Mưu đồ của Trung Quốc và đối sách của Việt Nam ở Biển Đông
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
“Chúng ta tiếp tục đấu tranh bằng mọi cách để giải quyết những tranh chấp bất đồng bằng thương lượng, hòa bình. Thương lượng có thể song phương, đa phương tùy sự việc xảy ra liên quan đến các quốc gia”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật nói.
Qua nghiên cứu, đối chiếu với những quy định của Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế The Haye năm 2016 (được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982) chúng ta có căn cứ pháp lý rõ ràng khẳng định khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Quế Trân là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngụy biện
Khi đưa tàu đến thăm dò Bãi Tư Chính, lập luận phía Trung Quốc đưa ra là xem bãi Tư Chính là một phần của "quần đảo Nam Sa" (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc "chủ quyền bất khả xâm phạm" của họ. Tuy nhiên, lập luận này hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS 1982, đặc biệt đã bị phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016 bác bỏ.
Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc l Ảnh nhỏ: Hình ảnh được phó giáo sư Ryan Martinson đăng tải trên Twitter cho thấy hải trình của tàu Hải Dương địa chất 8 từ ngày 3/7 tới 19/7, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam- Ảnh chụp màn hình HK01 (Ảnh: IT)
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục – Nguyên trưởng ban biên giới Chính phủ, chiếu theo Công ước Luật biển, bãi Tư Chính hay bãi ngầm Tư Chính, một cụm san hô ở phía Nam Biển Đông, nằm trong thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam nước này (trong đó có bãi Tư Chính) thành đảo nổi và không gán ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.
“Do đó, việc Trung Quốc đang âm mưu biến khu vực bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam (được công nhận chiếu theo UNCLOS 1982) thành khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa bằng lập luận trên là sự ngụy biện và vi phạm nghiêm trọng đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”, Tiến sĩ Trần Công Trục nói.
Tiến sĩ Trần Công Trục – Nguyên trưởng ban biên giới Chính phủ (Ảnh: Hoàng Thược)
Ông cũng cho biết thêm: “Công ước luật biển năm 1982 nêu rõ, thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của đất liền ra đến biển không quá 200 hải lý. Lấy định nghĩa đó đối chiếu với hành vi của Trung Quốc hiện sẽ thấy hoàn toàn không đúng pháp luật.
Đất liền của Trung Quốc ở Hải Nam. Làm gì có thềm lục địa nào gọi là đáy biển tự nhiên kéo từ đảo Hải Nam xuống tận phía Nam Biển Đông. Xét về tất cả các khía cạnh khoảng cách theo tiêu chuẩn công ước quy định vùng này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bởi có những điểm Việt Nam còn cách dưới 200 hải lý”.
Đối sách
Để giải quyết những vấn đề ở biển Đông, Việt Nam đã rất kiên trì, nỗ lực đàm phán song phương nhưng dường như phía Trung Quốc đang cố tình phớt lờ những nỗ lực đó.
Hành động phớt lờ của Trung Quốc được Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật cảnh báo: “Đã là quyết tâm chiến lược, lợi ích cốt lõi của họ thì khó đạt được song phương. Mục tiêu của họ không thuần túy là vấn đề tài nguyên. Mục tiêu của họ còn lớn hơn chúng ta biết, đó là “địa chiến lược” (lợi ích của một quốc gia được đảm bảo để tăng thế và lực của mình trên trường quốc tế - PV)”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật (Ảnh IT)
“Tôi rất mừng vì tại họp thường kỳ ASEAN mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Bình Minh đã lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam”, ông Giao nói.
Về đối sách lâu dài, người đứng đầu Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật cũng đề xuất các lực lượng chức năng trên biển Việt Nam cần tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp để thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển của Việt Nam.
“Chúng ta tiếp tục đấu tranh bằng mọi cách để giải quyết những tranh chấp bất đồng bằng thương lượng, hòa bình. Thương lượng có thể song phương, đa phương tùy sự việc xảy ra liên quan đến các quốc gia”, Tiến sĩ Giao nói.
Việt Nam phản ứng về việc Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 trở lại xâm phạm
Ngày 16/8/2019, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13/8/2019 tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.
Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế”.
|