"MUỐN GẦN DÂN THÌ ĐỪNG XA DÂN"

Ngày đăng: 07:47 31/08/2019 Lượt xem: 455


                   "MUỐN GẦN DÂN THÌ ĐỪNG XA DÂN"


                                                Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân

Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh dành trọn trí tuệ và sức lực để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Cũng vì lẽ ấy mà Người luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tìm hiểu ý nguyện của nhân dân rồi tìm mọi cách làm cho nhân dân được ấm no, hạnh phúc.



Cho đến trước lúc ra đi, trong bản Di chúc bất hủ để lại cho toàn Đảng, toàn dân và bạn bè năm châu, Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".

Trong bộn bề công việc cách mạng, nhưng Người luôn đau đáu nghĩ đến dân, thương dân. Người thương dân thật lòng, làm điều gì cũng nghĩ đến dân, đến nước. Vậy gần dân như Bác dạy chúng ta là thế nào? Gần dân là phải biết tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, không sách nhiễu dân, giải quyết mọi công việc của nhân dân theo tinh thần "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư"... Người chính là gương sáng về phong cách gần dân như thế.

"MUỐN GẦN DÂN THÌ ĐỪNG XA DÂN"
Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: TTXVN

Những câu chuyện về tấm gương giản dị, gần gũi, thân thiết giữa lãnh tụ và quần chúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Việt Nam hay nhân loại tiến bộ thế giới thật hiếm có. Nhiều nhà báo quốc tế khi chứng kiến những cuộc mít-tinh lớn ở Việt Nam hay nhân dân lao động ở nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận: Thật hiếm thấy một nguyên thủ quốc gia nào gần gũi, thân thiết với người dân như Bác Hồ của Việt Nam. 

Cứ mỗi độ thu về, có con tim người Việt nào không xao xuyến bồi hồi nhớ Bác, thương Bác khi trong phút giây thiêng liêng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, Người vẫn dừng lại hỏi đồng bào: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Một câu hỏi thật bình dị mang trọn tấm lòng thương dân. Trái tim thương dân ấy đã được cả muôn triệu đồng bào chung một lời đáp: "Có!"

“Muốn gần dân thì đừng xa dân!”. Lời Bác Hồ dạy cán bộ ngành tư pháp khi Người đến thăm và nói chuyện với lớp đào tạo cán bộ tư pháp năm 1950 vẫn nguyên vẹn giá trị cho hiện tại và sau này. Thật hiếm có vị nguyên thủ nào lại có tác phong sâu sát, đi cơ sở nhiều như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dù tuổi đã cao, từ năm 1955-1965, tức là lúc Bác đã 65-75 tuổi, Người vẫn sắp xếp công việc thực hiện khoảng 700 lượt đi đến các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội... để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, nắm bắt tình hình, lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của nhân dân cũng như kiểm tra công việc của cán bộ cơ sở.

Điều đặc biệt là những chuyến đi cơ sở, về với dân rất ít khi Người báo trước cho địa phương. Bởi, Người muốn biết người thật, việc thật, thông tin thật từ cơ sở. Học phong cách gần dân, gần cơ sở của Bác, lớp lớp cán bộ, đảng viên của Đảng kế tiếp nhằm thực hiện tinh thần yêu dân, kính dân, vì nhân dân phục vụ. 

Soi chiếu với thực tiễn hiện nay, cán bộ nào thực lòng gần dân, vì dân thì được dân tin, thì địa phương nơi đó đoàn kết, phát triển. Ngược lại, ở đâu cán bộ nhũng nhiễu, bất chấp thủ đoạn để "vinh thân phì gia", tất nơi ấy sa sút, nhân dân không ủng hộ.       

Tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân của Bác là bài học sâu sắc cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo. Bởi, đó chính là bí quyết của mọi thắng lợi.

tin tức liên quan