Thiên tài Hồ Chí Minh qua những tài liệu quý từ Pháp, Mỹ
Nguồn: Báo Điện tử VOV
Những tư liệu quý mà Pháp và Mỹ dày công sưu tầm đã cho thấy tầm vóc thiên tài của Người đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.
Triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế” đã khai mạc ngày 28/8 tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Hình ảnh giới thiệu về Triển lãm.
Triển lãm do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ba cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ tổ chức với hơn 100 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn kỹ lưỡng từ các cơ quan lưu trữ, cơ quan văn hóa của Việt Nam, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ.
Gây chú ý từ “Bản yêu sách của nhân dân An Nam”
Người thanh niên Nguyễn Ái Quốc lần đầu gây tiếng vang trên trường quốc tế với “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” do Người thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước gửi đến Hội nghị Hòa bình Versailles, ngày 18/6/1919.
Thông tin tình báo về Nguyễn Tất Thành của Sở Mật thám Đông Dương. Tài liệu: Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại Pháp
Dù vậy, bản yêu sách của Nguyễn Ái Quốc cũng đã gây ra sự chú ý “không mong muốn” từ chính quyền thực dân Pháp. Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại Pháp đã thu thập được rất nhiều tài liệu cho thấy, chỉ vài ngày sau khi bản yêu sách được gửi đến Hội nghị Hòa bình Versailles, Sở Mật thám Đông Dương cùng các cơ quan chức năng khác của Pháp đã được yêu cầu và đã thu thập được rất nhiều thông tin tình báo về Nguyễn Ái Quốc.
Sự “quan tâm đặc biệt” của chính quyền thực dân Pháp đối với Nguyễn Ái Quốc tiếp tục kéo dài hàng chục năm sau. Vào ngày 25/11/1932, Lãnh sự Pháp tại Hong Kong Soulange Teissier đã gửi thư tới Toàn quyền Đông Dương về vấn đề Nguyễn Ái Quốc. Thậm chí, Cơ quan Liên lạc với người bản xứ thuộc lãnh thổ của Pháp ở Hải ngoại còn thu thập thông tin chi tiết về mọi hoạt động của Người từ khi sinh ra đến tận năm 1943.
Lãnh sự Pháp tại Hong Kong Soulange Teissier đã gửi thư tới Toàn quyền Đông Dương về vấn đề Nguyễn Ái Quốc. Tài liệu: Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hải Ngoại Pháp
Dù chịu sự theo dõi gắt gao ở mức độ “nhất cử nhất động” của chính quyền Pháp, Người vẫn kiên trì với quyết tâm giải phóng dân tộc và đã thành công trong việc lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện cuộc Cách mạng Tháng 8 (19/8/1945) trước khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945.
Linh hoạt trong ngoại giao với Hoa Kỳ
Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, cùng thời điểm gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Hòa bình Versailles năm 1919, Nguyễn Ái Quốc cũng gửi một bức thư tới Ngoại trưởng Hoa Kỳ Robert Lansing, đại biểu tham dự Hội nghị.
Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Robert Lansing ngày 18/6/1919. Tài liệu: Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ
Trong bức thư, Người đã nêu lại những yêu sách mà Người đưa ra đối với Hội nghị và đề nghị Ngoại trưởng Hoa Kỳ Robert Lansing ủng hộ những yêu sách này. Đáng chú ý, bức thư này lại được viết bằng tiếng Pháp – ngôn ngữ chính thức của Hội nghị - thay vì tiếng Anh.
Dù không nhận được hồi đáp từ Ngoại trưởng Hoa Kỳ Robert Lansing, bức thư của Người vẫn được cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ trân trọng lưu giữ như một bằng chứng về mong muốn thiết lập mối quan hệ với nước này ngay từ những ngày đầu bước ra vũ đài thế giới của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc.
26 năm sau, khi Việt Nam giành được độc lập ngày 2/9/1945, ý thức rất rõ về hàng loạt những mối đe dọa từ “thù trong, giặc ngoài” cũng như tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” của đất nước, Người tiếp tục nhận định phải thiết lập được quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ để tranh thủ sự ủng hộ của nước này.
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ ngày 22/10/1945. Tài liệu: Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ
Ngày 22/10/1945, tức chỉ 1 tháng 20 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Trong đó, Người đề cập đến vấn đề độc lập của Việt Nam và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc được Liên Hợp Quốc công nhận nền độc lập này. Tuy nhiên, bức thư này của Người không được hồi đáp.
Gần một năm sau, trong các ngày 18/1 và 28/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư và điện tới Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman để đề nghị Hoa Kỳ cùng Liên Hợp Quốc can thiệp và có giải pháp trước cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng như đề nghị Hoa Kỳ giúp đỡ bảo vệ nền độc lập của Việt Nam. Cả bức thư và bức điện này cũng không được hồi đáp. Sau đó, mối liên hệ giữa Việt Nam và Mỹ bị gián đoạn.
Thư của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15/7/1969 và thư trả lời của Người (phải) ngày 25/8/1969. Ảnh: Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ
Sau khi Mỹ thế chân Pháp xâm lược Việt Nam, Người đã lãnh đạo quân, dân Việt Nam liên tiếp giành những thắng lợi quan trọng buộc Mỹ phải “xuống thang”, thay đổi thái độ với Việt Nam. Ngày 15/7/1969, Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện mong muốn đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Dù nhiều lần không được Mỹ hồi đáp trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 25/8/1969 vẫn gửi thư trả lời, trong đó, Người nêu rõ yêu cầu Hoa Kỳ phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, yêu cầu này không được chấp thuận và mãi sau khi hứng chịu thất bại nặng nề trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Hoa Kỳ mới chịu rút quân khỏi Việt Nam vào tháng 3/1973 nhưng vẫn tiếp tục ủng hộ cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho đến tận ngày 30/4/1975.
Người dân thế giới nghiêng mình kính phục
Được trực tiếp xem những tài liệu quý giá mà cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ và Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp thu thập và công bố trong cuộc triển lãm có chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế", nhiều khách du lịch quốc tế đã bày tỏ sự khâm phục về thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chị Hetal, khách du lịch người Anh, chia sẻ, dù trước đó không được biết chi tiết về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng qua cuộc triển lãm, chị thấy rất cảm phục trước ý chí và nghị lực phi thường cũng như quyết tâm sắt đá trong việc giải phóng dân tộc, nhân dân của Người.
Cũng theo chị Hetal, chị từng được học qua về lịch sử Việt Nam và vai trò then chốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước. Đây cũng là lý do chị muốn đến Việt Nam và cảm thấy may mắn khi có mặt tại đây đúng vào dịp diễn ra cuộc triển lãm quan trọng về Người.