Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi

Ngày đăng: 06:28 05/09/2019 Lượt xem: 388

      Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi

 

                                                Nguồn: Báo Điện tử Tuổi Trẻ

Chiều 4-9, cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra sau phiên họp Chính phủ bàn tình hình kinh tế - xã hội tháng 8-2019. Bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo.

 

Trước đó, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết bất chấp bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, giữ được ổn định.

CPI bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với cùng kỳ, là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Thủ tướng khẳng định chắc chắc sẽ đạt cận cao của mục tiêu phấn đấu năm nay (mục tiêu tăng trưởng Quốc hội giao năm 2019 là 6,6-6,8%).

Trong 4 tháng còn lại của năm 2019, Thủ tướng nhắc nhở không thể chủ quan; thúc đẩy các cấp, các ngành làm tốt hơn công việc được giao như thu hút đầu tư phát triển, quan tâm đời sống người dân trong mùa mưa bão…

Kết quả trúng sơ tuyển thầu cao tốc Bắc - Nam là tài liệu mật

 

Liên quan đến kết quả sơ tuyển các nhà đầu tư với dự án cao tốc Bắc - Nam, thứ trưởng bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho biết Ban quản lý dự án đã mời thầu và nhận hồ sơ từ tháng 7-2019, hiện đã có hội đồng đánh giá và kết quả. Nhưng theo quy định pháp luật, quy trình đánh giá thẩm định và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định đấu thầu là hồ sơ thuộc diện tài liệu mật, nên không thể cung cấp thông tin. 

Với việc các nhà đầu tư tư nhân tham gia, ông Đông cho biết trong các phân đoạn đầu tư sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo khai thác và xây dựng hiệu quả kết nối các tuyến đường có khả năng thu hồi vốn. Theo quy định pháp luật, vốn điều lệ là 20% nên ông Đông cho rằng nhà đầu tư trong nước có khả năng tham gia dự án.

Với câu hỏi về đề xuất mua lại ACV để biến DN này trở lại thành DNNN, ông Nguyễn Ngọc Đông nói ây mới là đề xuất, sau này có chủ trương mới triển khai thực hiện.

Vụ Asanzo: Bộ Tài chính đã thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng

 
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi - Ảnh 1.

Ông Phạm Đình Thi - vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Phạm Đình Thi - vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính - nói về vụ Asanzo: Ngay sau khi báo chí nêu, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu kiểm tra thông tin báo chí nêu về công ty Asanzo. Ngay hôm sau, bộ trưởng Bộ Tài chính, phó ban chỉ đạo 389, đã có công văn chỉ đạo kiểm tra xác minh thông tin báo chí phản ánh.

Bộ trưởng đã giao các cơ quan chức năng của bộ kiểm tra vụ việc, hiện Bộ Tài chính đã thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vì sao không áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với ông Nguyễn Bắc Son?

 
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc - Ảnh: NAM TRẦN

Liên quan đến vụ việc AVG, câu hỏi đặt ra cho Bộ Công an là vì sao cựu bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Bắc Son không được cơ quan điều tra đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt.

Báo chí cũng đề nghị đại diện Bộ Công an cho biết đường đi của hơn 6 triệu USD mà 4 quan chức đã nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ, đặc biệt là 3 triệu USD ông Son đã nhận. 

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc trao đổi: Kết luận điều tra là ngày 31-8-2019, các cơ quan báo chí đã thông tin về vụ việc, nhưng "chính sách khoan hồng của pháp luật với người phạm tội là với những người hợp tác tích cực và khắc phục hiệu quả với thiệt hại xảy ra".

Ông Ngọc khẳng định trong quá trình điều tra đã thực hiện toàn diện, kết quả đến đâu kết luận tới đó.

Ai trúng sơ tuyển làm nhà thầu cao tốc Bắc - Nam?

 

Báo Tuổi Trẻ cũng đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải: Được biết đầu tháng 9 bộ đã có kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án BOT cao tốc Bắc - Nam. Xin bộ cho biết kết quả sơ tuyển có bao nhiêu nhà đầu tư trong nước, bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài, đến từ quốc gia nào trúng sơ tuyển? 

Bộ đánh giá thế nào về mức độ thành công trong lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc - Nam khi hầu hết doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước không tham gia dự án?

Xử lý hàng hóa nhãn hiệu Asanzo thế nào?

 

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi tới người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng và đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương liên quan đến vụ việc Asanzo.

"Được biết Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng về vụ việc Asanzo nhập hàng từ nước ngoài về gắn mác Made in Vietnam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, vậy nội dung báo cáo kết quả xử lý vụ việc là gì? Liệu có khởi tố về hành vi làm giả xuất xứ hàng Việt Nam ko?

Mới đây tòa án cấp cao đã có bản án buộc Asanzo gỡ toàn bộ nhãn hiệu Asanzo do vi phạm luật sở hữu trí tuệ, cụ thể nhái nhãn hiệu Asano của Công ty Đông Phương tại Hà Nội, tuy nhiên hàng nhãn hiệu Asanzo vẫn lưu thông trên thị trường, vậy cơ quan chức năng sẽ xử lý hàng hóa nhãn hiệu Asanzo thế nào?

