu có gói "bảo hiểm vỡ đê", doanh nghiệp bảo hiểm sẽ an tâm bởi họ không phải bồi thường khi tổn thất do dịch bệnh hay thời tiết khắc nghiệt. Phạm vi bồi thường được thu hẹp đáng kể, từ đó mức phí cũng thấp hơn, nông dân dễ dàng chấp nhận. Trong khi chờ "tấm đệm chống sốc" từ nhà nước, nông dân cần được chỉ dẫn tạo ra những biện pháp phòng vệ tại chỗ. Các hiệp hội, hợp tác xã sẽ là chỗ dựa cho người nuôi trồng nếu có những nguồn quỹ dự trữ được đóng góp bởi các thành viên hàng năm và chỉ sử dụng khi gặp tình huống bất thường. Dịch bệnh, thiên tai tới đây vẫn là "chuyện của trời", và ngành nông nghiệp sẽ còn gánh nhiều ảnh hưởng. Hàng triệu nông dân có quyền đề nghị và chờ đợi chính sách bảo hiểm nông nghiệp được tái thiết và thực thi hiệu quả. Lâm Trọng Nghĩa PS st Theo VnExpress