Trở lại mái trường Thứ tư, 4/9/2019, 23:56 (GMT+7) Tôi đã từng là một đứa trẻ mơ mộng và không thích giao tiếp. Những năm đi học đầu đời là quãng thời gian khủng khiếp. Lên ba tuổi, mẹ dắt tay tôi tới lớp mẫu giáo. Đứng trước cổng trường toàn những người lạ, khi thấy mẹ chuẩn bị về, tôi gào khóc dữ dội. Mọi người làm cách nào tôi cũng không nín. Thế là năm đấy tôi không phải đi học. Tôi bị lỡ mất một năm trường lớp, giao lưu với xã hội mà không thế lấy lại được cho đến tận 20 năm sau. Bố nói, mẹ không chịu mang tôi ra ngoài, luôn bảo bọc, nên tôi mới nhút nát và không hoà đồng. Còn mẹ thì bảo: "Tại bố đấy. Mẹ muốn cho con đi học mà bố muốn ‘homeschool’ (học tại nhà)". Homeschool rất phổ biến ở phương Tây. Bạn ở nhà, bố mẹ hoặc gia sư sẽ dạy cho bạn. Thật may bố mẹ đã cho tôi quay trở lại trường, vì nếu ở nhà, tôi sẽ không có cơ hội được va chạm với nhiều người. Dù có nghiên cứu bảo rằng học tại nhà vẫn tốt cho giao tiếp xã hội, cá nhân tôi không tin lắm. Mình không thể gặp được những kẻ bắt nạt để học cách chống lại chúng, và mình trưởng thành. Trường tiểu học của tôi, Madoc Township, là ngôi trường nhỏ, chỉ có khoảng 150 học sinh. Đây là vùng nông thôn, cạnh sân trường có bãi cỏ cho ngựa và một khu rừng. Mỗi lớp chỉ có khoảng 25 học sinh, nhưng giáo viên thì rất đam mê dạy học. Lúc đó, thói quen mộng mơ, không tập trung vào bài học làm tôi cảm thấy tuyệt vọng và ghét đi học. Thêm nữa, vì tôi bị sinh non trước hai tuần, tệ hơn lại đẻ vào cuối năm, nên bạn bè cùng tuổi đều già dặn hơn tôi nhiều. Ở lớp một, tôi phải học tập đọc kèm với hai người bạn. Đến khi biết đọc, tôi bắt đầu thích đọc sách, và giữ thói quen đọc liên tục hơn 30 năm qua. Lên lớp hai, tôi vẫn học rất tệ. Nhưng các trường công ở Canada không khác nhau nhiều, không có hệ thống phân chia học sinh giỏi vào lớp chọn, học sinh bình thường ngồi chung với nhau, không có việc hối lộ hiệu trưởng hoặc giáo viên. Giáo viên lớp hai, thầy Brucee, thấy tôi là một cậu bé ít nói, có khiếu nghệ thuật và đam mê đọc sách, bèn xếp tôi ngồi kế bên Jonathan Beer - cậu bé thông minh nhất quận. Jonathan vừa thắng giải nhất trong tỉnh Ontario và thứ hai toàn quốc Canada trong cuộc thi cờ vua giành cho lứa tuổi chúng tôi. Nhờ cậu ấy, tôi hiểu được một món làm tôi rất bực: toán học. Tôi dần dần trở thành một học sinh khá. Tôi từ từ hoà đồng với mọi người và trường lớp hơn. Lên lớp ba, tôi trốn học ba lần. Cái tính lãng đãng làm cho tôi không thể tập trung được vào bài giảng của thầy. Tôi định trốn sang một thành phố khác và sống trong một cái hẻm nhỏ. Mỗi lần như thế, thầy giáo đi tìm ra tôi, ông không hề la mắng nửa lời. Rồi bố cũng vào cuộc bằng cách dạy thêm toán cho tôi ở nhà, giúp tôi đạt điểm toán cao hơn. Nhiều năm sau, tôi hiểu lý do tại sao hoàn toàn không nên phân chia học sinh thành lớp chọn với lớp thường, không nên tách bạch học sinh giỏi và học sinh yếu. Sau này ở quân đội, một môi trường giáo dục rất khác, tôi hiểu rằng sức mạnh của một nhóm được đánh dấu bằng sức mạnh của người yếu nhất trong đội. Nếu người đó phạm lỗi, cả đội cũng bị phạt và cùng chịu trách nhiệm. Vì thế, ta phải học cách từ bỏ tính ích kỷ để giúp đỡ người ấy tiến lên như mọi người, thì đội mới cùng nhau phát triển. Tiếng Anh có câu, "Đoàn kết chúng ta đứng, chia rẽ chúng ta ngã". Ở Canada, chúng tôi không có các lớp học thêm sau giờ chính khóa. Nếu một học sinh chậm chạp trong môn gì, thì cha mẹ, thầy cô và các bạn cùng có trách nhiệm giúp đỡ. Giờ đây tôi biết có rất nhiều cách để đi học, nhiều cách dạy học, và nhiều kiểu học sinh. Một hệ thống giáo dục mà ở đó nhà trường, thầy cô, những người lớn và cả cha mẹ học sinh đều linh hoạt và bao dung là rất cần thiết. Nó có thể biến điểm yếu của các học sinh, ví dụ cậu bé mơ mộng và sợ toán như tôi, thành điểm mạnh. Giáo dục vô cùng phức tạp. Nó đòi hỏi sự linh hoạt và sáng tạo, trên hết là sự kiên nhẫn và trái tim tận tình. Khi năm học mới bắt đầu, tôi hy vọng sẽ có nhiều phụ huynh, giáo viên và nhà hoạch định chính sách giáo dục sẽ nghĩ đến việc: ngoài kia có những đứa trẻ mơ mộng, những cô cậu kém tập trung, ghét môn này thích môn kia, và cả những đại tài đánh cờ, hay giỏi toán. Tất cả chúng đều có giá trị như nhau. Tháng 9 này, không chỉ học sinh, cha mẹ chúng và tất cả chúng ta đều trở lại trường học. Đó là cơ hội để ta bắt đầu làm lại, một năm học chân thực, lành mạnh và bao dung hơn. Jesse Peterson (Nguyên tác tiếng Việt) PS st Theo VnExpress