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Trung - thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư - Ảnh: NAM TRẦN

Đối với việc thí điểm dự án PPP, ông Nguyễn Đức Trung - thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư - thông tin thêm về dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. 

Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn 750 triệu USD, nhà nước hỗ trợ 250 triệu USD từ phần vốn bảo lãnh, vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Nhà đầu tư gồm Bitexco phải bố trí 60% vốn thực hiện. Tuy nhiên đàm phán thực hiện không thành công, nên tháng 3-2018 Thủ tướng chấm dứt thí điểm dự án.

Theo ông Trung, hiện Chính phủ đang trình Quốc hội thông qua Luật PPP cho ý kiến vào ký họp thứ 8 và dự kiến kỳ họp thứ 9. Dự luật này trên cơ sở được kế thừa các quy định đang có như Nghị định 108, Nghị định 63…

"Việc hoàn thiện khung pháp lý là cần thiết vì đây là những dự án có quy mô vốn lớn, thời gian đầu tư kéo dài nên cần phải có khung pháp lý để đảm bảo. Dự án PPP cũng chưa có đủ sức hấp dẫn nên dự thảo luật đưa ra cơ chế bảo lãnh để thu hút đầu tư dự án. Bởi đây là dự án đầu tư công nhưng do hạn chế nguồn lực nên phải kêu gọi đầu tư tư nhân", ông Trung nói.

 
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Ngọc Đông - thứ trưởng Bộ GT-VT - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Nguyễn Ngọc Đông - thứ trưởng Bộ GT-VT - trả lời về xuống cấp sân bay Nội Bài: Trước đây khi chưa cổ phần hóa ACV, từ 1-4-2016 về trước công tác quản lý khai thác do trách nhiệm ACV. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, do vấn đề an ninh sân bay, đường băng, khu bay thuộc tài sản nhà nước nên Nhà nước phải cải tạo nâng cấp.

Khi lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, kinh phí hạn hẹp nên việc này không nằm trong kế hoạch bố trí vốn cải tạo.

Tháng 7 sẽ trình Chính phủ kiến nghị giao cho ACV tài sản khu bay giai đoạn 2020-2025 và nghiên cứu cơ chế giao lâu dài sân bay. Trong trường hợp này, dùng nhiều nguồn vốn nhà nước, khai thác khu bay, vốn huy động..., tuy nhiên đề án chưa được phê duyệt.

Hiện ACV vẫn đang được giao quản lý khai thác nên ACV phải sửa chữa hư hỏng đó.

Vụ Rạng Đông là dịp để tính chuyện dời nhà máy ô nhiễm ra khỏi khu dân cưHọp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân - Ảnh: NAM TRẦN

Trả lời về sự cố cháy tại nhà máy Rạng Đông, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết cơ quan chức năng đã lấy mẫu phân tích, gồm các đoàn của Bộ Y tế, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường. Bộ TN-MT đã tổ chức hai cuộc họp tham vấn ý kiến chuyên gia, và ngày 3-9 trực tiếp cùng bộ ngành thống nhất số liệu xác định số lượng thuỷ ngân.

Nguồn thuỷ ngân phát tán ra theo báo cáo của công ty, trên cơ sở số đèn compact là 15,1kg, nhưng theo tính toán của các nhà khoa học thì khối lượng thuỷ ngân phát tán ra là 27,2kg.

"Rất may 3 kho tủ chứa amalgam sản xuất bóng đèn là chưa cháy và còn nguyên. Khối lượng lớn thuỷ ngân này không bị cháy, còn lại đều nằm ở bóng đèn bị cháy. Chúng tôi yêu cầu công ty báo cáo rõ số lượng, và hiện đang xác định rõ khối lượng", ông Võ Tuấn Nhân nói.

Kết quả phân tích mẫu đất, nước của các cơ quan liên quan cho thấy từ 30-8 đến 1-9, hiện trạng môi trường sau vụ cháy cụ thể là: 1/12 mẫu nước có nồng độ thuỷ ngân vượt so với quy chuẩn 1,3 lần, trên sông Tô Lịch, cống xả gom nước thải công ty; 1/8 mẫu nước thải vượt 2,76 lần tại điểm quan trắc ở công ty; 2/13 mẫu trầm tích tại điểm quan trắc sông Tô Lịch, cống gom xả nước thải nhỏ ở Hạ Đình vượt trên 6 lần; có 1 mẫu không khí vượt quy chuẩn trong khuôn viên bị cháy ở công ty.

"Đây là sự cố cháy nổ mất an toàn hoá chất, ảnh hưởng sức khoẻ con người ở mức độ trung bình. Tuy nhiên gây thiệt hại tài sản và ảnh hưởng trầm tích, tác động đến sức khoẻ con người, phát tán môi trường không khí nước, lắng đọng nước và chảy vào sông Tô Lịch", ông Nhân cho hay.

Phạm vi vùng có nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng xấu sức khoẻ người dân là khoảng cách bán kính 500m. Theo đó, giải pháp tập trung là công ty khẩn trương cô lập khu vực cháy, che chắn mái tôn, phủ bạt, tránh mưa và không để hơi thuỷ ngân phát tán ra môi trường; với chất tàn dư thì tiến hành thu gom, thu giữ để xử lý theo quy định; phối hợp đơn vị chức năng tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy và thống kê chính xác số lượng hàng hoá, vật liệu bị cháy, báo cáo cơ quan chức năng để xác định đúng số lượng, kiểm tra sức khoẻ cán bộ công nhân và người lao động.

UBND TP Hà Nội tiếp tục cô lập và cách ly khu vực nhà kho cháy theo đúng phương án đã phê duyệt, hướng dẫn thực hiện, phân loại thu gom vận chuyển xử lý tàn dư vụ cháy, kể cả phế liệu vật liệu theo đúng quy định. Khuyến cáo người dân trong phạm vi bán kính 500m tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn phơi nhiễm và kiểm tra sức khoẻ định kỳ…

Tổ chức công bố thông tin và kết quả kiểm tra nhiễm độc, xây dựng chương trình kiểm tra và khám sức khoẻ thường xuyên cho người dân và cán bộ…

Bộ TN-MT tiếp tục đưa ra yêu cầu xử lý chất thải nguy hại, hướng dẫn cải tạo khu vực ô nhiễm và quan trắc một số đợt.

Về lâu dài, quan điểm của Bộ TN-MT là có lộ trình thích hợp di dời các nhà máy này ra khỏi khu dân cư. Bộ đề nghị TP Hà Nội tạo điều kiện di dời khỏi khu dân cư và xây dựng lại nhà máy, được biết TP đã có kế hoạch và có lộ trình.

"Hi vọng không chỉ công ty như Rạng Đông mà nhiều công ty khác cũng rời khỏi khu dân cư, đặc biệt là cơ sở có nguy cơ ô nhiễm và nguồn hoá chất", thứ trưởng Nhân nói.

Các câu hỏi đầu tiên chủ yếu dành cho Bộ Công an. Liên quan vụ cháu bé 6 tuổi tử vong ở trường Gateway, có những thông tin được cho là sai sự thật, như việc cháu bé không tử vong trên xe, Bộ Công an có nắm những thông tin này không?

Báo chí cũng đặt câu hỏi về việc điều tra công ty Nhật Cường, việc xử lý nữ đại uý công an có hành vi không đẹp ở sân bay Tân Sân Nhất, việc trường Newton đang xây dựng toà nhà 7 tầng không phép và không đủ chứng nhận điều kiện phòng cháy chữa cháy nhưng tiếp tục tuyển sinh...

Câu hỏi đặt ra cho Bộ Tài nguyên - môi trường là về kết quả chính thức liên quan đến mẫu xét nghiệm tại vụ cháy ở công ty Rạng Đông, tình trạng nhiễm thuỷ ngân, khả năng nhà máy nước sạch Hạ Đình bị nhiễm thuỷ ngân hoặc ô nhiễm...

Đối với tình trạng sân bay quốc tế Nội Bài xuống cấp và lún nứt sâu, gây ảnh hưởng an toàn hàng không nhưng đầu tư sửa chữa vướng mắc cơ chế chính sách, câu hỏi đặt ra là cơ chế để đảm bảo an toàn bay thế nào?

Dự án PPP, hiện nay Chính phủ đang tích cực hoàn thiện để trình Quốc hội, nhưng trong cuộc họp gần đây, thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Đặng Huy Đông nói "chính sách này loay hoay và đẻ ra nhiều dự án lổn nhổn như BOT, như trường hợp của dự án Phan Thiết - Dầu Giây". Thông tin của ông Đông nói có đúng không?

ĐBQH nói thi hành án hành chính chỉ đạt 39% và người thi hành là chủ tịch UBND huyện, có đảm bảo thi hành pháp luật hay không?

Tham gia họp báo có thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, thứ trưởng Bộ Công an, thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Đức Trung, vụ trưởng Vụ chính sách thuế Bộ Tài chính Phạm Đình Thi...

Bàn tiến chứ không bàn lùi

 
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8: Chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi - Ảnh 1.

Ông Mai Tiến Dũng - bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn Chính phủ - chủ trì họp báo - Ảnh: NAM TRẦN

Trao đổi về nội dung cuộc họp của Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng khẳng định "chắc chắn tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 6.6-6,8%, mục tiêu Quốc hội giao, phấn đấu mức cao hơn”.

“Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là khẳng định kiên định thực hiện giải pháp, chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, phát huy lòng tự hào dân tộc, tính sáng tạo và tự chủ, đồng lòng để vượt qua khó khăn thách thức, tinh thần hoàn thành vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao”, bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.


tin tức liên quan